(QNO) - Sinh năm 1961 tại một làng quê nghèo thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành), khi lên mười tuổi, anh Phạm Tề bị vướng mìn và thành người tàn phế. Cả hai chân đều bị cụt sát đùi, thân hình đầy thương tích, tỷ lệ hơn 80%. Mặc dù bị tàn tật nặng nhưng anh quyết tâm tìm mọi cách để được đi học và tìm cho mình một việc làm phù hợp tự mưu sinh.
Trưởng khoa Phạm Tề |
Năm 1980, anh Tề tốt nghiệp THPT và thi vào trường Đại học Y khoa Huế, đăng ký nguyện vọng 2 vào học ngành xét nghiệm hệ trung cấp tại Trường Kỹ thuật Y tế Trung ương II ở Đà Nẵng. Anh Tề thừa điểm vào nguyện vọng 2 nhưng khi khám sức khỏe để vào học, anh bị loại với lí do mức độ thương tật vượt quá 60%, không đủ sức khỏe để theo học. Để được đi học, anh Tề đã phải làm liều, viết hàng chục lá thư gửi các sở, cơ quan trung ương có liên quan và gửi cả Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thời bấy giờ là Phạm Văn Đồng để cầu cứu. Đồng cảm với nguyện vọng chính đáng của anh, các vị Bộ trưởng các Bộ: GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Bộ Y tế và cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã có ý kiến can thiệp nên nhà trường mới đồng ý cho anh Tề theo học.
Năm 1983, tốt nghiệp ra trường loại khá, anh Tề tìm việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối vì lý do anh tàn tật quá nặng. Không nản chí, anh Tề đã lặn lội lên tận vùng núi Trà My và tìm được việc làm, công tác tại Khoa xét nghiệm đúng với chuyên môn được đào tạo. Sau một thời gian công tác, anh Tề đã được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện cho chuyển về bệnh viện đa khoa Tam Kỳ để anh thuận tiện hơn trong công tác. Nhưng anh Tề đã từ chối và làm đơn tự nguyện ở lại phục vụ lâu dài. Bởi theo anh, vùng Trà My thời điểm đó đang là điểm nóng về dịch sốt rét của cả nước và thật sự rất cần kỹ thuật viên xét nghiệm như anh. Hơn nữa, đây là mảnh đất đã rộng lòng cưu mang, tổ chức đã tiếp nhận, cho anh công việc làm. Anh coi việc ở lại là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa.
Phải đi lại bằng chân giả khập khiểng, nhưng anh Tề luôn vượt khó, không nề hà trong công tác. Những công việc khó nhọc như trực đêm, đi cơ sở, di chuyển xét nghiệm ngay tại giường bệnh… anh Tề đều sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nỗ lực của anh đã được đồng nghiệp, cấp trên ghi nhận, anh Tề vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được bổ nhiệm vào giữ chức vụ Trưởng khoa Xét nghiệm - huyết học.
Đến nay, đã hơn 32 năm công tác, anh Tề có đến trên 30 năm giữ chức vụ trưởng khoa và hằng năm anh luôn là cán bộ, đảng viên mẫu mực, nhiều lần được huyện, sở y tế khen thưởng. Mến phục nghị lực vượt khó, vượt lên số phận của anh, chị Võ Thị Mão (SN 1963), một nữ hộ lý đảm đang đã nguyện cùng anh gây dựng mái ấm trăm năm. Anh chị đã có được hai người con và đều rất hiếu thảo, chăm học. Trong đó, có một người con cũng đã theo nghiệp cha, hiện là cử nhân xét nghiệm đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam. Tuy gia cảnh không sung túc, nhưng gia đình anh Tề rất hạnh phúc và là mẫu gia đình lý tưởng mà rất nhiều người mơ ước.
“Anh Tề là người có chí và giàu nghị lực. Anh luôn vượt khó, tìm tòi học hỏi nên chuyên môn rất vững và anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là một người bị tật nguyền nhưng anh hoàn thành mọi công việc xuất sắc nhưng những đồng nghiệp khác. Anh Tề là tấm gương sáng trong Cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đáng để bạn bè, đồng nghiệp khâm phục và noi theo” - bác sĩ Phạm Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Y tế Bắc Trà My nói.
NGUYỄN VĂN BÌNH