Mùa hè xuyên Á - Kỳ 3: Dấu ấn Việt tại Udon Thani

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 11/05/2016 08:27

Ngoài yếu tố là thành phố có đông Việt Kiều nhất Thái Lan, Udon Thani rất sạch sẽ, ngăn nắp kể cả ở chợ, trên những con đường về nông thôn và nơi công cộng, để lại trong tôi nhiều dấu ấn trên hành trình xuyên Á.

  • Mùa hè xuyên Á - Kỳ 2: Từ Seno đến Vientiane
  • Mùa hè xuyên Á - Kỳ 1: Đêm giữa rừng Sê Pôn

Udon Thani là một thành phố ở vùng Đông Bắc Thái Lan sát với Nong Khai, là thủ phủ của tỉnh Udon Thani. Dân số gần 500 nghìn người trong tổng số 1,5 triệu dân toàn tỉnh và cách thủ đô Bangkok khoảng 560km, nhưng là một trung tâm thương mại lớn của vùng Isan phát triển từ sau thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là nơi có cơ sở tiếp âm của đài VOA và là một trung tâm bận rộn của căn cứ không quân Mỹ với các quán bar, hiệu cà phê và các khách sạn phục vụ cho quân đội Mỹ trước đây. Bộ phim Air American nổi tiếng của Hollywood do Gibson đóng đã được quay tại sân bay và thành phố này. Tôi đi bộ vào buổi sáng sớm và gặp nhiều người dân Thái lớn tuổi nói rành rọt tiếng Anh, vì từng làm việc cho các căn cứ Mỹ. Udon Thani còn là một di chỉ văn minh thời kỳ đồ Đồng cách đây 5.000 năm với khu vực khai quật và bảo tàng nổi tiếng thế giới ở làng Ban Chiang, thuộc quận Nong Han cách thành phố gần 50km ở phía đông đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Cổng chùa Khánh An (Udon).Ảnh:T.Đ.T
Cổng chùa Khánh An (Udon).Ảnh:T.Đ.T

Chúng tôi nghỉ lại Udon Thani còn bởi đây là tỉnh có đông Việt kiều nhất ở Thái Lan với hơn 40 nghìn người, có những ngôi làng Việt như Nổng Ôn, thuộc xã Xieng Phin ở ngoại ô Udon với di tích Hồ Chí Minh và một ngôi chùa cổ 200 năm là chùa Khánh An (Wat Sunthonpradid) do Hội người Việt tại đây quản lý. Đúng vào dịp kỷ niệm 28 năm ngày diễn ra trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, Việt Nam (14.3.1988 - 14.3.2016), chùa Khánh An, tỉnh Udon Thani, Thái Lan phối hợp với Chi hội Việt kiều tại Udon Thani tổ chức Đại lễ cầu siêu - Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng bào tử nạn. Ông Lương Xuân Hòa - Phó Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở Thái Lan và là thành viên Ban trị sự chùa kể với tôi: “Mở đầu buổi lễ là phút mặc niệm tưởng nhớ sự hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, các anh qua đây sớm thì hay biết mấy!”. Đại lễ cầu siêu diễn ra trong không khí xúc động, trang nghiêm, gửi đi thông điệp vì chính nghĩa và lẽ phải để góp sức vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Khánh An là ngôi chùa xây dựng từ năm 1964 và được nhà vua Thái Lan ban sắc phong, cùng với hàng chục ngôi chùa khác, có những ngôi chùa cổ xây dựng từ thời nhà Nguyễn, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và thực hiện tinh thần tương thân tương ái của đạo hữu Phật giáo người Việt trên khắp nước Thái.

Chúng tôi nghỉ lại Udon Thani còn bởi đây là tỉnh có đông Việt kiều nhất ở Thái Lan với hơn 40 nghìn người, có những ngôi làng Việt như Nổng Ôn, thuộc xã Xieng Phin ở ngoại ô Udon với di tích Hồ Chí Minh và một ngôi chùa cổ 200 năm là chùa Khánh An (Wat Sunthonpradid) do Hội người Việt tại đây quản lý. Đúng vào dịp kỷ niệm 28 năm ngày diễn ra trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, Việt Nam (14.3.1988 - 14.3.2016), chùa Khánh An, tỉnh Udon Thani, Thái Lan phối hợp với Chi hội Việt kiều tại Udon Thani tổ chức Đại lễ cầu siêu - Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc và đồng bào tử nạn.

Ở Udon Thani ngay trong những ngày nhộn nhịp ở lễ hội Songkran đầu năm, cứ đi ra đường là bị “ăn nước” của các bạn trẻ, nhưng ấn tượng của chúng tôi vẫn là sự nhộn nhịp của một thành phố địa đầu EWEC ở phía đông bắc, có thể là sầm uất hơn nhiều lần so với Mukdahan ở phía giáp giới với Savanakhet. Các siêu thị, trung tâm văn hóa, các chợ đầu mối nông sản luôn tấp nập xe hơi ra vào của người mua sắm và du khách. Udon cũng là nơi mà người dân thức dậy rất sớm, họ không chỉ là công nhân vệ sinh, người đi tập thể dục buổi sáng mà là những người buôn bán nhỏ như các quán cà phê, điểm tâm dọc các con phố, gần nhà ga, bến xe chẳng khác gì Đà Nẵng. Một anh bảo vệ lớn tuổi ở siêu thị Central Plaza ở Udon nói với tôi: “Udon giàu lên sau chiến tranh Việt Nam, giờ thì nhờ hành lang kinh tế Đông - Tây phát triển, nhưng người dân luôn nhớ mình là một tỉnh nghèo nên luôn luôn biết tằn tiện”.

Thức khuya dậy sớm là vậy, nhưng người dân Udon Thani vẫn luôn tươi cười và nhã nhặn với khách. Tôi hỏi đường, một hai người dân cùng dừng lại chỉ vẻ rất tận tình, dù họ đang đi đường. Hôm rời Udon lên xe lửa, nhà ga biết đoàn khách Việt Nam nên đã bố trí vào phòng đợi có máy lạnh. Lên tàu, nhân viên trên tàu cũng rất lịch sự, trả lời các câu hỏi của khách bằng tiếng Anh rõ ràng. Nhưng các nhân viên an ninh Udon lại cũng rất cương quyết mời một ông khách Tây vừa say rượu vừa không có vé xuống tàu ngay lập tức.

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa hè xuyên Á - Kỳ 3: Dấu ấn Việt tại Udon Thani
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO