“Nghỉ tay đã anh Sáu!”. Tám Thân từ đám dưới gọi với lên. Phía đám bờ mương Sáu Vân cũng mồ hôi ướt sũng lưng áo. Buông cuốc Sáu lững thững đi đến. Mấy củ chóc bọc trong ngọn lá chuối bốc khói, hai anh ăn ngon lành. Quệt mồ hôi trán, Tám Thân hồ hởi:
- Chừng ni thôi mà mơ ước đã mấy năm trời.
Sáu Vân cũng hưởng ứng:
- Hồi chiến tranh, đi rừng gặp vài bụi chóc là mừng như gặp kho lẫm. Gạo dân vận dành hết cho bộ đội chính quy, tụi tui du kích chỉ toàn ăn rau củ cải thiện thôi.
Tám Thân cười:
- Vậy là chính quy no, du kích đói?
- Làm chi có. Có khi họ còn đói hơn tụi tui. Kể anh nghe, một hôm tiểu đội du kích tụi tui “cải thiện” được một nồi canh cá lóc với sắn. Cả bọn một mừng, phen này có cái lấp đầy cái bụng lép kẹp cả tháng nay. Mâm bát bày ra dưới gốc cây to. Gặp hai anh chính quy đi ngang, ghé lại nghỉ chân. Mình cũng mời thân thiện. Ai ngờ các ông ấy thiệt tình quá, lật ba lô lấy bát đũa xơi ngay. Mà các ông ăn tợn thật. Loáng cái nồi canh sắn to đùng hết nhẵn mà vẻ còn thèm thuồng. Tụi tui ý tứ mỗi người chỉ hơi hơi lưng bát. Đó, nhìn là biết cánh chính quy cũng đói xanh mặt vàng mắt chớ chẳng chơi. Hèn chi phía bên kia vẽ tranh ba ông lính cộng sản bu cành đu đủ không gãy. Thế bên các anh có đói không?
- Tui nể các anh, đói thế mà cũng đánh đấm được. Tụi tui thì chẳng biết đói là gì. Thịt hộp, thuốc salem, bia con cọp, gạo sấy thơm lừng. Phải nói Mỹ nuôi lính kỹ như con nhà giàu.
- Sao bảo sĩ quan ăn chặn hết, lính cộng hòa đói bỏ hàng ngũ trốn về với vợ cả?
- Hì, làm chi có chuyện đó. Tụi sĩ quan thèm gì mấy miếng ăn của lính. Mà nói thật có thèm cũng không dám. Tụi tui ngang tàng lắm, đời thằng lính sống nay chết mai, ngán đéo thằng nào. Thằng nào mà ăn của lính là “đòm” ngay.
Tém gọn mấy củ chóc, hai anh nông dân cùng nhau vấn điếu thuốc rê, thong thả nhả khói. Như họ đang tận hưởng giấc mơ thanh bình mà cả đời đánh đổi. Tám Thân huơ tay một vòng, chỉ khu vực xung quanh:
- Hồi xưa đại đội 109 tụi tui đóng quân khu vực này.
- Thế anh có đụng trận nào không? Sáu Vân dè dặt hỏi.
- Có chứ, trận thì bách khối. Mà phần lớn là trận giả. Ngày quốc gia đêm cộng sản. Ngày đi lùng sục, mà phải bắn một hồi cho các ông biết tụi tui đông, hỏa lực mạnh, khỏi đụng trận. Tối tụi tui về đồn yên thân. Mạng người là quý. Đụng trận thắng thua gì không biết, chết là cái chắc.
- Thế có nhớ bắn chết ai không?
- Chết thì không biết. Hòn đạn chớ phải mũi dao đâu mà lụi đâu nhớ đó. Song cứu sống thì có.
- Là sao anh Tám?
- À, là thế này. Anh có để ý con đường từ dốc Giáo ngang vực Vạn qua vườn Hương Ba không? Biết là con đường các ông du kích hay đi, tụi tui gài trái. Gài vậy thôi, cũng mong đừng ai đụng làm gì. Ân oán thêm mệt. Hôm đó tụi tui rình phục, thấy ba ông du kích xăm xăm đi lối ấy. Chỉ xuống bờ vực Vạn, Tám nói: Chỗ này. Chết là cái chắc. Không hiểu sao lúc ấy tui giương AR15 lia một loạt chắn đầu. Các ông ấy bị đánh động, lánh vào lối vườn Hai Thảo, lủi mất. Tui mà không bắn chặn, hoặc dồn phía lưng, các ổng thế nào cũng vướng trái. Cũng là lưu cái tình, nhắn nhủ các ổng tụi tui không ác ý, sau đừng có mà rình rình “cắc bụp”.
- A, rứa là tụi anh hả anh Tám? Hú hồn. Bữa nớ là tụi tui đó. Sáu Vân trố mắt nhìn Tám Thân. Sau thấy các anh lò dò gỡ trái tụi tui mới biết mình vừa được cứu sống.
Sáu Vân cầm lấy cánh tay Tám Thân lắc lấy lắc để. Hai người nhìn nhau, như vừa tìm ra điều gì đó thật kỳ bí của chiến tranh. Hồi lâu Tám Thân nói:
- Máu đỏ da vàng mà, tụi tui cũng có ham gì chiến công. Lại quanh đây cũng là chòm xóm cả, cực chẳng đã mà chia thành hai phía. Bắt quân dịch mà, không cầm súng thì trốn nhủi trốn chui. Rồi đói, lương đâu mà nuôi vợ nuôi con.
Sáu Vân như hiểu ra điều gì, anh chậm rãi kể:
- Trận cấm Gò Kia, tụi tui tham gia với bộ đội chính quy. Bao vây cả rồi, bắt loa kêu gọi đầu hàng. Một số ra hàng. Chợt thấy lố nhố cánh lính băng đồi chạy xuống đồng Gò Bớm. Trận địa trống trơn. Mồi ngon. Chợt đại đội trưởng ra lệnh: Họ bỏ súng ống chạy lấy thân thôi. Đừng bắn. Tui nhẹ cả người. Thiệt mình cầm súng bắn kẻ tay không, đâu nỡ. Cũng nghĩ như anh, biết đâu đó lại là chòm xóm của mình.
Hai người lính, hai anh nông dân, bên nhau trầm ngâm. Khói thuốc vẽ những đường ngoằn ngoèo lên không, những cung đường quyện vào nhau mơ hồ. Những vạt đất hoang vừa cháy nham nhở. Phải một mùa mưa nữa đất mới lại xanh.
- Anh Tám nè, bao giờ mới đến mùa cơm mới hè?
- Ôi, cơm rượu hoài, đời lính cứ lương là lậu, ăn chơi cho trác táng, cho tận hưởng, vậy mà vẫn thèm mùa cơm mới đó anh. Hòa bình cứ phảng phất trong giấc mơ những thằng lính trận.
- Nồi cơm trắng thơm lừng, hai quả trứng gà luộc dầm trong chén nước mắm vàng sánh. Mấy quả cà nướng cũng dầm nước mắm với tiêu. Tụi tui những lúc đói vàng mắt chỉ mơ có chừng đó.
Như đã tháo gỡ nỗi niềm gì, Tám Thân tâm sự:
- Anh Sáu à, quả trứng gà dầm, trái cà nướng, canh sắn nhưn cá đồng, mùi cơm nếp… đã níu chân tui đó anh. Thất trận tháng Ba, cánh lính tụi tui như rắn không đầu, cứ trôi dạt theo đám người chạy loạn dần vô nam. Rồi Cam Ranh thua trận. Rồi cửa Xuân Lộc vỡ. Cánh lính bán sống bán chết bám víu tàu bè cố trôi dạt ra khơi may ra còn Hạm đội 7 vớt. Tui cứ nhìn những cánh phao nổi nênh, rùng mình. Chín phần chết chỉ một phần sống. Về chỉ e bị dồn từng đống ăn đạn ngã rạp còn đau hơn chiến trận. Rồi nghĩ đằng nào cũng chết, thôi cố lết về cố hương. Đi bộ cả tháng trời từ Sài Gòn về Quảng mình. Đói khát thì lết vô xóm xin cơm. Mà phải cố sức lết cho xa, cách đường nhựa hàng cây số, khu vực gần đường bọn đi trước vét sạch cả rồi. Bữa no đầu là về quán mỳ bà Cưu ngay ngã tư Hà Lam. Tui vừa lết vô bả đã la hoảng: Ôi thằng Tám Thân, mi chưa chết hả? Tui lảm nhảm: Chết sống chưa biết, có chi ăn cho con ăn miếng, đói quá rồi. Bả làm cho tô mỳ, vừa bưng lên tui nuốt gọn. Bả la hoảng: mi coi chừng chết nghẹn bi chừ. Nằm ngủ một giấc dài cả ngày, tỉnh dậy ăn bát nữa, rồi đủ sức lết về đến chợ Việt An. Nghe tin, vợ tui tong tả chạy xuống dìu tui về. Vậy là sống.
Sáu Vân an ủi:
- Gian truân thật. Mà qua cái chết rồi, bọn mình chờ thêm vài tháng nữa là đến mùa cơm mới.
Vụ tháng Tám đã vô bồ. Màu hạnh phúc long lanh. Các nhà đều vững bụng. Trong căn nhà Sáu Vân rộn rã tiếng nói cười. Sáu đã chuẩn bị sẵn canh hai lít rượu mía, phải đi bộ cả mươi cây số xuống tận Quế An mới mua được chừng ấy dành cho bữa cơm đầu mùa. Anh du kích xưa đã thôi quân ngũ, đã là nông dân, mấy bài chính trị, mấy bài quân sự quên rồi, mà kỷ niệm chiến tranh thì làm sao quên được. Mời mọi người vào mâm đông đủ, Sáu Vân trịnh trọng rót đầy những chiếc ly con:
- Tôi mời bà con nâng ly mừng bữa cơm đầu mùa. Bữa ni đãi mọi người cùng no lăn lóc cho bõ ngày đói khát.
Những ly rượu nhất loạt cạn. Sáu lại trịnh trọng rót đầy hai ly rượu. Nâng một ly chuyển qua Tám Thân:
- Ly ni tui mời anh Tám. Anh đã cứu sống tui. Ơn này kể như mình là anh em ruột thịt.
Bữa cơm đầu mùa năm ấy bà con được dịp nghe lại chuyện người lính cộng hòa đã ngăn chặn không cho mấy anh du kích phía bên kia rơi vào tử địa, còn bên giải phóng thì không bắn cánh lính tay không.
Thoát khỏi chiến cuộc rồi, bọn mình được trả về ruộng đồng, mong mãi mãi là người của ruộng đồng anh Sáu hỉ. Tiếng ai đó, không phải là Tám Thân. Tám đang mải nghĩ xa xôi. Có lẽ cũng lại một anh lính nào đã vứt súng ống chạy tháo thân ở trận cấm Gò Kia độ nào.