Sáng nay trên đường đi làm, ngang chợ “chồm hổm” lại nghe bản tin cũ đâu đó từ radio. Là quy mô nền kinh tế 9 tháng năm 2022: Quảng Nam xếp vị thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước; thứ 2/5 tỉnh khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung.
Tại Quảng Nam, con số về tổng thu ngân sách nhà nước đang được ước tăng lên nhiều, bởi đến cuối tháng 9/2022, nguồn thu đã đạt đến 93% dự toán.
Không có thói quen tin hoàn toàn vào con số thống kê, nhưng tôi cũng quan tâm đến ba con số khác. Đó là từ đầu năm đến nay, Quảng Nam có gần 1.000 doanh nghiệp giải thể và đăng ký tạm ngừng hoạt động. Chỉ số sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm sâu (giảm đến 45%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước.
Một con số khác, theo các chuyên gia thời tiết, do ảnh hưởng của LANINA, mùa đông năm nay ở nước ta không quá lạnh. Nhiệt độ trung bình có thể cao hơn 0,5-10 C so với trung bình nhiều năm trước.
Nên từ đầu tháng 10 đến nay, nắng tràn tràn, chưa thấy cơn lạnh nào. Dự báo đến giữa tháng 12 cũng có nắng như mùa hè. Nên cũng chẳng đợi đến hăm ba tháng Mười, nhìn lau trổ trắng trời, nhà nông ở nhiều vùng bãi bồi đã tất bật cho rau vụ đông. Ven bãi biền Vu Gia, rau các loại đã bời bời lên xanh.
“Tiết trời này, tới tết rau đậu rẻ như bèo cho coi”. “Bữa nay bó cải còn 10 ngàn, lạng xà lách còn 5.000, ký đậu được 40 ngàn chớ vài hôm nữa sẽ chẳng mấy đồng”. “Nhiều quá chẳng bán được, có khi phải bỏ ngoài đồng, nhưng không làm không được”. Đó là những tiếng thở dài của nông dân bên ruộng.
Xin kể một trường hợp cụ thể. Bà B. (Đại Nghĩa, Đại Lộc) nói nghe thời sự, thấy bảo cả ngàn người mất việc làm. Rồi bà lọ mọ lục thông tin ở tỉnh Bình Dương. Những chỗ khác bà không quan tâm lắm, nhưng Bình Dương có vợ chồng đứa con bà ở đó. Tôi nói, báo đưa từ đầu năm đến nay, Bình Dương có có 28 nghìn lao động bị nghỉ việc không lương, 240 nghìn lao động bị giảm giờ làm.
Trong câu chuyện kể của bà, con trai bà gửi đứa lớn 5 tuổi về Quảng Nam cho nội, gửi đứa nhỏ 2 tuổi về Sóc Trăng cho ngoại, hai vợ chồng đi làm công nhân ở Bình Dương. Hôm rồi nó gọi điện về nói bà tìm cách gửi cho nó 4 triệu đồng để lo trả nợ tiền nhà trọ. Vì bị sốt xuất huyết nghỉ làm mất nửa tháng nên không đủ chi tiêu. Bà tin vậy.
Rồi đột nhiên lo lắng hơn, có khi nó không sốt xuất huyết mà nằm trong mấy chục ngàn công nhân mất việc. Con bé ở với bà, mấy ngày nay cũng sốt không chịu ăn uống, nhưng vợ chồng bà chần chừ chưa chở đi xét nghiệm, vì “ở dưới viện sốt xuất huyết họ nằm tràn ra hành lang rồi, xuống đó cực quá, mà bỏ vườn bỏ ruộng không ai lo” - bà nói vậy.
Với dự báo thời tiết được nghe bữa rày, bà B. đang tính toán lại vụ rau cận tết, nhẩm đếm ngày tuốt lá cho mấy cây mai. Phải trông hết vô đấy để có tiền nuôi cháu ăn học, để vợ chồng gần 70 tuổi gói ghém nuôi nhau, rồi có khi tết cũng phải gửi tiền vô nam. Vườn, ruộng 7 sào mênh mông không người làm. Mà con bà thì không chịu về quê.
Vậy nên mới nói, tôi quan tâm đến những con số khác, để hình dung chất lượng cuộc sống trong cơn biến động giá ầm ào tăng từng ngày.
“Ngân hàng Nhà nước “bơm” ra thị trường gần 60 nghìn tỷ đồng” - cái tin trên tivi trôi tuột qua tai. Những nông dân như vợ chồng bà B., con số ấy chẳng có ý nghĩa gì. Nó quá lớn, nó nằm ngoài mọi trù liệu tính toán cho từng bữa cơm. Nó chưa bao giờ có trong ý nghĩ. Và có khi bà chẳng biết nó là bao nhiêu nữa.
Mùa đông không lạnh do những cơn trở gió đầu mùa, nhưng lạnh đến từ gáy người lo sợ cái khốn khó cho những ngày chạy chợ cuối năm, cho cái tết rồi sẽ khó mà đủ đầy. Co kiểu gì cũng khó vừa chăn hẹp.