Sau những ngày nghỉ tết, ngư dân vùng bãi ngang xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) hối hả ra biển cào ốc ruốc bán cho thương lái. Năm nay ốc ruốc được mùa, được giá.
Dọc bờ biển Tam Tiến, mỗi ngày có hàng chục ngư dân ngâm mình dưới làn nước lạnh, tỳ người và tay vào chiếc cào, đi thụt lùi để cào ốc ruốc. Họ đi theo hàng ngang, phó mặc cho những cơn sóng vỗ liên hồi để thu hoạch... lộc trời.
Sau một giờ cào ốc cật lực, ông Ngô Văn Lập (thôn Ngọc An, xã Tam Tiến) kéo bao ốc ruốc khoảng 20kg vào bờ. Chân tay ông nhăn nheo, trắng bệch vì ngâm lâu dưới nước.
Đốt vội điếu thuốc, rít một hơi dài để làm ấm cơ thể, ông Lập cho biết, cuối năm ngoái ông cào được khá nhiều ốc ruốc, nhưng lúc đó ốc còn nhỏ nên giá bán ra chỉ 60 nghìn đồng/bao (loại bao 25kg).
Hiện giá bán ốc ruốc tăng lên 300 nghìn đồng/bao, mỗi ngày cào ốc, ông kiếm được khoảng 500 - 700 nghìn đồng. Ốc cào được bao nhiêu ông đưa vào bờ để vợ cho vào bao tời, chờ thương lái đến mua.
“Sở dĩ ốc tăng giá hơn trước tết vì ốc lớn hơn, có thể chế biến món ăn dân dã. Với lại do ảnh hưởng của thời tiết làm biển động, sóng lớn rất nguy hiểm nên ngư dân ít đi cào” – ông Lập giải thích.
Tương tự như ông Lập, ông Nguyễn Trần Thương (thôn Ngọc An) bước vội vào bờ đổ ốc vào bao và quay lại biển để cào mẻ khác. Ông Thương cho biết, nghề cào ốc ruốc diễn ra từ tháng Chạp đến tháng Ba âm lịch. Nghề cào ốc vất vả, phải chịu được cái lạnh của nước biển.
“Muốn cào được nhiều ốc ruốc, ngư dân phải nắm rõ thời tiết, canh con nước lên mới hành nghề. Tôi ra biển cào ốc từ lúc 5 giờ sáng hoặc 9 giờ, tùy theo con nước lên lúc nào cào ốc lúc đó. Tôi oằn mình theo dòng nước, tay phải giữ thật chặt dụng cụ để cào sâu xuống đất cát cho ốc vào vợt” – ông Thương nói.
Theo nhiều ngư dân xã Tam Tiến, tháng Chạp ốc ruốc còn nhỏ nên bán cho thương lái mua về bán lại cho các chủ hồ ở Phú Yên, Nha Trang xay bột, hoặc để nguyên con cho tôm hùm ăn.
Tháng Giêng trở đi, ốc ruốc to hơn, người dân thường mua về dùng. Nghề cào ốc ruốc vất vả, nhưng giúp nhiều ngư dân vùng ven biển xã Tam Tiến có thêm thu nhập, nhất là trong thời điểm trước và sau tết, lúc nhiều tàu cá phải nằm bờ vì biển động.