“Cơn mưa rào” mà tập truyện ngắn này mang đến cho độc giả tuổi hoa niên là nguồn cảm xúc mát lành, tươi tắn về thời học sinh đầy mơ mộng, đẹp đẽ. Những cảm xúc thanh lành mà giữa cuộc sống xô bồ này, bất chợt gặp lại khiến ai nấy đều bồi hồi, thương nhớ và thêm trân quý khoảng đời học sinh đã qua.
Trần Tùng Chinh là nhà văn đất An Giang. Tác phẩm của anh đã quen thuộc trên văn đàn trong nhiều năm qua. Văn của anh mượt mà, dung dị nhưng đầy nghĩa tình.
Là một cây bút “mát tay” với dòng văn học dành riêng cho lứa tuổi mới lớn, anh ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm được độc giả nhớ đến: “Trại mùa xuân” (NXB Kim Đồng, 2017), “Ba kể con nghe” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2018), “Anh em… hô biến” (NXB Kim Đồng, 2019)… Và mới đây nhất là tập truyện ngắn rất dễ thương dành riêng cho lứa tuổi học trò: “Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào” (NXB Kim Đồng, 2023).
“Thanh xuân là những năm tháng đẹp nhất đời người. Ở đó, chúng ta có khoảng thời gian bên nhau, học tập và vui chơi, tiếp thu kiến thức và các hoạt động. Và năm tháng đó cũng ban tặng chúng ta những người bạn tuyệt vời” (Nào mình cùng nhảy).
Để lưu giữ khoảng thời gian thanh xuân đẹp đẽ ấy của học trò, Trần Tùng Chinh đã chọn cách đưa vào những truyện ngắn với văn phong trong sáng, hồn nhiên như chính tâm hồn các em.
Là thầy giáo dạy văn, lại là người đang dìu dắt, nâng đỡ một bút nhóm học trò yêu thích sáng tác - bút nhóm “Đồng Xanh” (Trường Đại học An Giang), anh có lợi thế là được gần gũi và nắm bắt tốt tâm lý lứa tuổi học trò.
Một lứa tuổi nhiều mơ mộng, mong manh dễ vỡ nhưng cũng đầy hoài bão, khát khao, dám nghĩ, dám làm. Tuổi này, tình yêu đã nảy mầm trong trái tim vẫn còn hồn nhiên. Một kiểu tình yêu trong sáng, có khi chỉ là một khối tình đơn phương nhưng lại là động lực lớn lao để kích thích việc học tập tốt hơn.
Những câu chuyện tình học trò vừa mơ mộng vừa “bi kịch”, qua câu chữ dí dỏm, hóm hỉnh, duyên dáng của người kể chuyện, cũng là một “quân sư tình yêu” khiến người đọc tìm được tiếng cười trong trẻo, thư giãn.
Thế mạnh của Trần Tùng Chinh có lẽ là ở chính cái cách đẩy đưa câu chuyện tưởng rất đơn giản, kể mà như không, chuyện mà “không có chuyện” nhưng đọc xong, được cười thả giàn cùng những trò tinh quái của học trò. Đặc biệt, truyện ngắn “Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào”, anh còn “cua” gắt ở đoạn kết khiến người đọc chỉ biết bật ngửa, há hốc mồm cười sảng kiểu “đồ quỷ hà!”.
Bên cạnh đó, anh cũng rất tinh tế trong việc chuyển tải những cảm xúc tình yêu của lứa tuổi này. Cho dù bạn có là ai, bạn yêu ai, thì những cảm xúc lúc mới chớm yêu đó vẫn thật quý giá. Nó đặt nền móng cho sự biến thiên của những trường đoạn cảm xúc ở quãng đời sau này, khiến cuộc sống thăng hoa hơn.
“Mình đã nhớ Nguyễn thật da diết ngay khi tựa sát sau lưng cậu trên chiếc xe máy, để Nguyễn đưa mình ra bến xe. Mình đã nhớ thổn thức khi vờ nép đầu trốn cái lạnh cuối năm khi ngọn gió bấc tàn mùa thổi tới, nhưng thật ra là để được gần cậu thêm chút nữa… Mình cố giữ thật tròn đầy những gì thuộc về Nguyễn, muốn cảm nhận thật rõ mùi hương mái tóc dài lãng tử lòa xòa dìu dịu cọ vào mũi mình ngây ngây”(Cả một trời Xuân nhớ).
Bận rộn với công việc giảng dạy của một giảng viên đại học, Trần Tùng Chinh không ra sách dày đặc như nhiều bạn văn khác. Tập truyện ngắn lần này đánh dấu sự trở lại với 10 truyện ngắn trong trẻo như những hạt mưa rào tưới tắm tâm hồn tuổi trẻ.
Cuốn sách ra đời khi dòng văn học dành cho lứa tuổi học trò đang thiếu vắng những tác phẩm hay, âu cũng là một món quà quý giá cho các em khi hè về. Buông hết mọi bộn bề, mọi lo âu bài vở, cầm cuốn sách này lên, chìm đắm trong không khí mát lành xứ An Giang, nghe giọng những bạn nữ sinh mềm như lụa Tân Châu, để tâm hồn mình được tắm gội trong những cơn mưa rào bất chợt thoáng qua, thấy yêu hơn quãng đời học trò nhiều kỷ niệm mà các em đang có được đặc ân vùng vẫy trong đó...