Liên tiếp các vụ phá rừng, tập kết gỗ lậu quy mô lớn vừa được lực lượng chức năng phát hiện. Dù có nhiều cơ quan bảo vệ, quản lý nhưng tình trạng khai thác, tập kết gỗ lậu ở khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh vẫn phức tạp.
Một bãi tập kết gỗ lậu trái phép nằm gần Trạm quản lý bảo vệ rừng thôn 2 xã Trà Bui (Bắc Trà My). |
Dự lường được “điểm nóng” phá rừng tái diễn ở các lòng hồ thủy điện vào mùa mưa, ngành kiểm lâm mở chiến dịch truy quét trên phạm vi rộng. Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 9, lần theo dấu vết của lâm tặc, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện bãi tập kết gỗ đã cưa thành phách với hơn 26m3. Bất thường hơn, một trong số các điểm tập kết gỗ được phát hiện nằm không xa Trạm quản lý bảo vệ rừng (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh). Theo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), những ngày đầu tháng 9, sau khi bí mật theo dõi, kiểm lâm phát hiện một ô tô tải chạy từ hướng Trà Bui ra thôn 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) vận chuyển gỗ lậu. Khi bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng đổ gỗ xuống đường rồi tẩu thoát. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 10m3 gỗ các loại. Mở rộng điều tra, đơn vị còn phát hiện 2 điểm tập kết gỗ với quy mô hàng chục mét khối nằm gần đường liên xã Trà Bui - Trà Đốc; trong đó có một điểm nằm gần Trạm quản lý, bảo vệ rừng (thôn 2, xã Trà Bui). Qua thống kê, có đến 124 phách gỗ giổi, chò, xoan đào với khối lượng hơn 26m3. Ở một mũi tuần tra khác, kiểm lâm còn tịch thu 40 phách gỗ nằm rải rác khu vực giáp ranh giữa xã Trà Bui và Phước Hiệp (Phước Sơn). Theo điều tra ban đầu, nguồn gốc gỗ bị đốn hạ tại rừng phòng hộ Sông Tranh đoạn qua xã Trà Bui và một phần rừng ở xã Phước Hiệp.
Một số vụ tập kết gỗ lậu “khủng” gần đây: Tháng 9.2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát hiện 26m3 gỗ tập kết gần với Trạm quản lý bảo vệ rừng (thôn 2, xã Trà Bui, Bắc Trà My). Ngày 30.7, Công an tỉnh và kiểm lâm địa phương tổ chức trục vớt gần 10m3 gỗ tập kết dưới sông Tranh thuộc bến Én (xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức). Tháng 9.2014, kiểm lâm huyện Nông Sơn phát hiện 257 phách gỗ lớn tập kết ở các khe suối ở thượng nguồn sông Thu Bồn (địa phận xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn). Số gỗ này được xác định khu rừng giáp ranh giữa huyện Phước Sơn và Nông Sơn. |
Chiều ngày 25.9, ông Trần Văn Thu – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện cán bộ kiểm lâm vẫn còn ở trong rừng thực thi nhiệm vụ. Sau khi đo đếm, lập biên bản vụ việc, đơn vị thuê xe tải vận chuyển số gỗ ra khỏi rừng. Ông Đoàn Tất Chẩn - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cho rằng, thời gian qua các ngành chức năng đã liên tục tuần tra, đẩy đuổi nhưng lâm tặc rất manh động. Ngoài 26m3 gỗ mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh phát hiện, từ đầu năm đến nay, chủ rừng cũng đã phát hiện, thu giữ 96m3 gỗ các loại. Nguồn tin từ người dân cho biết, muốn tuồn gỗ từ xã Trà Bui về xuôi chỉ qua con đường liên xã Trà Bui - Trà Đốc. Ngạc nhiên ở chỗ trên con đường này có nhiều trạm gác bảo vệ rừng, nhưng gỗ lậu vẫn qua lọt. Sự thật là bãi tập kết gỗ trái phép nằm trong lâm phận quản lý của nhiều đơn vị như Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh và Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My.
Theo ông Trần Văn Thu, cơ quan sẽ báo cáo chính thức bằng văn bản về vụ phá rừng này. Lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường cán bộ kiểm lâm truy quét ở các điểm nóng, nhất là khu vực các lòng hồ thủy điện, đầu nguồn sông. Đây là những nơi tái diễn nạn phá rừng vào mùa mưa. Còn nhớ cuối tháng 7.2015, kiểm lâm đã phát hiện và trục vớt gần 10m3 gỗ lậu tập kết dưới sông Tranh, đoạn qua xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức). Ngành kiểm lâm nhận định, tình trạng vận chuyển gỗ lậu bằng đường thủy có chiều hướng phức tạp trong thời gian qua, đặc biệt khi các nhà máy thủy điện đưa vào hoạt động. Đầu mùa mưa, kiểm lâm đã mở chiến dịch truy quét cao điểm nhằm ngăn chặn lâm tặc lợi dụng mưa lũ tuồn gỗ lậu về xuôi. Cũng như mọi năm, mùa mưa năm nay sẽ truy quét tại các vùng trọng điểm phá rừng như Phước Sơn, Nam Giang, các tụ điểm tập kết gỗ đầu nguồn. Kiểm tra tình hình vận chuyển gỗ trên các tuyến đường bộ, đường sông, bến bãi, cơ sở chế biến, cưa xẻ gỗ dọc sông Vu Gia, Thu Bồn…
TRẦN HỮU