À… ơ… Con tằm Đại Lộc xe tơ/ Bãi dâu Đai Lộc lờ mờ bên sông… Ông Ba vừa đẩy nôi hát ru cháu vừa lẩm nhẩm một mình: “À, mới đó mà đã tới mùa dâu”. Rồi tự nhiên ông ngồi thừ người, đưa mắt nhìn xa xăm về một cõi mông lung nào đó, nơi có nương dâu xanh ngắt cả vùng trời, nơi những bãi bồi bên sông được trải thảm bởi màu xanh của cây dâu.
Gió từ cửa sông hắt lên làm đung đưa ngọn cây vú sữa, từng giọt nắng rơi thưa nhặt xuống góc sân. Gió làm mấy dây dưa khô xơ xác trong ruộng mới thu hoạch gần mé sông không chịu nằm yên, như cuốn chạy theo từng đợt gió thổi. Từng đụn cát cũng cuộn bay theo gió, mù mịt cả một khúc sông.
Ông nhớ về cuộc đời ông, về tuổi thơ, về bãi dâu nơi ông sinh ra. Cái mùa dâu gắn liền với nỗi nhọc nhằn đời ông. Hồi nhỏ, ông được mẹ dẫn ra bãi hái dâu, trái dâu chín ngọt lịm đầu lưỡi. Mùa dâu của đêm trăng sáng tự tình, nơi ông đợi bà ở bến sông. Ngày ông cưới bà, con đò chở bà sang sông cũng mang theo màu xanh nương dâu đang vào mùa. Ngày bà sinh đứa con đầu lòng, ông chạy ra nương dâu, chặt một cành thật dài để viền quanh vành nôi cho con ngon giấc. Ôi mùa dâu, mùa đã đi suốt cuộc đời ông. Mùa dâu nuôi các con ông lớn khôn, giúp gia đình ông vượt qua thời đói khổ. Những đứa con của ông bây giờ đã lớn, không biết chúng còn nhớ đến mùa dâu như ông? Bởi khi chúng lớn khôn thì những bãi dâu bị lấn dần, nhường chỗ cho bãi trồng thuốc lá, bông vải, ớt…
Bữa nay nắng tốt, ông lại xách mấy cái nong tre ra phơi, cạp lại cái vành cho mùa tằm mới. Cây dâu ít dần, người ta cũng đâu còn làm nong, không mấy người như ông muốn lưu lại chút gì đó quê hương nên mới giữ lại chúng? Hay ông cũng còn nặng tình với con tằm xe tơ mà không nỡ lòng vứt chiếc nong cũ đi?
Các con ông giờ đây đã trưởng thành, có công ăn việc làm nơi xứ người. Chúng cũng chẳng mặn mà gì với công việc nhà nông nữa, nói gì đến việc “nuôi tằm ăn cơm đứng” vất vả một thời như ông. Lần lượt tiễn các con đi làm ăn xa, lòng ông quặn thắt lại. Biết bao giờ chúng nó mới về, biết bao giờ bãi dâu lên xanh trở lại? Chỉ có đứa con trai đầu chịu bám quê, nhưng cũng theo nghề khác, gửi con cho ông trông. Nhìn đứa cháu nằm trong nôi, ông nhủ thầm: Lớn nhanh đi cháu, lớn nhanh để còn được ăn mùa dâu cuối. Chắc sang năm ông cũng chuyển đổi mấy thước đất trồng dâu ấy để trồng cây công nghiệp chi đó cùng với mọi người. Rồi đứa cháu của ông cũng sẽ lớn lên, sẽ lại rời bỏ ông, bỏ cây dâu đi tìm một công việc mới, không quá vất vả như nghề trồng dâu nuôi tằm nữa.
Biết bao giờ đến mùa dâu chín? Câu ca lại được ông cất lên bởi cái giọng khàn đục của người có tuổi. À… ơi… Con tằm Đại Lộc xe tơ...
PHƯƠNG DUNG