* Bắc Trà My, 1 người chết
* 4.000 hộ dân vùng cao Phước Sơn bị cô lập do lũ
* Đại Lộc: dự báo đêm nay nước lũ đạt mức báo động 2, 3
Theo thông tin của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Nam, tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 1.10 đến 13 giờ ngày 2.10 phổ biến từ 50 - 100mm, một số nơi mưa to như Khâm Đức 247mm, Trà My 332mm. Hiện nay, mực nước trên các sông Quảng Nam đang lên nhanh, hồi 14 giờ chiều ngày 2.10, mực nước trên các sông như sau: sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 4,4m, dưới báo động I là 2,1m; sông Thu Bồn tại Giao Thuỷ là 2,88m, dưới báo động I là 3,32m; tại Câu Lâu là 0,31m, dưới báo động I là 1,69m; tại Hội An là 0,16m, dưới báo động I là 0,84m. Dự báo chiều tối và đêm nay 2.10, mực nước trên các sông tiếp tục lên như sau: sông Vu Gia tại Ái Nghĩa mực nước trên báo động III; sông Thu Bồn ở mức trên báo động II. Về tình hình xả lũ của các hồ thuỷ điện ở thương nguồn: hồ chứa A Vương dự kiến 16 giờ ngày 2.10 sẽ xả tràn với lưu lượng xả từ 50 - 150m3/s; hồ thuỷ điện Đắc Mi 4 lúc 9 giờ ngày 02.10 đã xả tràn 1.800m3/s, 12 giờ ngày 2.10 xả tràn là 2.744m3/s, lúc 14 giờ 30 phút ngày 2.10 xả tràn là 1.043m3/s; hồ chứa thuỷ điện Sông Bung 4A dự kiến xả tràn lúc 17 giờ ngày 2.10 với lưu lượng xả từ 500 - 1.000m3 /s. |
Nước lũ chia cắt tuyến ĐT 611 từ Quế Sơn - Nông Sơn
(QNO) - Chiều tối 2.10, do thủy điện trên thượng nguồn sông Thu Bồn xả lũ, tuyến đường ĐT611, đoạn qua địa phận xã Quế Trung (huyện Nông Sơn bị chia cắt bởi nước lũ, khiến nhiều xe cộ và người dân không lưu thông được.
Nước lũ ngập tuyến ĐT611 chia cắt hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn. Ảnh: TRUNG THÀNH |
Người dân xã Quế Trung cho biết, từ sáng đến 14 giờ 30 chiều 2.10, nơi đây không thấy nước, nhưng đến khoảng 15 giờ - 16 giờ cùng ngày, nước lũ ồ ạt tràn qua các tuyến đường làm ngập hoa màu, ruộng chìm trong biển nước. Nhiều xe máy qua đây đều bị chết máy giữa dòng nước. Nặng nhất là tuyến đường đi vào thôn Trung Nam, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn bị nước lũ ngập hơn nửa mét, xe cộ không vào thôn được, hơn 150 hộ dân bị cô lập. Nhiều thương lái buôn bán hàng cũng “bó tay” khi nước lũ chia cắt tuyến đường ĐT611.
Trên tuyến ĐT611 giữa hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn, trong đêm, người dân vẫn tìm cách vượt qua đoạn ngập. Ảnh: TRUNG THÀNH |
Cũng trong chiều 2.10, ông Phạm Phú Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, một số tuyến đường ở xã Quế Ninh, huyện Nông Sơn bị ngập nước do một số công trình thủy điện ở đầu nguồn sông Thu Bồn xả nước. Mực nước sông Thu Bồn cao hơn mức báo động 1, ngấp nghé mức báo động 2. Để giảm thiệt hại về người, UBND huyện Nông Sơn đã chỉ đạo phòng GD-ĐT huyện cho học sinh ở xã Quế Ninh được nghỉ học để tránh tình trạng bị lũ cuốn trôi.
Đại Lộc: Lũ bắt đầu dâng cao
Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Đại Lộc - ông Phan Đức Tính cho biết, với mực nước hiện tại, tình hình diễn biến thời tiết có mưa ở thượng nguồn cộng thêm lượng nước xả tràn của các thuỷ điện ở thượng nguồn thì theo thông tin của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Nam, sông Vu Gia qua địa bàn Đại Lộc sẽ có mức lũ trên báo động III, sông Thu Bồn có mức lũ trên báo động II.
Người dân Đại Lộc theo dõi tình hình lũ trên cầu Ái Nghĩa. Ảnh: CÔNG TÚ |
Theo ông Phạm Thúy, Phó Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Đại Lộc, Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện đã gửi văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tổ chức theo dõi, thông tin kịp thời diễn biến tình hình mưa lũ đến nhân dân để chủ động phòng tránh; triển khai kịp thời các phương án phòng chống mưa lũ, kiểm tra và có kế hoạch sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lỡ, lũ quét, vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Tổ chức canh gác, không cho người và phương tiện qua lại ở những đoạn đường ngập sâu nhằm đảm bảo tài sản và tính mạng của nhân dân. Huyện cũng đề nghị các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn huyện dừng các cuộc họp, hội nghị để tập trung cho công tác phòng chống mưa lũ. Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, hiệu trưởng các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học đến khi dứt lũ và có kế hoạch dạy bù đảm bảo chương trình. Đồng thời, các chủ công trình các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tổ chức trực ban 24/24 giờ, tăng cường công tác kiểm tra tình hình an toàn tại các công trình hồ chứa để kịp thời phát hiện và xử lý cố xảy ra nếu có, nhất là các hồ đã tích đầy nước.
Nhiều xã vùng cao Phước Sơn bị cô lập
Do mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 1.10, đến sáng nay, trên địa bàn huyện Phước Sơn đã gây ngập cục bộ, cô lập nhiều xã vùng cao. Lượng mưa ước tính khoảng 250ml.
Ông Phạm Thế Quyền, chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, có 5 xã vùng cao bị cô lập bao gồm: Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Công với khoảng 4.000 hộ dân.
Mưa lớn, nước dâng cao khiến nhiều tuyến đường lên vùng cao bị ngập sâu trong nước. Ảnh: N.DƯƠNG |
Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại xã Phước Hiệp, Phước Hòa làm ách tắc giao thông các tuyến đường liên thôn, xã. Trong đó, ngập nặng nhất là thôn 1 và thôn 10 xã Phước Hiệp, nhiều hộ đã bị nước làm ngập nhà cửa.
Được biết, do lượng nước mưa về đập lớn nên thủy điện Đăk Mi 4 đã tiến hành xả lũ ở 5 cửa đập khiến nước dâng cao đột biến. Theo ông Quyền, đây là đợt mưa ngắn nhưng nước lũ lên nhanh bất thường do thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng. Ngay khi phát hiện, UBND huyện đã yêu cầu nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 dừng xả phát điện, thay vào đó là xả qua cửa tràn của đập thủy điện. Được biết, lượng nước đổ vào hồ thủy điện lúc này là khoảng 2300 m3/s, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng 2.000m3/s tránh ngập lụt. UBND huyện cũng đã yêu cầu các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học trong ngày hôm nay.
Thủy điện Đăk Mi 4 bắt đầu xả lũ vào sáng 2/10 với lưu lương 2.000m3/s. Ảnh: N.DƯƠNG |
Hiện tại, huyện Phước Sơn đang huy động các lực lượng khẩn trương ứng cứu người dân các vùng bị cô lập, sơ tán dân ở những vùng trọng điểm có nguy cơ ngập nặng, và sạt lỡ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân.
Bắc Trà My: 1 người chết do lũ
Từ khuya ngày 1.10 đến nay, vùng Trà My đã liên tục có mưa lớn. Lượng mưa bình quân trên 120ml. Mưa lớn đã làm nước lũ dâng lên nhanh, hầu hết các địa phương tại huyện Bắc Trà My đều xảy ngập lụt cục bộ, các cánh đồng đều bị ngập sâu, nhiều diện tích hoa màu chưa kịp thu hoạch đã bị nước lũ nhấn chìm. Các tuyến giao thông nội bộ tại trung tâm huyện và về các xã thị trấn đều bị tê liệt do nước lũ chia cắt.
Nước lũ gây ngập lụt cục bộ và tràn vào nhà dân tại tổ Đàn Bộ thị trấn Trà My. Ảnh: V.BÌNH |
Tại xã Trà Đông đã có một người chết do nước lũ cuốn trôi. Ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông cho biết, nạn nhân bị lũ cuốn là Nguyễn Văn Chính (SN 1992) ngụ tại tổ 1 thôn Định Yên. Vào khoảng 5 giờ sáng nay (2.10), thấy mưa lớn, sợ lũ làm trôi mất trâu nên anh Chính đã băng qua khu vực giao thủy của Sông Trạm để dời trâu đang cột ở khu vực nà ven sông và bị lũ cuốn trôi. Chính quyền xã và thôn đã huy động lực lượng xung kích và hàng trăm người dân địa phương tổ chức tìm kiếm liên tục nhưng do mưa lớn, nước lũ Sông Trạm dâng cao, chảy xiết nên đến trưa nay vẫn chưa tìm được thi thể.
Vào khoảng 18 giờ tối qua ngày 01.10, cô giáo Nguyễn Thị Phi Phụng (sinh năm 1989), quê tại huyện Thăng Bình, dạy tiểu học tại điểm Trường thôn 2b xã Trà Giác trong lúc đi lấy nước uống đã bị rắn độc cắn. Do địa hình núi cao hiểm trở lại bị mưa lũ chia cắt rất nguy hiểm nên suốt đêm hôm qua và sáng nay, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và thanh niên địa phương đã tức tốc cắt rừng khiêng người, dùng dây cột và bè đưa qua sông đưa cô Phi đưa đi cấp cứu. Mãi đến 10 giờ 30 phút giờ trưa nay, các đồng nghiệp công tác ở khu vực Trung tâm huyện mới đón và đưa được cô Phi về Trung tâm y tế huyện để cấp cứu cứu. Theo bác sĩ Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung Tâm y tế huyện Bắc Trà My, do bị dầm mưa kéo dài và độc tố rắn cắn phát tát nên khi tiếp nhận, sức khỏe cô Phi rất yếu, huyết áp tụt và nôn mữa liên tục. Sau khi được cấp cứu, hiện cô Phi đã tạm thời qua khỏi cơn nguy kịch.
Một xe máy múc tại công trường kè suối chợ thị trấn Trà My bị ngập và lũ cuốn trôi. Ảnh: V.BÌNH |
Trong khi đó, tại tổ Đồng Trường 2 và Đồng Bộ thị trấn Trà My có khoảng 20 nhà dân bị nước lũ tràn vào nhà. Trong đó, có hai nhà dân tại tổ Đồng Trường 2 bị ngập sâu, lực lượng xung kích thị trấn Trà My đã tổ chức di dời người và tải sản đến nơi an toàn. Nhiều tuyến đường huyết mạch về các xã Trà Giáp, Trà Ka, đường Tây thị trấn Trà My và ven lòng hồ Sông Tranh 2 cũng đã xảy ra tình trạng sạt lở đất với hàng chục điểm, đất đá tràn ra đường gây ách tắc giao thông và đe dọa đến nhà dân. Chủ quan vì thời gian gần đây vùng Trà My ít mưa nên tại một số công trường đang thi công như khu Kè suối chợ, đầu mố cầu tổ Đồng Trường 2 thị trấn Trà My đã xảy ra tình trạng xe cơ giới và phương tiện thi công bị ngập lụt và cuốn trôi do đơn vị thi công không thu dọn tập kết đến nơi an toàn. Riêng tại Ngầm Sông Trường trên tuyến đường DT616 thuộc địa phận xã Trà Sơn, từ rạng sáng nay nước lũ đã băng qua ngầm, dâng cao gần 2m, toàn bộ vùng thủy điện Sông Tranh 2 và huyện Nam Trà My bị cô lập.
Theo ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh, nước đổ về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tăng đột biến. Trong sáng ngày 01.10, lượng nước về hồ binh quân trên 2.200m3/s. Công ty huy động phát tối đa hai tổ máy nhưng lưu lượng nước thoát qua các tổ máy khoảng 220m3/s nên lượng nước tích hồ chứa đã tăng dần. Đến 10 giờ sáng 01.10, nước tích lòng hồ đã lên trên mực nước chết hơn 4m (mực nước chết cao trình 140m). Công ty đã mở sẵn 6 cửa xả tràn tại đập chính để nước lũ tự băng qua khi vượt đến ngưỡng xả tràn (cao trình 161m), không để tích nước đến đỉnh theo sự chỉ đạo chưa cho phép tích nước của Chính phủ.
Nam Trà My: Di dời khẩn cấp 5 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở
Sáng nay 2.10, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Nam Trà My đã điều lực lượng công an, quân đội huyện cùng dân quân và thanh niên xã Trà Mai đến di dời người và tài sản của 5 hộ dân có nhà cửa bị đất đá sạt lở tại khu vực thôn 2.
Điểm sạt lở tại tuyến đường tây thị trấn Trà My. Ảnh: H.THỌ |
Những ngày qua, trên địa bàn huyện Nam Trà My trời mưa rất lớn, nhất là vào đêm ngày 1 đến sáng ngày 2 trời mưa không ngớt khiến cho đất đá trên tuyến đường Tây Tắc Pỏ đang thi công sạt lở xuống nhà cửa của 5 hộ gia đình gồm Hồ Tấn Sinh, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Văn Chiều, Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Văn Diện.
Trước đó UBND xã Trà Mai đã đến tổ chức di dời nhưng các hộ này không chịu đi và đòi bồi thường. Đến sáng 2.10 do tình trạng sạt lở quá nghiêm trọng nên các hộ mới đồng ý cho di dời. Ông Lê Thanh Hưng – Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban PCLB huyện Nam Trà My cho biết, trước mắt ưu tiên bảo vệ người và tài sản cho 5 hộ dân bằng cách di dời toàn bộ nhà cửa, con người và vật dụng tới nơi an toàn. Huyện cũng đã chỉ đạo lực lượng làm nhà tạm cho các hộ này trú ẩn đồng thời hỗ trợ lương thực để bà con ăn. Hiện tình trạng sạt lở tại khu vực này vẫn tiếp diễn.
TRUNG THÀNH - CÔNG TÚ - NGUYỄN DƯƠNG - VĂN BÌNH - HOÀNG THỌ