Ở Quảng Nam, đặc biệt là Tam Kỳ, cứ đến mùa hè là người ta lại được dịp thưởng thức hai loại hoa đặc trưng của xứ này: hoa sưa và hoa lộc vừng. Một vàng rực, một hồng thắm. Như để điểm tô thêm cho bầu trời trong sáng, xanh ngắt lại ít mây vào mùa hè, trong một vùng không gian mà khói bụi của hoạt động công nghiệp mới chạm phớt qua.
1. Không như hoa sưa đã khắc sâu ký ức người dân Tam Kỳ qua nhiều thế hệ, lộc vừng dường như là người khách phương xa du lãng đến nơi đây, rồi “định cư” luôn do hợp thủy thổ! Đất lành thì không những chỉ để cho chim đậu mà còn để cho cây mọc. “Đến đây thì ở lại đây/ Ở cho bén rễ xanh cây hãy về”.
Cây cối cũng như người, đôi khi có những điều trùng hợp thật ngộ. Trong đời, có người khi phiêu bạt tình cờ đến một nơi nào đó, rồi bén duyên bởi một đôi mắt sau cành lá, hoặc một nụ cười bên hàng giậu, để rồi quyết định ở lại suốt đời. Xem đó là quê hương thứ hai. Rồi quê hương thứ hai sẽ biến thành quê hương thứ nhất. Dường như cây lộc vừng đã bén rễ ở vùng đất Tam Kỳ để nhận nơi đây làm quê hương thứ nhất. Thử đi quanh thành phố một vòng, ta sẽ thấy lộc vừng được trồng khắp nơi, trên các đường phố cũng như ở vùng ven. Có người nói rằng người dân thích trồng cây này vì trong tên cây có chữ “lộc.” Con người ai mà chẳng muốn cầu tài cầu lộc. Nhất là “lộc” đó lại “phát” ngay ở trong nhà. Đó cũng là một cách lý giải thú vị của dân gian.
Nhưng để thưởng lãm hoa lộc vừng thì cả vấn đề phiền toái. Nhiều người ở tỉnh thành khác, khi xem trên báo thấy những đường phố Tam Kỳ vào mùa sưa nở rộ, đều xuýt xoa muốn được ghé thăm để quan chiêm loài hoa vàng đặc trưng này của xứ Quảng Nam. Nhưng có lẽ họ sẽ thất vọng, vì có khi mua được vé tàu, xe ra đến nơi thì có thể hoa sưa đã tàn mất rồi. Hoa sưa luôn gây thất vọng cho người thưởng ngoạn, vì sau khi nở rộ thì nó lại tàn quá nhanh. Ngay cả người dân địa phương, nếu không lưu ý, có khi cũng không kịp để thưởng ngoạn hoa sưa. Nhưng nếu ta thấy thất vọng với hoa sưa, thì với hoa lộc vừng ta lại càng thêm tiếc nuối. Loài hoa này chỉ nở về đêm. Rất âm thầm. Và rụng ngay khi trời sáng. Thường thường, đến sáng ra, khi thấy trên sân vườn, trên đường phố rải một lớp thảm đỏ thì ta mới biết đêm qua hoa đã nở. Hoa lộc vừng bình dị, nhưng lại như một cô gái kiêu kỳ, chỉ xuất hiện một thoáng chốc cho người đời chiêm ngưỡng rồi biến mất, chỉ để lại dư hương và tàn hoa rực rỡ. Ai muốn thưởng thức dung nhan và mùi hương của “người đẹp” thì hãy chịu khó thức trọn một đêm dài.
2. Tôi đôi lần được nhìn thấy hoa gạo nở. Và rụng. Hoa gạo đẹp nhưng đỏ thắm quá, rực rỡ quá, không như màu hồng thắm dịu dàng của hoa lộc vừng. Màu hoa lộc vừng gợi ta nhớ tới màu hoa đào. Nhà thơ Lý Hạ đời Đường có câu thơ tả cảnh hoa đào rơi tuyệt đẹp: “Huống thị thanh xuân nhật tương mộ. Đào hoa loạn phi như hồng vũ” (Huống gì trời sắp hoàng hôn. Hoa đào lả tả trận hồng mưa rơi).
Lời thơ cũng đẹp như cảnh tượng trong thơ. Hoa bay nhuộm đỏ cả ánh nắng chiều hôm quả là một hình ảnh thơ mộng tuyệt vời. Cho nên Lý Hạ viết được câu thơ xuất thần đó cũng không phải là điều khó hiểu. Có điều để nhìn thấy được cảnh tượng hoa đào bay như một cơn mưa màu đỏ vào lúc chiều tà hẳn là một điều quá khó, thậm chí là không tưởng, đối với hầu hết chúng ta. Nhưng vào buổi sáng sớm, nhìn hoa lộc vừng nở đỏ rực, rồi rụng lả tả theo cơn gió sớm, tôi chợt nhớ đến câu thơ đó của Lý Hạ. Đâu phải cần đến hoa đào quý phái, mà hoa lộc vừng bình dị cũng có thể giúp ta cảm nhận được cái đẹp của thi ca.
Hóa công dùng đại lực lượng, đại ý chí để sáng tạo nên những cảnh tượng hùng vĩ, nào thác đổ non cao, nào hang sâu kỳ bí, nào rừng rậm thâm u, nào thảo nguyên bát ngát... Những cái đó đẹp đã đành, nhưng ngay trong những tạo vật bình dị đôi khi cũng ẩn chứa rất nhiều cái đẹp. Nếu sống trong đời mà ta không biết thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng thì hẳn ta đã phụ tấm lòng hóa công. Hoa lộc vừng thuộc loại tạo vật bình dị đó. Trồng cây lộc vừng trong nhà đúng là có “lộc”, không phải là cái lộc vật chất, mà là cái “lộc” lớn lao về tinh thần, khi nó giúp ta hiểu rằng: quanh ta vẫn còn rất nhiều cái đẹp.