“Em còn đợi chuyến đò sau/hay là không thể đợi nhau bờ này?/em về lấy tóc chẻ mây/ buộc anh đứng lại như cây sông Hàn” (Mong em về trước cơn mưa). Đó là thơ Thu Bồn, viết năm 1985. Thuở đó sông Hàn chỉ có một cây cầu là cầu Trịnh Minh Thế hay còn gọi là cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Làng An Tân, dày đặc những lối đi nhỏ hẹp như thế này. Ảnh: TRUNG VIỆT |
1. Mười năm sau đó, cũng chẳng thêm cây cầu nào cả. Cho nên mới có câu ám miết vô mình “sông có lạnh đâu, cứ gọi Hàn”. Lạnh lắm, những chuyến phà đêm khuya khoắt, những sớm đông mịt mù mưa gió từ biển xô lên, những gánh hàng hoa ướt sũng, những phận đời buôn gánh bán bưng nhão nhoẹt cái nhìn, những công chức co ro đi về cho kịp… Những và thật nhiều những buồn phiền, cũ càng, lạc lõng, như dân bên ni sông Hàn, tức trung tâm thành phố hay ngó qua bên kia mà chọc chẹo “gái quận 3 không bằng bà già quận 1”. Bên kia sông là quận 3 đó, cách nhau một cây cầu, một chuyến phà mịt mùng khói, cũ nát, bơ vơ mà ồn ào nhưng ráng gánh gồng kiếp phận. Ca dao đất này cũng có cái câu ám thị xưa lắc lơ “Đứng bên ni Hàn ngó bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/Đứng bên tê Hà Thân ngó về Hàn, phố xá nghênh ngang”.
Quận 3 bây giờ là quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn. Cái chỗ mưa mịt mùng mình đang ngồi đây là làng An Tân thuộc An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Nhớ 20 năm trước, chỗ này là cát, là gai lưỡi long, là nhấp nhô bọt nước những ngày gió lớn biển động. Xịch ra, xuống chừng vài cây số nữa, là xóm nhà chồ, một ngổn ngang tủi cực của thành phố những năm khó khăn. Dân nhà chồ, ai cũng như ai, kiếp sống sông nước, đẻ đông như gà, sống chen chúc, lấy biển sông làm bạn, chữ nghĩa mấy hột mô… Dân đây, dân đó, có khác gì đâu, mấy đời làm biển, quăng chài, những cái nhìn ủ mục như cánh buồm xưa tả tơi nước mặn. Rồi thành phố ồ ạt giải tỏa. Đất mặt đường sát bờ sông, giờ là đường Trần Hưng Đạo, đứng bên này ngó qua, sáng loáng, tinh khôi và sừng sững. Bùn đất thành vàng ròng. Chỉ có đại gia mới dám xớ rớ mảnh đất sát biển, ngày nào cũng thấy khách muôn phương túa về. “Ai dám nghĩ hả em, tụi anh ba đời ở đây, làm chi có cửa mà ngó, cách nhau mười mét, cũng là người, mà phận thì khác” - Anh Nguyễn Văn Lộc (tổ trưởng tổ 66, thuộc An Hải Bắc, quận Sơn Trà) ngậm ngùi.
“Thành phố đáng sống”. Đà Nẵng có danh thế. Từ nhiều góc nhìn, có thể thấy cũng đáng gọi vậy, khi chưa kẹt xe dữ dội, ít ô nhiễm, không nặng nề xây dựng, hành chính cải cách… Nhưng cuộc sống có dừng lại đâu và những mảng tối sáng cứ giao nhau chập chờn. Khi có độ lùi thời gian, người ta khi qua cơn lên đồng, hết kêu gào vô thức tập thể nữa, thì chợt nhận ra, những trồi sụt buồn bã có mất đi đâu. |
2. Làng An Tân, rồi An Đồn, bị kẹp giữa đường Trần Hưng Đạo, sau lưng là đường Ngô Quyền, chỗ đó đâm ra biển Mỹ Khê, bãi tắm lung linh đẹp nhất nhì hành tinh chi đó. Gần 1.700 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu, được coi là nghèo nhất phường này, trong đó 120 hộ nghèo kiết xác, thu nhập trung bình 1,3 triệu đồng/tháng, đắp đổi qua ngày cũng thiếu trước hụt sau. Thành phố nào cũng có những xóm nhà ổ chuột, cũng có những tối tăm bên cạnh rực rỡ, có tiếng thở dài chen lấn rộn rã. Anh Nguyễn Văn Lộc ngó tường nhà loang lổ nước, tỉnh như không: “Mỗi nhà, vài thế hệ chen chúc là thường. Đường trong xóm chật quá, chết là phải xúm khiêng mới ra được. Cấp cứu, chữa cháy là thót tim. Mưa thì ngập. Mang tiếng làm biển, nhưng 21 hộ ở đây chỉ có 4 nhà có người đi bạn cho thuyền, mà bấp bênh lắm, còn lại đụng đâu làm đó, ai bứt ra được thì đi luôn. Nhà cửa chi mà như hộp diêm đập dẹp, méo mó, đường sá thì… xi cà que. Tụi anh ở đây bức bối lắm, nhưng có ai dám nghĩ chuyện quy hoạch giải tỏa cho đỡ cực hơn”. Tôi ngồi với vợ chồng Trần Hồi, 26 tuổi, 3 đứa con cùng mẹ vợ sống trong ngôi nhà 15 mét vuông. Chỗ ngồi là thềm cửa, làm cao hơn mặt đường chừng 2 viên gạch chồng lên “không thì mưa nước tràn vô nhà”. Giọng vợ Hồi ray rứt như mưa. “Không anh, tiền mô mà sửa, đói no chập chờn, em đi biển nhưng 4 tháng rồi ở nhà vì chủ ghe không tìm ra bạn. Đói dài…”. Chữ “dài” từ miệng Hối dứt nhanh, như không muốn kéo thêm cơn đói.
Ông Đặng Văn Hải, người được coi là nhiều chữ nhất làng, xuất thân thầy giáo, dẫn tôi quay lại chỗ để xe, bởi sợ tôi đi lạc trong chằng chịt khúc quẹo bề ngang lớn chỉ một mét, cười chua chát: “Ngày trước mình cũng đi biển, thích lắm bài hát “thuyền và biển”, giờ hết thích rồi, biển giã chi nữa”. “Nhưng có thể giải tỏa, quy hoạch lại không?”. “Không gì là không thể, chỉ có người ta không chịu làm thôi” - anh Lộc quyết liệt. Một mốc thời gian buồn thiu tôi nắm được từ UBND phường An Hải Bắc: Làng này đến 2030 vẫn chưa có phương án giải tỏa, vì đông người, quỹ đất không có. Vậy thì cứ chịu, ráng chịu thôi. “Tôi nghĩ đơn giản, quy hoạch theo kiểu cuốn chiếu, mỗi nhà một lô, mấy hộ kệ anh, số hộ còn lại, cho nhà xã hội, hoặc bố trí về vùng trên Hòa Xuân, hơi xa, nhưng phải chấp nhận, không thể sống kiểu co gối lên là thúc vô cằm liền thế này…” - anh Lộc nhìn tôi, như muốn treo một câu hỏi trách nhiệm.
3. Mưa. Vẫn mưa. Đã bắt đầu cái mùa ẩm ương và hoang mang gió bão miền Trung. Mưa như táp vào những xám ngắt, buồn xo mặt người. “Thành phố đáng sống”. Đà Nẵng có danh thế. Từ nhiều góc nhìn, có thể thấy cũng đáng gọi vậy, khi chưa kẹt xe dữ dội, ít ô nhiễm, không nặng nề xây dựng, hành chính cải cách… Nhưng cuộc sống có dừng lại đâu và những mảng tối sáng cứ giao nhau chập chờn. Khi có độ lùi thời gian, người ta khi qua cơn lên đồng, hết kêu gào vô thức tập thể nữa, thì chợt nhận ra, những trồi sụt buồn bã có mất đi đâu. Những làng chài, những xóm lao động nghèo khuất sau ánh đèn va đập giao nhau với nhà lầu, cây xanh và những xiển dương quá đáng. Năm ngoái, tôi nhớ trong cuộc họp, người ta định làm bảo tồn những làng chài. Thuyền hết. Lưới nát. Người không có. Xóm nhà chồ cố cựu ở Nại Hiên Đông ngày trước, dùng kính lúp soi cũng không ra, dân làm biển lên sống nhà chung cư hoặc lùi sâu giã biệt vĩnh viễn mép sóng vỗ chân nhà rồi, cát đã nhường cho những công trình ngổn ngang. Như cái làng An Tân của ông Hải, ông Lộc đây, bảo tồn cái gì? Ông Hải cười vỗ vai tôi. Hãy tính chuyện cho dân sống đàng hoàng đi, đừng nói những thứ viển vông, đừng vẽ trong mây trong mưa vô hình vô tướng.
Thoắt nhanh qua tôi câu nói khi Đà Nẵng rầm rộ giải tỏa, rằng rồi đây sẽ là thành phố không ký ức. Chứng nghiệm rõ ràng. Bây giờ muốn tìm lối xưa, ngõ cũ, những vết khắc như bước chân chưa kịp xóa, sẽ chỉ còn cách ngồi bóc vỡ ký ức ở những kẻ đi xa về thăm lại chốn xưa. Những đình làng, làng chài, ngôi nhà cũ, biến sạch sau một đêm, để nhà tầng, đường đi thế chỗ. Hôm trước, sau mấy chục năm, người ta tưng bừng hoan hô thành Điện Hải, nơi Tổng đốc Nguyễn Tri Phương quyết chiến với súng đạn tàu Tây, nay sẽ được khôi phục để thành nơi tham quan, như là nỗi hân hoan trễ tràng sau khi có xếp hạng từ năm kia là ngân sách cho văn hóa, Đà Nẵng xếp gần chót bảng trong cả nước. Một ông, có lẽ trong cơn men say không kìm nỗi hung hăng, nói rằng ở đâu thì kệ, chứ Đà Nẵng không cần hoài niệm, không cần quá khứ, ký ức, hãy xây thật to, thật đẹp! Cách đây mấy ngày, chủ tịch Đà Nẵng là ông Huỳnh Đức Thơ, khi nói chuyện quy hoạch lộn xộn trên núi Sơn Trà, ngậm ngùi rằng cũng do 5 - 10 năm trước Đà Nẵng muốn như Hồng Kông nên đã làm như thế!
Mưa nhiều quá, vẫn ào ạt đổ. Ngó qua màn mưa, làng chài không thấy, chỉ thấy chớp sáng những ánh đèn ban mai chưa kịp tắt. Ướt sũng khi qua cầu. “Mưa, tụi em cực lắm anh ơi”. Lời chị Ly vợ anh Hối vẳng bên tai. Đáng sống là gì? Chất lượng sống, chính là cảm xúc. Có ai từng đo cảm xúc của chính người ở đây chưa, hay là chỉ những lời khen của thập phương bá tánh lên Bà Nà, ra biển, dong xe trên những con phố, trầm trồ với món ngon, là xong…
Bút ký của TRUNG VIỆT