Mùa hè xuyên Á - Kỳ 2: Từ Seno đến Vientiane

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 10/05/2016 08:09

Hành trình từ Seno đến Vientiane chúng tôi luôn chạy dọc dòng Mê Kông hùng vĩ, luôn gặp những bà con người Việt thân thiện. Có người là con cháu bốn, năm đời sinh ra ở đây, nói tiếng Việt không trau chuốt bằng tiếng Lào, nhưng luôn luôn ân cần nếu gặp đồng hương từ bên nhà sang, sẵn sàng dừng lại chỉ đường khi biết chúng tôi đi tìm một chỗ nghỉ, một tiệm ăn hay hỏi thuê xe đi thăm một địa danh nào đó…

  • Mùa hè xuyên Á - Kỳ 1: Đêm giữa rừng Sê Pôn

Thông thương

Cây cầu Xà Ớt nằm giữa hai quốc môn Lao Bảo của Việt Nam và Densavan của nước Lào chỉ dài hơn 30 mét. Ngày nay chiếc cầu đã xây dựng lại bề thế và vững chãi theo tiêu chuẩn quốc tế của đường Liên Á. Từ đây đi về phía tây, đến thủ phủ Savanakhet của miền Trung nước Lào phải mất 250km. Cách thành phố tỉnh lỵ Savan 30km về phía đông là địa danh Seno, nơi gặp gỡ của hai con đường: đường 9 theo hướng đông - tây và quốc lộ 13 chạy dọc theo chiều nam bắc.

Từ ngã tư Seno đi về phía bắc hơn 500km là thủ đô Vientaine và về phương Nam là cao nguyên Boloven và các tỉnh Saravan, Sê Kông, Champasak, Attapeu thuộc Nam Lào. Hướng tây, qua khỏi thành phố Savan là sông Mê Kông, ranh giới với Thái Lan mà từ tháng 11.2006 chiếc cầu mang tên Hữu nghị số 2 đã nối liền giao thông của đất nước Lào với tỉnh Mukdahan thuộc vùng đông bắc Thái Lan. Ngày nay, nơi đây trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng, thu hút nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, Thái Lan ở miền Trung Lào…

Điểm bán thốt nốt ở ngã tư Seno. Ảnh: T.Đ.T
Điểm bán thốt nốt ở ngã tư Seno. Ảnh: T.Đ.T

Chúng tôi đi từ Seno đến Vientiane đúng vào ngày đầu tiên của lễ hội hội té nước Bunpimay vào những ngày đầu năm mới của các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Bunpimay hay còn gọi là Songkran. Đây là một tập quán văn hóa lâu đời mà ở đó người dân té nước vào nhau để cầu may, bình yên cho cả năm vì họ cho rằng nó mang đến sự mát mẻ, phồn vinh và làm thanh khiết cuộc sống. Từ Savanakhet đến Vientiane ngày nay, có khoảng hơn 50 ngàn người Việt gồm nhiều thế hệ đến sinh sống và bạn sẽ dễ dàng được họ hướng dẫn thăm thú nhiều nơi, kể cả được họ mời về nhà khá nhiệt tình. Nhiều bà con làm nghề kinh doanh, dịch vụ ở quy mô vừa và nhỏ. Ở một số địa phương có đông người Việt, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của họ rất phát đạt. Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố có vai trò trong kinh tế - xã hội địa phương và nhiều hoạt động xã hội được các cấp chính quyền tin cậy và hoan nghênh.

Di cư tìm cơ hội

Nhìn qua dòng Mê Kông tươi đẹp này, một người bạn gốc Việt ở Thakhet kể với tôi, trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1946, nhiều nhà hoạt động Việt Minh đã vượt sông qua Thái Lan để bảo toàn lực lượng, khi nghe tin quân đội Pháp sẽ “làm cỏ” các thị xã ven sông. Nhiều người trong số họ đã nằm lại dưới dòng sông. Từ khi hòa bình lập lại ở Đông Dương, rồi đến Hiệp định Mê Kông 1995 và nhất là Tuyên bố chung Hua Hin 2010 của chính phủ 4 nước trong tiểu vùng Mê Kông đã xác định: “Chính phủ các nước thành viên cần thiết tối ưu hóa việc sử dụng đa mục tiêu tài nguyên nước và vì lợi ích chung của tất cả các nước ven sông, để tránh bất kỳ tác động bất lợi nào do các hiện tượng tự nhiên và con người gây ra, và bảo vệ giá trị lớn lao của các hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái”. Ý tưởng xây dựng một Hành lang kinh tế Đông Tây từ tháng 10.1998 cho đến nay, cũng đồng thời tạo ra điều kiện giao lưu văn hóa và phát triển trong vùng. Nhờ vậy, những chuyến đi xuyên Á ngày càng dễ dàng, giúp ta có dịp ngồi bên bờ sông này hoặc đi qua chiếc cầu Hữu nghị số 2 ở Savan, cầu số 1 ở Vientiane và nhìn ngắm dòng Mê Kông vừa trầm hùng, vừa thơ mộng.

Nếu vào mười năm trước ở Seno chỉ có tiệm phở khô của bà Lò Thị Sửu, người gốc Hà Giang theo chồng đi lính Pháp định cư ở đây từ trước năm 1945, thì ngày nay, có thêm nhiều tiệm ăn lớn của người Việt ở dọc đường 13. Khi đến Vientaine, chúng tôi đã vào những tiệm phở lớn hơn như Phở Đức Tùng từ Hà Nội sang kinh doanh luôn đông nghẹt khách, kể cả ngồi nhâm nhi cà phê và chơi bi-da trong phòng máy lạnh gần cơ quan thương vụ của đại sứ Việt Nam. Đối diện đó là một siêu thị Vong Deuane, có tên Việt là Yến Hải chuyên bán hàng sỉ từ Thái Lan về, kiêm cả đổi ngoại tệ. Cách đó không xa là những hộ buôn bán quần áo người Quảng Nam, Đà Nẵng… Nhưng đó chỉ là những hộ kinh doanh trên phố. Khi tôi đi chợ Sáng, mới thấy sự năng động của bà con Việt kiều tại đây, họ là chủ những hiệu kim hoàn, hàng điện tử, hàng vải lớn trong khu chợ này. Ở Vientiane, chúng tôi còn quen biết một doanh nhân gốc Quảng, anh N.B.Đ, hiện là một nhà đầu tư trồng và chế biến cao su lớn xếp vào hàng top tại Lào.

Thế nhưng ở chợ Sáng cũng có nhiều người Việt nghèo bán hàng rong, công nhân các công trường xây dựng chỉ làm đủ ăn. Một người trong số đó khi nói chuyện với tôi đã đùa bằng… thơ: “Chiều đi chợ Sáng, sáng đi chợ Chiều/ Tiền thì chẳng có bao nhiêu/ Cầm lên bỏ xuống, hỏi nhiều hơn mua…”. Hoặc như một bạn trẻ từ Quảng Trị đến tận thị trấn Pakadin gần thủy điện Nậm Ngừm để mở tiệm sửa và rửa xe máy hơn mười năm nay, nhưng chưa dám lấy vợ, vì sợ không tiền nuôi con…

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa hè xuyên Á - Kỳ 2: Từ Seno đến Vientiane
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO