Mùa hè, mùa phượng nở và tiếng ve râm ran đã đi vào ký ức bao thế hệ học trò và thơ văn học đường. “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...”, nhạc lòng hòa với giàn đồng ca của ve sầu làm thổn thức những trái tim non. Vậy mà giờ đây, những “ca sĩ” ve sầu đã đi đâu bặt tích?
Thật lạ, ở đâu không rõ, nhưng với Tam Kỳ tôi đã trú ngụ 20 năm chưa bao giờ thấy vắng tiếng ve như mùa hè năm ngoái đến năm nay. Tiếng ve vắng trên nhiều ngả đường trong khi bằng lăng giăng tím sau mùa sưa vàng và điệp vàng. Mật độ cây xanh đường phố ngày càng nhiều hơn mà sao ve đi đâu? Có người nói nhộng ve ăn rất ngon nên không sống sót nổi với những kẻ săn lùng. Tuy vậy, cả triệu triệu con ve chẳng lẽ bị bắt hết cả?
Vắng tiếng ve, những tiết học cuối cùng không phải nôn nao, thiếu âm thanh thúc giục. Rồi nay mai bế giảng, lục tục kéo nhau về trong thinh lặng, mùa chia tay của bọn học trò cuối cấp như thiếu một bản nhạc cổ điển.
Dễ suy đoán nguyên do là thời tiết bất thường, nắng nóng dữ dội kéo dài suốt mấy tháng, cũng ít thấy sương mù, ve chắc không sống nổi. Thời tiết, khí hậu và môi trường sống biến đổi không chỉ khiến ve sầu mà còn nhiều giống loài khác nữa dần vắng bóng.
Như trong mùa gặt vừa xong, đồng quê có thú vui tát đìa bắt cá, vậy mà cá rô, cá thia rất hiếm. Xưa, có loại cá rô chỉ lớn hơn đầu ngón tay gọi là rô hạt bí, kho với lá nghệ, béo bùi chết cơm. Lại có loại rô to, đen trùi trũi chúi sát đáy bùn, gọi là rô biết nói, nướng lửa rơm và dằm nước mắm thơm điếc mũi. Giờ thì các loại cá rô ấy thi thoảng mới bắt gặp, còn phần lớn là rô phi sổng ra ruộng, đìa.
Một thứ ngon nữa của đồng ruộng cũng có cơ tuyệt tích là ốc rạ và ốc bươu đen. Tôi còn nhớ hai mươi năm trước ở giữa đồng quê mùa nào cũng có thể tìm bắt được các loại ốc ấy. Chúng bò theo con nước mương, miệng nước ruộng. Chúng bu trên những lá sen. Chúng có mặt hầu khắp đầm hồ. Có con rêu còn bám trên lưng. Vì ốc nhiều nên chỉ một chiều rảo qua mấy cái bàu đầm, ao hồ là có thể bắt được bao cát, hay giỏ đầy nặng. Loại ốc rạ về ngâm chừng một buổi, lại đổ nước vo gạo vào ngâm thêm vài tiếng, sau đó chà sạch và um sả thành món khỏi chê. Còn ốc bươu đen cũng chế biến như vậy, hoặc biến tấu một chút ra thêm ít món nữa, như luộc xong lấy ruột rồi xào lăn hay làm chả ốc ăn với bún; hoặc có thể nướng lửa than, xong đập vỏ lấy ruột chấm nước gừng. Ốc bươu đen, mình mẩy đen nhánh, ăn ngon và bổ mát không kém gì hột vịt lộn, lợi cho những vị nào đầu gối thiếu chất nhờn. Bẵng đi một thời gian, giờ tìm được ốc bươu đen còn khó hơn mò kim dưới sông. Không biết người nào đã tha về loại ốc bươu vàng để nuôi rồi đổ tràn ra ruộng. Một con ốc bươu vàng trong mấy tháng đã đẻ ra cả ổ, ăn cỏ rồi cắn phá hết lúa non. Thứ này ăn nhớt nhợt. Hại hơn, ốc bươu vàng ra bu lưng ốc bươu đen, phối ra cái giống nửa vàng nửa đen, qua hai đời thì con lai vàng hết cả, giữ cái đặc tính làm hại đồng ruộng của nhà nông.
Từ con ve đến con rô, con ốc... những giống loài gắn với thiên nhiên, hương đồng cỏ nội, mỗi ngày mỗi vắng, để lại cả khoảng trống trong câu chuyện vô thường.
ĐĂNG QUANG