Một vùng quê, một nỗi đợi mong...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 25/02/2017 06:44

Tôi vừa thực hiện một chuyến đi dọc phía đông đất Quảng.

Phía đông của tỉnh Quảng Nam có con sông chạy dài ven biển từ Hội An đến Chu Lai. Sông dài khoảng 70km, như một đường thông nhau giữa hai cửa biển An Hòa ở phía nam và Cửa Đại ở phía bắc. Từ ngày có chiếc cầu bắc ngang cửa Đại, một đại lộ rộng đang được mở ra chạy song song, như đánh thức những làng quê bao đời trầm mặc yên ắng bên những đồi cát, rừng dương nghèo khó…

Ngư dân phơi cá ở bờ biển Duy Hải.Ảnh: T.Đ.T
Ngư dân phơi cá ở bờ biển Duy Hải.Ảnh: T.Đ.T

Tôi lặng nhìn xuống dòng nước sông Trường Giang trong xanh và phẳng lặng. Dọc hai bên sông là những làng chài, ruộng lúa, rừng dừa xanh ngát. Từ bắc vào nam, hai bên sông còn có những địa danh nổi tiếng: làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Bàn Thạch, làng khoai lang Trà Đõa, làng chài lưới Tỉnh Thủy, các làng nước mắm Cửa Khe, An Hòa, làng chài Tam Hải, bãi biển Tam Thanh, bãi Rạng Chu Lai… Lại có nhiều chợ quê sầm uất và gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử như chợ Lạc Câu, chợ Bà, chợ Được, chợ Tây Giang, chợ Bến Đá nức tiếng từ hàng trăm năm nay.

Đi dọc Trường Giang nhiều lần bằng ghe máy, nhưng lần nào tôi cũng thấy lạ lẫm với những khám phá và hiểu biết mới. Đó là chưa kể được tắm gội trong một môi trường tự nhiên trong lành, yên tĩnh và cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Dừng ghe cạnh làng rau Nồi Rang, bước chân lang thang trên những cây cầu tre dài vài trăm mét, ghé thăm chợ Bà, chợ Được, ăn những tô mì Quảng chính hiệu với loại nhưn là những con tôm đất ngọt lịm hoặc xem cảnh các thuyền khai thác hàu, nghêu ven sông ở Bình Dương rồi thưởng thức mấy bát cháo hàu, những tô canh bầu nấu nghêu sông nóng hổi, ngắm cảnh những vuông tôm bạt ngàn dưới ánh hoàng hôn như tranh vẽ. Lại có lần dừng chân ở bến An Lương, Duy Hải ngồi với những lão ngư thưởng thức mấy món cá bớp, cá căn tươi rói nấu ngót thơm lừng và hít hà đôi ly rượu gạo, ngó về cửa Đại rồi bình chuyện lở bồi. Lở bồi sông biển và lở bồi lòng người trong những cơn đổi đời bê tông, resort. Lang thang vào làng “bích họa” ở Tam Thanh giờ không chỉ gặp những ngư dân, những cụ bà chuyên nghề làm mắm truyền thống, mà còn gặp những du khách trẻ từ bốn phương đến bằng xe đời mới như cố khám phá những gì còn sót lại của một làng quê đang chuyển dịch…

Chưa hết, đi dọc Trường Giang, ai yêu mến lịch sử còn có thể dừng chân ở xã Bình Dương 3 lần anh hùng vẫn còn đậm nét trong những trang hồi ký của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý và đến cây dương thần để tưởng nhớ và chiêm nghiệm một thời binh lửa đã qua. Rồi vào làng Hà Bình xã Bình Minh vẫn còn đó những tư liệu về ngài Trương Văn Lại, chánh đội trưởng Ngũ đội Thủy vệ Hoàng Sa do vua Tự Đức cử đi vào tháng Chạp năm 1854. Cũng có thể về thăm xã Tam Giang, quê hương của Thủ Thiệm để nghe người dân ở đây kể những giai thoại nhớ đời về ông, không kém gì chuyện Ba Giai, Tú Xuất.

Vùng đất dọc sông Trường Giang, chạy xe dọc con đường ven biển nối từ Cửa Đại về hướng nam còn có những sinh hoạt văn hóa cổ truyền như hát bả trạo trong lễ Cầu ngư, lễ Rước cộ Lệ Bà chợ Được, xem hát bội, nghe tiếng trống chầu vào dịp cúng kỳ yên mỗi năm thật hào hứng trong những đêm trăng tháng Giêng…, như thấy được cái hơi thở nồng ấm của làng quê từ bao đời ông cha vẫn được gìn giữ, tiếp truyền…

Tôi đã có được những vốn liếng vùng đông đất Quảng suốt mấy chục năm như vậy. Một vốn liếng để đôi lúc tự hào với chính mình sau những tháng năm xê dịch. Để bây giờ con đường mới được mở ra, nối từ Hội An. Những dự án ngàn tỷ về du lịch nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp đã, đang và sẽ được đầu tư. Lòng khấp khởi mừng như thấy những mồ hôi và cả máu xương được đền trả. Những phận đời sẽ thay da đổi thịt đi về phía ấm no. Nhưng cũng lại khấp khởi lo cho những ngôi làng, những di sản tinh thần, những địa danh đã khắc cốt ấy chìm vào quên lãng. Lại lo cái không gian sống thoáng đãng ấy sẽ mất đi trong hình hài những căn hộ được chia lô chật hẹp. Mất đi cái không gian sống là mất hẳn những làng quê và căn cốt văn hóa muôn đời dựng đắp tự ông cha…

Trong cuộc đổi dời không thể khác này, cái khấp khởi mừng lo ấy cứ đan xen! Và tôi ước mong những làng quê ấy đừng mất đi, những bãi ngang dạt dào sóng ấy vẫn còn đó cho nghìn vạn sãi tay thanh xuân bơi lội, cho vạn chiếc ghe câu chiều hôm vẫn về bến.

Cuộc sinh tồn giữa hiện đại và truyền thống ấy cần có những khối óc nhìn xa, những trái tim nóng hổi tình yêu quê hương được tạc vào các đồ án quy hoạch, phát triển… Mong lắm thay!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một vùng quê, một nỗi đợi mong...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO