Tôi quen Xuyến Chi là do tình cờ. Hôm đó là một buổi chiều cuối thu. Trên đường từ công sở trở về nhà, khi ngang qua vườn hoa thành phố một đoạn, tôi bắt gặp cô gái khá trẻ đang loay hoay với chiếc Wave Alpha màu tím Huế bị chết máy. Chiều Đà Lạt se lạnh nhưng gương mặt cô gái lại lấm tấm mồ hôi. Tôi quành xe lại. Cô gái mừng rỡ nói: “Chú ơi! Không hiểu sao chiếc xe máy của cháu bỗng dưng trở chứng, đề không nổ, đạp cần khởi động đến rạc cẳng chân vẫn cứ bẹt bẹt hoài? Chú làm ơn giúp cháu với!”. Tôi gạt chân chống dựng chiếc xe máy của mình rồi kiểm tra chiếc Wave Alpha màu tím Huế của cô gái. “Chắc tại cái bugi ám khói bụi không bắt lửa được”. Nghĩ thế, tôi mở cốp xe lấy đồ nghề tháo bugi ra lau chùi sạch sẽ rồi ráp lại. Tôi khởi động cần đạp. Tiếng máy nổ giòn tan vang lên. “Xong rồi đó, cô bé!”. “Ôi, cám ơn chú! Á… à… cám ơn anh!”. “Không có gì!”. Tôi cười.
Giúp người ta ba chuyện vặt vãnh lúc đi đường, tôi đâu có nhớ làm chi! Một hôm, trên đường từ công sở trở về nhà, tôi lại bắt gặp cô gái với chiếc Wave Alpha màu tím Huế bên vệ đường, cạnh vườn hoa thành phố. Nhận ra cô gái hôm nọ, tôi cười hỏi: “Xe lại bị chết máy nữa à, cô bé?”. Cô gái cũng cười bẽn lẽn: “Dạ không! Bữa đó, nhờ có anh sửa giùm chiếc xe, em mừng quá hóa đoảng, quên không hỏi tên…”. Đứng trò chuyện với nhau bên đường thật bất tiện, tôi chủ động mời cô gái ghé vào một quán cà phê gần đấy, vừa nhâm nhi thức uống ưa thích, vừa ngắm nhìn sương mù Đà Lạt bảng lảng khắp nơi vào lúc ngày tàn. Xuyến Chi - tên cô gái, cười bảo với tôi: “Bữa đó, em gọi anh bằng chú, sau mới ấp a ấp úng chuyển sang gọi bằng… anh! Là vì…”. “Là vì… sao?”. Tôi cười hỏi. “Anh thử đoán xem?”. “Chịu, botay.com thôi!”. “Bởi thoạt nhìn bộ râu quai nón trên khuôn mặt anh, em cứ ngỡ… nhưng rồi ngó kỹ khi anh sửa xe giúp, em mới biết mình nhầm!”. “Ngắm trộm người khác để phán đoán tuổi tác, tội nặng lắm đấy! Chiếu theo điều khoản của Bộ luật dân sự, bị hại có quyền khiếu nại bắt bồi thường hao mòn dung nhan…”. Tôi cười. “Biết thế, em mới đứng đợi gặp anh để thỏa thuận đền bù thiệt hại. Lôi cả hai ra tòa chỉ tổ rách việc!”. Xuyến Chi cũng cười.
Tôi quen Xuyến Chi y hệt cảnh huống trong tiểu thuyết diễm tình. Rồi yêu nhau, em cho hay, khi nhìn thấy bộ râu quai nón đầy nam tính trên khuôn mặt chữ điền của tôi, trái tim em loạn nhịp đập liên hồi. Quyết chiếm hữu tôi, em không ngại ngần đón đường gặp gỡ. Thành phố ngàn hoa vẫn còn xa lạ đối với em. Nhất là vùng ngoại ô. Bởi em mới đến xứ sở mù sương làm cô sinh viên Văn khoa Trường Đại học Đà Lạt năm đầu tiên. “Nghe giọng nói, biết ngay cô bé là dân miền Trung. Cụ thể là tỉnh nào?”. Tôi hỏi. Xuyến Chi kể: “Em sinh ra và lớn lên ở vùng quê nắng lửa mưa dầm, dù rằng nơi ấy nắng không ưa, mưa không chịu…”. “Cụ thể là ở đâu?”. “Anh thử đoán xem?”. “Botay.com”. Xuyến Chi gí ngón tay búp măng vào trán tôi: “Tại sao trên đời này lại có người lười suy nghĩ đến vậy?”. Tôi cũng bẹo má em chống chế: “Miền Trung dài dặc như chiếc đòn gánh với cả mớ tỉnh thành, đoán sai để bị phạt à? Chả dại!”. “Anh quả là người vụng chèo khéo chống! Mà này, nào có ai đề ra quy định phạt? Và phạt bằng hình thức gì?”. “Thì anh tự đề ra. Và phạt bằng hình thức như thế này này…”. Tôi vòng tay ôm eo Xuyến Chi và đặt lên môi em nụ hôn nồng nàn say đắm.
Những năm tháng mặc áo sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt, lớp tôi cũng có mấy đứa bạn nói giọng giống y chang Xuyến Chi. Vì thế, tôi biết chắc em là người Quảng Nam nhưng không rõ huyện nào? “Nếu anh chịu phạt, em sẽ bật mí. Đồng ý thì hãy nhắm mắt lại…”. Tất nhiên, tôi nhất trí cả hai tay. Chờ mãi vẫn không thấy bị phạt, tôi mở mắt ra. Và Xuyến Chi biến mất. Tôi lật đật đứng dậy tìm quanh. Em nấp sau lùm cây mimoza gần đấy nhìn tôi cười. “Chơi gian như vậy, ai chơi!”. Tôi làm mặt giận. “Ai chơi gian trước để lừa người ta, khóa môi? Thôi, huề!”. Em cười. Tôi cũng cười. Ngồi bên nhau ở bờ hồ Xuân Hương, em kể cho tôi nghe về vùng trung du Tiên Phước quê em. Được thiên nhiên ban tặng bao gò đồi nhấp nhô, bà con nông dân quê em đã cần cù lao động một nắng hai sương để tạo nên bức tranh quê với màu xanh cây lá sum suê, với những nét chấm phá bằng những bờ đá chất giữ cho đất khỏi bị mưa lũ xói trôi, với những ngôi nhà rường cổ kính và ngõ đá rêu phong… “Quê em còn có loại trái cây đặc sản, được vua Gia Long ban tặng tên chữ là nam trân - có nghĩa là trái quý phương nam, còn tên dân dã mà người dân quê em thường gọi là trái lòn bon” - Xuyến Chi khoe. Rồi em cho tôi hay, vùng trung du Tiên Phước cũng là nơi sản sinh ra nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng…
Theo thời gian, tôi nhận ra Xuyến Chi là “nửa kia” đích thực của mình, hay nói một cách khác, em sinh ra là “để dành” cho tôi!
Sự thay đổi khi “có bồ” khiến tôi chững chạc hẳn ra. Lấy làm lạ, mẹ tôi bí mật dò hỏi, biết tôi có bạn gái, người vui lắm. Ra trường, đi làm cũng đã được mấy năm rồi, tôi vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai, sống lơi bơi hoài, mẹ tôi đâm lo. Cũng phải thôi. Ba tôi mất từ lâu, mẹ ở vậy nuôi hai anh em tôi khôn lớn. Em gái tôi đã có chồng. Còn tôi vẫn lông bông, mẹ không lo sao được? Nhiều hôm ngồi ăn cơm, mẹ bảo: “Tao già rồi. Mày liệu mà lấy vợ để tao có cháu ẵm bồng cưng nựng cho vui cửa vui nhà”. Tôi cười: “Dạ, con cũng đang ráo riết truy tìm trên mạng, khổ nỗi vẫn chưa tìm ra đối tượng…”. “Mày kiếm vợ mà làm như công an lùng bắt tội phạm không bằng! Mà trên mạng là nơi nào?”. Tôi chỉ chiếc laptop. Mẹ tôi lắc đầu ngao ngán. Vì thế, khi biết tôi có bạn gái, người cứ thúc giục tôi dẫn về nhà ra mắt… lần hồi mãi rồi không thể khất được nữa, tôi bảo với Xuyến Chi: “Mẹ anh mong được gặp mặt nàng dâu tương lai…”. Em im lặng. Tôi nói thêm: “Mà mẹ anh khó tính lắm, chắc gì!”. Không ngờ Xuyến Chi cười bảo với tôi: “Khó hay không khó là hoàn toàn do nàng dâu ăn ở với mẹ chồng như thế nào? Em tin sau này, khi chúng mình chung sống với nhau, mẹ sẽ thương em hơn anh!”. “Chắc không?”. “Chắc! Lúc đó, anh đừng có ganh tỵ…”.
Cuối tuần. Xuyến Chi không bận học hành, rảnh rỗi. Còn tôi cũng được nghỉ xả hơi. Tôi thường lấy xe máy đèo em đi chơi ở những nơi là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách gần xa. Chợ Đà Lạt. Vườn hoa thành phố. Thiền viện Trúc Lâm. Thác Datanla và thác Pongour… Có lần tôi dẫn Xuyến Chi đến Thung lũng Tình yêu. Dưới tán rừng thông mát rượi, hai đứa nằm trên đồi cỏ ngắm nhìn hai ngọn Lang Biang trông giống cặp nhũ hoa của cô gái khỏa thân nằm tắm nắng và trò chuyện với nhau. “Ở đây chơi chán, anh sẽ đưa em về nhà ăn cơm tối với gia đình. Mẹ nhắc em đó!”. Tôi nói. “Vậy, chúng mình về sớm để em còn phụ giúp mẹ làm cơm”. Em bảo. “Tay nghề nấu nướng của em quá xoàng, chẳng làm được món gì ngon!”. “Ai bảo thế?”. “Mẹ bảo”. “Đừng có xạo nghe chưa! Hôm trước, em làm món cá rô ron nướng lửa than hoa dầm nước mắm gừng, mẹ tấm tắc khen hoài”. Thấy tôi im lặng em bồi thêm: “Mẹ chê, thế thì chiều nay em không về nhà cùng anh. Em ngại…”. Tôi xoay người lại ôm em vào lòng, cười nói: “Đùa đấy! Tự ái hả?”. Em bật cười: “Ngốc ạ! Sao anh lại nhẹ dạ cả tin đến vậy?”.
Đà Lạt đầy hoa. Và xứ sở sương mù có một loài hoa trải sắc vàng khắp nơi khiến người dân sở tại cũng phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp rực rỡ của nó. Đó là hoa dã quỳ. Cứ đến hẹn lại lên, vào hạ tuần tháng 11 dương lịch hằng năm, hoa dã quỳ nở rộ. Ở Đà Lạt, đâu đâu cũng có loài hoa dại ấy hiện hữu nhưng chỉ có một nơi sắc vàng mênh mang tràn đầy sức sống phô bày vẻ đẹp trong sương bồng bềnh, đó là dọc đường từ thành phố lên cao nguyên Lang Biang. Cuối tuần. Tôi đưa Xuyến Chi tới đấy ngắm hoa dã quỳ. Lần đầu tiên trong đời được quan chiêm cả một rừng hoa trải vàng các thung lũng, Xuyến Chi bật thốt thành lời: “Hoa đẹp quá, anh ơi!”. Tôi và em cùng ngồi trên đồi cỏ ngắm hoa. Em đắm đuối nhìn sắc vàng rực rỡ. Tôi nói vu vơ: “Con trai nhiều khi dại thật…”. Em quay lại hỏi: “Anh bảo thế, nghĩa là sao?”. “Nghĩa là… người ta mải ngắm hoa mà bỏ rơi thiên hạ!”. Em cười: “Hoa đẹp quá khiến em quên béng gã phu xe đang ngồi bên cạnh!”. Rồi bất ngờ em tặng tôi một nụ hôn: “Đền bù để chuộc lỗi thờ ơ. Mà đừng có ghen với hoa, xấu lắm…”.
Tôi nằm trên cỏ ngắm bầu trời xanh qua tán lá thông. “Quý bà, quý cô rất thích hoa dã quỳ. Tuy nhiên, chẳng ai mong muốn được tặng loài hoa dại ấy. Đố em biết tại sao?”. Tôi nói. Xuyến Chi suy nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu: “Chịu! Vì sao hả anh?”. “Dân Quảng Nam thứ thiệt mà không biết à?”. Em ngơ ngác. Tôi gợi mở: “Quảng Nam có hai món “đặc sản” nổi tiếng là hay cãi và nói lái…”. “A! Em biết rồi! Dã quỳ là… quỷ già!”. “Anh hái tặng em một đóa dã quỳ nhé?”. Em hứ một tiếng và cắn vào bờ vai tôi đau điếng.
NGUYỄN TAM MỸ