Mưa đêm

NGUYỄN THIÊN TRUNG 22/08/2015 07:35

Mưa đêm. Mưa đêm nay. Mưa gợi nhắc câu hỏi không dưng mơ hồ vô cớ: Đã có bao nhiêu lần nghe mưa đêm trong đời?

Những đêm mưa ngày thơ ấu, trên chiếc chõng tre gió lùa ôm hơi áo mẹ. Những đêm mưa của tuổi mới lớn và vô vàn giấc mơ trong sạch. Những đêm mưa của tuổi thanh niên khắc khoải nhiều câu hỏi siêu hình và những băn khoăn thế sự của một thế hệ giằng xé trước mệnh nước nổi trôi. Những đêm mưa dằng dặc tuổi trung niên ngán ngao trước cảnh đời-cảnh người tao tác. Những đêm mưa của tuổi bắt đầu nghiêng về mặt-đất-cuộc-đời của sự đến và đi trong khoảng nhân sinh vô thường… Những đêm mưa. Nghe như có tiếng khóc trong thơ Thi quỷ Lý Hạ hơn ngàn năm trước: Ngao ngao quỷ mẫu thu giao khốc (Ngao ngao nức nở, quỷ mẹ ngoài thành khóc thảm thiết giữa mùa thu) trở về hợp thanh với biết bao nhiêu hồn oan trong tiết mưa thu của Nguyễn Du: Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh buốt xương khô (Văn tế thập loại chúng sinh)…

Mưa. Trong mịt mùng đêm tối của lịch sử con người, đã thấy nước của Trời rơi  vào những nghi lễ cầu mưa. Chớ nên nông cạn cho rằng đó là biểu hiện “kém văn minh” của nhân loại trong thuở sơ khai! Nhìn xa hơn vào nguyên ủy của đời sống loài người, đó chính là những di sản thần thoại mà nếu không có nó, con người đã đánh rơi từ lâu cái phần tinh túy quý giá nhất của chính mình.

Mưa. Mưa là bản nguyên của Trời, từ quẻ Càn trong kinh Dịch. Từ vời vợi cao xanh, nước rơi xuống. Để “hành Thủy” hòa tan vào đất, làm nên sự sống lại của muôn loài.

Mưa. Mưa là hiện tượng của thời tiết nên mưa đến-rồi-đi, giống như bản chất của tất cả mọi hiện tượng của vạn pháp: tất cả đều thay đổi. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ấy là một trong ba sự thật: vô thường. Vô thường là câu trả lời bình đẳng đối với vạn hữu: Xử thế nhược đại mộng / Hồ vi lao kỳ sinh (Tản Đà dịch thơ: Ở đời như giấc chiêm bao / Cái thân còn đó, lao đao làm gì?).

Mùa mưa trên quê ta bắt đầu từ hè, kéo qua thu. Để cho Huy Cận, trong “đêm mưa làm nhớ không gian”, có thể mượn tiếng mưa rơi rơi dìu dịu rơi rơi mà tỏ bày nỗi sầu vô cớ muôn đời của thi sĩ. Để cho lòng nhớ thương tự dưng bay ra câu hỏi: Gió từ sông lại, mưa từ biển / Không biết người yêu nay ở đâu? (Đinh Hùng). Tình yêu của các thi sĩ Việt luôn chân thành sâu xa, gắn bó với cõi nhân gian khổ đau và tươi đẹp này. Tình yêu ấy không huyễn hoặc thần bí như giấc mộng của Sở Tương Vương bên Tàu đến chơi đầm Vân Mộng, mệt mà ngủ thiếp đi giữa ban ngày, mơ thấy người con gái đẹp tự xưng là thần núi Vu Sơn đến và cùng “mây mưa”. Để cho người bình dân Việt bày tỏ tấm lòng thủy chung: Mưa nguồn chớp bể xa xa / Ấy ai là bạn của ta, ta chờ…

Và sau khi lang thang qua biết bao nhiêu trạng thái tâm thức, mưa luôn quay về với thực tiễn đời sống của người nông dân Việt Nam, trong cái nhìn Trời - Người là một: Hạt mưa vẫn ở trên trời / Mưa xuống hạ giới cho người làm ăn…

Nhưng mọi cuộc “trở về”, đáo cùng, cũng kêu gọi sự ra đi, vào xa hơn bên trong cái vỏ bên ngoài của sự vật. Để làm gì, nếu không là để nhận ra sự thật đúng như bản chất của nó. Đến khi ấy, mưa biến thành hình ảnh ẩn dụ cho sự khái quát lớn về ý nghĩa cuộc nhân sinh: Khi căn nhà mục nát / Là mưa dột thấm vào… (kinh Pháp cú - phẩm Song yếu). Như thế, sống để làm gì, nếu không là sự nỗ lực thường xuyên để chống… gió mưa là bệnh… thấm vào? Bệnh của “thế giới tân tiến hiện thời đang sụp đổ dưới sự ảnh hưởng của tội lỗi xấu xa về mặt đạo đức”, như nhận định của Sarvapalli Radhakrishnan, giáo sư bộ môn Tôn giáo và Đạo đức học Đông phương thuộc trường đại học Oxford (Anh Quốc).

Mưa ơi…

NGUYỄN THIÊN TRUNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mưa đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO