Múa lân vào dịp Tết Trung thu là nét đẹp văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần không chỉ với trẻ em mà còn cho cả người lớn. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, múa lân đã ít nhiều bị “biến tướng” nên không còn vẻ đẹp như vốn có. Bên cạnh các đội múa lân biểu diễn đàng hoàng, có kỹ thuật, nghệ thuật, góp phần làm cho Tết Trung thu thêm rộn ràng và có ý nghĩa; vẫn còn có nhiều đội lân múa theo kiểu chụp giựt, bát nháo, không theo trật tự nào. “Đặc điểm chung” là các đội lân này vừa đi vừa “gióng trống mở cờ”, hò hét vang đường, gây cản trở giao thông, tranh giành “đất diễn” khiến xảy ra không ít vụ cãi vả, xô xát lẫn nhau.
Các đội lân dạng này cũng thường không đợi được chủ nhà mời mà hễ thấy nhà nào mở cửa là ồ ạt xông vào. Thấy vậy, đội lân khác cũng làm thế. Có nhà phải bất đắc dĩ tiếp vài ba đội lân trong một buổi tối. Điều đáng nói nữa là, nếu chủ nhà không để ý, một số vật dụng trong nhà sẽ bị “khán giả” đi theo cuỗm mất. Tết Trung thu năm ngoái, người viết bài này đã rơi vào trường hợp như vậy. Mục đích chính của những nhóm này là chỉ múa vì tiền, không chú ý đến nghệ thuật biểu diễn, chỉ múa qua loa lấy lệ, chờ nhận xong tiền từ chủ nhà là đi ngay. Vì thế, không ít gia đình sợ và trốn múa lân, đến mùa trung thu là vội cửa đóng, then cài.
Ngược lại, vào dịp trung thu cũng có không ít trẻ em, nhóm học sinh lập đội lân để múa với mục đích “vui là chính” vì đây là ngày tết của các em. Có điều, không rõ có phải vì bị “ám ảnh” bởi một số biểu hiện không tốt trong hoạt động múa lân gần đây hay không mà một số người lớn lại có cách cư xử như... “bố thí”: Hễ thấy đội lân trẻ em vừa đến ngõ nhà mình, vội móc ví cho vài chục nghìn đồng kèm cái khoát tay “đi chỗ khác, không cần múa”. Vì thế, không ít em tỏ vẻ bức xúc và tiu nghỉu, vì các em cần múa để lấy tiền chứ không phải nhận sự bố thí.
Một mùa trung thu nữa sắp về, mong rằng các đội múa lân và cả chủ nhà có những cách hành xử có văn hóa. Cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp nhắc nhở, xử lý, can thiệp kịp thời đối với các trường hợp gây gổ, tranh giành “đất diễn” giữa các đội lân, gây ách tắc giao thông đường phố. Có như vậy mới giữ được hình ảnh đẹp đẽ, trong sáng, hiền hòa như vốn có của Tết Trung thu, để ngày hội trăng rằm đẹp và có ý nghĩa hơn.
THẢO DÂN