Mùa khai thác yến

ĐỖ HUẤN 13/02/2014 09:33

Ở Cù Lao Chàm có 4 hang chim yến chọn là nơi tụ họp về làm tổ. Đó là hang Khô, hang Tò Vò, hang Tai và hang Cả. Giữa mùa xuân khi chim yến làm tổ xong cũng là lúc bắt đầu vào mùa khai thác tổ yến.
Mùa chim yến sinh sản

Mùa xuân cũng là mùa chim yến sinh sản. Thông thường chim sinh sản mỗi năm một lứa, mỗi lần 2 trứng. Vào giữa xuân, chúng gần như xây xong tổ để chuẩn bị cho lúc khai hoa nở nhụy. Tổ yến được đan từ những sợi nước miếng mà chim tiết ra từ hạch dưới lưỡi. Hiếm có loài vật nào mà đáng thương, đáng quý như chim yến. Chúng rút ruột làm tổ - chiếc nôi ươm mầm cho thế hệ sau. Còn những sợi nước miếng màu trắng hồng được đan xen,  dính vào nhau, khô lại kết thành những tổ yến hình nửa quả cầu, trông tựa vành tai ngoài (nên người ta thường gọi là tai yến).

Những người thợ chuẩn bị vào hang khai thác yến. Ảnh: Đ.H
Những người thợ chuẩn bị vào hang khai thác yến. Ảnh: Đ.H

Yến là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, là loại thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Hàng trăm năm trước, yến sào được coi như một mặt hàng đặc sản của xứ Đàng Trong, là một trong số thứ hàng xuất khẩu chủ yếu từ thương cảng Hội An, được khai thác từ những hòn đảo ven biển Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Song, yến sào Hội An khai thác từ Cù Lao Chàm được đánh giá là quý hơn. Những tai yến xếp chồng lên nhau được cột bằng sợi dây ngô đồng – loài cây đặc biệt riêng có ở đảo này, làm say lòng những lái buôn từ các nước đến giao thương buôn bán… Theo một số bậc lão làng hiểu nghề, cách đây vài trăm năm, 1 tạ yến sào trị giá tương đương hơn 10 tạ hồ tiêu hoặc 1 tấn đường trắng. Ngày nay nhờ những công dụng của yến sào trong ẩm thực và y học nên giá trị của yến càng cao. Mỗi ký yến sào loại tốt giá vài ngàn đô la Mỹ. Chính vì thế mà có người gọi yến sào là vàng trắng.

Ở Cù Lao Chàm có 4 hang chim yến chọn là nơi tụ họp về làm tổ. Đó là hang Khô, hang Tò Vò, hang Tai và hang Cả. Giữa mùa xuân khi chim yến làm tổ xong cũng là lúc bắt đầu vào mùa khai thác tổ yến. Mất tổ, chim yến lại cật lực, cần mẫn làm tổ mới để kịp mùa sinh sản, đẻ trứng. Chim bố, chim mẹ thay nhau ấp trứng, nuôi con. Chỉ hơn một năm sau, chim con đã trưởng thành, có thể làm tổ và lại bắt đầu một chu kỳ phát triển, để đàn chim tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Sản lượng yến sào vì thế cũng nâng dần lên. Những năm qua, chính quyền và người dân Cù Lao Chàm còn tìm tòi, cải tiến các điều kiện sinh tồn của chim, thay đổi cách thức chăm sóc, khai thác để bảo vệ, phát triển đàn yến. Đến nay, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt khoảng vài trăm ký, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.

Khai thác và bảo vệ đàn yến

Nghề khai thác yến ở Cù Lao Chàm – Hội An ra đời từ rất sớm. Đó là một nghề khá nguy hiểm. Đến mùa khai thác (đợt đầu thường từ tháng 3, tháng 4), người đi lấy tổ yến phải trèo lên những vách đá cheo leo, lách mình trong lòng những hang hẹp, chỉ một chút sơ sẩy là nguy hiểm đến tính mạng. Để giúp việc khai thác được dễ dàng, người ta phải dựng những giàn cội bằng tre. Những đoạn tre cứng cáp chống vào 2 vách hang được gọi những cái găng. Một cây tre đực to và dài nhất được chọn làm cội đại – trục xương sống của giàn cội. Một cây tre dài khác gọi là cội trung chắp vào cội đại và những cây găng ngang bằng những sợi mây núi mềm, dẻo, chắc chắn. Những cây tre nhỏ được gác thêm vào vách hang từ trong ra ngoài và buộc vào cột đại, vào găng gọi là những rẻ quạt. Thế là một giàn cội ra đời trông tựa một giàn giáo kỳ lạ trên một địa thế hiểm trở, chênh vênh. Những người khai thác yến leo trên giàn giáo này để gỡ tổ yến bằng tay, hạn chế dùng sào để tránh làm tổ yến bể, giảm phẩm cấp.

Việc thu hoạch tổ yến khoảng 4 - 5 ngày là xong. Chỉ khoảng 40 ngày sau, chim yến lại làm xong tổ lần thứ 2. Cũng có thể khai thác 3 vụ trong năm nhưng để nuôi dưỡng đàn chim, phải chờ đến tháng 7, tháng 8 người khai thác mới bước vào vụ 2, trước khi mùa mưa bão tới. Mùa khai thác yến tuy rất ngắn ngủi nhưng là mùa lao động vất vả, nguy hiểm đối với người thợ. Khi thu hoạch xong, họ trở thành những người bảo vệ, canh giữ hang yến – một công việc gian truân và buồn tẻ. Hằng tháng họ được về đất liền thăm nhà một đôi lần và cũng để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống. Gặp mùa biển động, sóng to gió lớn liên miên là họ bị cô lập, cách biệt hàng tháng trời trên đảo. Sự trống vắng, thiếu thốn đã khó nhưng cái khó lớn nhất là phải biết giữ mình thanh sạch. Họ phải biết chiến thắng chính bản thân trước những cám dỗ của vật chất bởi giá trị của một tai yến không phải nhỏ so với thu nhập cá nhân.

Đã bao lần, tôi vượt sóng gió lặp lại hành trình Hội An – Cửa Đại – Cù Lao Chàm để tìm hiểu về loài chim quý hiếm và nghề khai thác yến nhưng những gì biết được vẫn còn ít ỏi. Duy có điều tôi luôn trân quý, đó là giá trị lao động cần mẫn bao đời của chim yến đã làm nên “kho vàng trắng” cho đời chính từ một phần máu thịt của mình và nhiều thanh niên trai trẻ đã dũng cảm, chấp nhận gian khó, đang từng ngày từng giờ chăm sóc, giữ gìn và khai thác loại tài sản quý giá này để góp sức làm đẹp, giàu cho quê hương.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa khai thác yến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO