Cứ vào tháng 9 tháng 10 dương lịch, mùa hái mật ong rừng lại về trên những cánh rừng bạt ngàn, mây phủ trắng. Những ngày này, người Cơ Tu ở các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang tất bật với nghề săn mật ong rừng - một nghề truyền thống đã có từ lâu đời.
Giữa ngày thu nắng ráo, những người thợ hái mật ong rừng ở Tây Giang lại háo hức mang salec (gùi của đàn ông) gói cơm vào rừng vừa kiểm tra bảo vệ rừng, vừa tìm tổ ong để lấy mật. Họ đi từng nhóm 3 - 10 người và có khi ở cả tuần giữa rừng để tìm mật ong. Anh Abiing Lập ở thôn Pơr’ning, xã Lăng cho biết, theo kinh nghiệm của người đi săn mật ong rừng, năm nào cây rừng cho hoa trái nhiều, ít mưa, thì mùa đó rừng sẽ có nhiều tổ ong, và nước mật ong cho ra rất nhiều, rất ngon. Khi đi kiếm tổ ong, người Cơ Tu có quy định riêng, đó là những tổ ong đã được ai đi trước tìm thấy và đánh dấu vào cây bằng ký hiệu thì người đến khi thấy kí hiệu ấy biết là tổ ong đã có chủ, và họ không bao giờ lấy. Dù vậy, việc vào rừng kiếm tổ ong không phải dễ dàng, có lúc đi cả tuần trong rừng nhưng lại về tay không.
Già làng Cơlâu Nhất - một thợ săn dày dặn kinh nghiệm chia sẻ, ngoài nghề làm nương rẫy, săn bắt, hái lượm mà mỗi tộc người nào cũng trải qua trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử, thì nghề săn mật ong rừng cũng là một nghề như là bản năng sinh tồn của đồng bào Cơ Tu nơi đây. Ở rừng Tây Giang có nhiều loại ong rừng, nhưng có hai loại cho mật rất ngon và có thể làm dược liệu chữa bệnh. Đó là ong déo (ghi dớ) thường làm tổ trên cành cây cao cách mặt đất từ 30m để tránh gấu và thú dữ phá tổ, và ong đất (ki roát) thường làm tổ ở dưới hốc cây to có đường kính từ 60cm đến 1m, hốc cây có thể có sẵn trong tự nhiên hoặc do con người khoét để nhử ong về làm tổ cách mặt đất tầm ngang ngực. Để hái tổ ong déo, đòi hỏi người thợ săn phải có kinh nghiệm, leo cây giỏi. Bởi có những tổ ong mật nằm trên cây cao hàng chục mét, dây leo quấn thân cây chằng chịt, ở dưới là vực sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đó là chưa nói khi hái mật ong rừng, hầu hết người thợ không được trang bị những dụng cụ an toàn cần thiết. Khi hái tổ mật, người thợ luôn để lại một phần tổ để bầy ong có chỗ cư ngụ và tiếp tục làm mật cho mùa sau.