|
(BÁO QUẢNG NAM ONLINE TIẾP TỤC CẬP NHẬT)
* Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca thăm các gia đình nạn nhân bị lũ cuốn trôi tại Phú Ninh và Núi Thành
(QNO) - Hôm nay 5.12, mưa lớn xảy ra trên diện rộng cùng với các hồ thủy lợi và thủy điện xả lũ khiến nước sông dâng cao. Báo cáo của các địa phương cho thấy đã có nhiều thiệt hại nặng về người và tài sản. Đến sáng nay, trên toàn tỉnh có ít nhất 3 người chết, 2 nhà sập, 1.164 ngôi nhà bị ngập vì mưa lũ.
Trưa nay 5.12, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Võ Xuân Ca cùng đại diện Uỷ ban MTTQVN các huyện Phú Ninh, Núi Thành đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 3 gia đình có người thân thiệt mạng do mưa lũ đầu tháng 12.
Đó là gia đình anh Nguyễn Hữu Hải, thôn Tây Yên, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh - cha ruột của cháu Nguyễn Huy Hoàng (SN 2013) bị lũ cuốn khi đi qua cầu Tây Yên, xã Tam Đàn vào ngày 2.12. Đồng chí Võ Xuân Ca và đại diện Mặt trận huyện cũng đã đến thăm gia đình anh Lê Văn Ước, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành có cháu Lê Thị Hồng Hạnh (SN 2003, học sinh lớp 8) trên đường đi học về bị nước lũ cuốn trôi chết đuối vào trưa ngày 3.12 và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân bà Phan Thị Hoa (59 tuổi, trú thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) trong lúc vớt rong mơ bị sóng biển cuốn tử vong. Tại gia đình các nạn nhân, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Võ Xuân Ca đã ân cần thăm hỏi, động viên và chia sẻ mất mát cùng với gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng do mưa lũ vừa qua, hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 5 triệu đồng. Dịp này, Ủy ban MTTQVN huyện Phú Ninh và Núi Thành cũng hỗ trợ mỗi gia đình 5 triệu đồng nhằm góp phần chia sẻ nỗi đau do thiên tai lũ lụt. (VIẾT TUYÊN) |
* Theo Chi cục Phòng chống thiên tai Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, mực nước lúc 4 giờ sáng ngày 5.12 trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục xuống.
Tại Quảng Nam, mực nước đo được trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 6,11m, dưới mức báo động 1 là 0,39m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu là 1,09m, dưới mức báo động 1 là 0,92m. Dự báo hôm nay lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục xuống.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng đưa ra cảnh cáo là từ đêm 5.12 đến ngày 9.12 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lũ lớn.
Tình hình diễn biến của thời tiết vẫn đang phức tạp, cần theo dõi để chủ động ứng phó. Ảnh: XUÂN THỌ |
Cũng theo dự báo, hôm nay 5.12, bộ phận không khí lạnh đã báo đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, khoảng đêm 6.12 không khí lạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa nhỏ vài nơi. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định do ảnh hưởng kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 8.12 tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.
Đại Lộc: Lật ghe khi đánh cá, 2 người mất tích Sáng 5,12, ông Nguyễn Nhớ - Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) cho biết, lực lượng chức năng cùng người dân địa phương đang tìm kiếm tung tích 2 người lật ghe khi đi đánh cá. Cụ thể, lúc 16 giờ ngày 4.12, anh Nguyễn Cao Khánh Trường (SN 1985), Lê Công Hậu (SN 1974), Nguyễn Văn Tạo (SN 2004) và Võ Quốc Trọng (SN 2001, ở thôn Đại An, xã Đại Nghĩa) dùng ghe đi đánh cá ở vùng Hố Hầu của địa phương. Ghe bị lật cả 4 người ngụp lặn trong nước lũ, anh Trường và Hậu bơi được vào bờ, còn Tạo và Trọng mất tích. Sau khi xảy ra vụ việc, hơn 100 người đã tham gia tìm kiếm tung tích của 2 nạn nhân trên nhưng vẫn chưa thấy tung tích. |
Gió đông bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Từ đêm nay khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc lại mạnh lên cấp 6-7, giật cấp 8-9. Từ gần sáng ngày mai, ở Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2-4m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5-8 độ vĩ Bắc nên khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác.
Dự báo trong ngày và đêm nay, các vùng biển nói trên tiếp tục có mưa dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1.5-2.5m. Dự báo đêm nay, tỉnh ta sẽ có mưa rải rác ở một số nơi.
Trước tình hình thời tiến diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tiên tai tiếp tục có thông báo đến các tỉnh thành ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định bên cạnh khắc phục hậu quả đợt lũ vừa rồi, cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ về diễn biến phức tạp của thời tiết. (XUÂN THỌ)
* Các hồ chứa, thủy điện vẫn đang xả nước điều tiết
Lúc 15h30 chiều nay (5.12), Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, đến sáng nay 5.12 hồ chứa nước Phú Ninh vẫn cần tích hơn 14,5 triệu m3 nước mới đầy. Tuy nhiên, hồ Phú Ninh vẫn đang tiếp tục xả nước qua tràn số 2 với lưu lượng 285m3/s - theo đúng quy trình vận hành hồ trong mùa mưa bão. Mực nước hồ Phú Ninh vào sáng ngày 5.12 ở cao trình 31,58m, thấp hơn 2cm so với mức tích đầy nước cho phép.
Hiện có hai hồ chứa của Thủy điện Sông Tranh 2 và Đăk Mi 4 đang xả lũ ra hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Đây là hai trong số 6 hồ thủy lợi được chi phối bởi Quy trình 1537 của Thủ tướng Chính phủ về vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Hiện nay, các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 mực nước vẫn còn thấp nên chưa xả lũ.
Mưa lũ làm nhiều tuyến đường, nhất là tuyến đường nông thôn bị ngập, giao thông bị tê liệt. (Ảnh chụp sáng ngày 3.12 tại tuyến đường ĐT 615 đoạn qua thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ). Ảnh: XUÂN THỌ |
* Hội An, Điện Bàn thiệt hại hơn 16 tỷ đồng vì lũ
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến hết ngày 4.12, Quảng Nam có 3 người chết; 2 nhà dân bị sập ở xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh); 1.164 ngôi nhà bị ngập, có nơi ngập sâu tới 1m.
Mưa lũ cũng làm một số tuyến đường liên huyện trên địa bàn huyện Nông Sơn bị chia cắt (cầu Khe Rinh, cầu Khe Phốc, cầu Khe Sé, cầu Nà Manh). Đường ĐT 617 tại Km16 - Km17 (thôn Phú Mỹ, xã Tam Trà, Núi Thành) bị sạt lở ta luy đường, hiện đang khắc phục.
Các huyện bị thiệt hại nặng nhất là Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Tại huyện Đại Lộc, mưa lớn cộng với thủy điện ở thượng nguồn xả lũ khiến hàng trăm hecta hoa màu, lúa vụ đông xuân vừa xuống giống tại các xã ven sông Vu Gia như: Đại An, Đại Cường, Đại Hồng, Đại Nghĩa, Đại Quang, Đại Lãnh, Đại Hưng... bị ngập, úng.
Mưa lũ làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: XUÂN THỌ |
Tại Hội An, theo báo cáo nhanh tình hình thực hiện công tác phòng chống đợt lũ từ ngày 2-4.12 của UBND thành phố Hội An, thiệt hại của địa phương này khoảng 4,5 tỷ đồng, bao gồm khoảng 3 tỷ đồng về nông nghiệp, khoảng 1,5 tỷ đồng về cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, một số khu vực kè mềm bảo vệ bờ biển Cửa Đại bị hư hại, nghiêm trọng nhất là đoạn từ nhà hàng Biển Gọi đến giáp khách sạn Palm Garden bị sạt lở sâu vào khoảng 10m.
Còn tại thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cho biết qua thống kê sơ bộ đến hết ngày 4.12, mưa lũ đã làm hư hại khoảng 780ha hoa màu các loại, cụ thể: 190ha ớt, 110ha đậu cove, 195ha đậu phộng, 87ha ngô lai, 55ha ngô nếp, 143ha các loại rau cải. Tổng thiệt hại khoảng 11,7 tỷ đồng.
Hiện các địa phương này vẫn đang tiếp tục thống kê, cập nhật tình hình thiệt hại.
* Núi Thành còn ngập sâu, Quế Sơn bèo “tấn công” ruộng đồng
Theo thống kê từ sơ bộ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành sáng ngày 5.12 cho biết mưa lớn từ ngày 30.11 đến nay đã gây ngập lụt và thiệt hại nặng trên địa bàn.
Nhiều nơi ở huyện Núi Thành vẫn còn ngập sâu. Ảnh: VĂN PHIN |
Toàn huyện có 3 người bị nước cuốn chết; gần 150 nhà dân trong bị ngập; hơn 25ha lúa gieo và hoa màu, 0,5ha lúa đông xuân sạ sớm bị ngập lụt; trên 62ha mặt nước nuôi tôm cua, cá nước ngọt cũng bị ngập, nhiều lồng nuôi cá bị nước cuốn trôi; hơn 200 con gia cầm bị ảnh hưởng; đường ĐT627, đoạn qua thôn Phú Mỹ (xã Tam Trà) bị sạt lở ta-luy với hơn 150ha đất. Nhiều đường bê tông, giao thông nội đồng, hồ đập bị sạt lở, sụt lún. Tại xã đảo Tam Hải, khu vực Cửa Lở và đê ngăn mặn từ thôn Tân Lập đến Thuận An bị sạt lở... Hiện tại, nhiều nơi trong huyện nước còn ngập. (VĂN PHIN)
Ông Phan Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn), cho biết do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài, đặc biệt là ngày 2 và 3.12, nước lũ đổ về sông Bà Rén đã dồn một lượng lớn bèo tấp vào các đồng rộng thuộc địa phận thôn Trung Vĩnh và Phù Sa. Theo ước tính của UBND xã, có gần 10ha diện tích mặt ruộng bị bèo án ngữ dày đặc gây khó khăn cho công tác vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ Đông xuân sắp tới.
Hơn 12ha mặt nước đồng ruộng ở các xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2 bị bèo tấp vào gây khó khăn cho nông dân sản xuất. Ảnh: DUY THÁI |
Trước đó, tại 2 thôn nói trên, nông dân cũng đã tiến hành dọn vớt hơn 2ha bèo trên đồng ruộng. Tuy nhiên, ngay sau đó bèo lại tiếp tục tấp vào đồng ruộng với số lượng lớn khiến chính quyền và nhân dân xã Quế Xuân 1 lúng túng không biết giải quyết thế nào. Được biết tại xã Quế Xuân 2, bèo cũng đã lấp gần 2ha diện tích mặt ruộng tại các thôn Thượng Vĩnh, Phú Nguyên, Tân Mỹ và Phú Mỹ. (DUY THÁI)
* Duy Xuyên: 300 hộ dân thôn Đông Bình bị cô lập
Mưa lớn suốt mấy ngày qua cùng với việc các hồ thủy lợi, hồ thủy điện xả lũ khiến tuyến đường nối thôn Đông Bình và Hà Mỹ (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bị xói lở nghiêm trọng khiến hơn 300 hộ dân ở thôn Đông Bình bị cô lập hoàn toàn so với thế giới bên ngoài.
Nước chảy siết khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TUYẾT MAI - PHI THÀNH |
Theo phản ánh của người dân nơi đây, khuya ngày 4.12, mực nước trên sông Bàn Thạch, đoạn chảy qua địa phận xã Duy Vinh bắt đầu xuống nhanh. Tại điểm đầu tuyến đường vượt sông nối Đông Bình - Hà Mỹ do chưa tiến hành kè bằng bê tông nên không thể trụ được trước lực nước quá mạnh dẫn đến xói lở. Ông Nguyễn Văn Anh - Người dân thôn Hà Mỹ, nói: “Bà con nhân dân đang hết sức lo lắng bởi ngoài việc chia cắt thì tình trạng xói lở còn đe dọa đến vườn tược, nhà cửa của hơn gần 30 hộ dân ở tổ đoàn kết số 43, thôn Hà Mỹ”.
Có mặt tại khu vực này vào trưa ngày 5.12, chúng tôi nhìn thấy từng mảng bê tông, hàng dừa chắn nước dần bị cuốn trôi. Hệ thống đường giao thông nông thôn ở thôn Hà Mỹ đang bị sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ trôi xuống sông. Còn đối với người dân Đông Bình thì muốn qua lại phải sử dụng thuyền máy. Trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục, ông Phan Công Nhanh - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, trước mắt chính quyền địa phương huy động hàng trăm thanh niên xung kích và người dân địa phương xúc cát đổ vào các bao tải kè tạm dọc tuyến đường giao thông nhằm hạn chế việc xói lở vào khu dân cư.
Lực lượng thanh niên và người dân địa phương dùng bao tải xúc cát kè tạm, chống sạt lở vào khu dân cư. Ảnh: TUYẾT MAI - PHI THÀNH |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường vượt sông Đông Bình - Hà Mỹ có tổng chiều dài 300m, chiều rộng 9m với kinh phí đầu tư hơn 300 triệu đồng từ sự đóng góp của nhân dân. Sau khi công trình hoàn thành vào đầu năm 2014 thì người dân tiếp tục trồng tre hai bên và trồng cỏ sậy để giữ đất, tránh bị sạt lở. Ngoài ra, chính quyền huyện Duy Xuyên hỗ trợ kinh phí không nhỏ để đổ bê tông và kè dọc hai bên tuyến.
Tuy vậy, trước cơn lũ dữ vừa qua, tuyến đường này đang có nguy cơ bị cuốn trôi. Và theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia thì bắt đầu từ ngày 5-9.12, Quảng Nam sẽ hứng chịu thêm nhiều đợt mưa lớn, nguy cơ lũ chồng lũ dễ xảy ra. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu không có biện pháp hữu hiệu khắc phục sạt lở thì tuyến đường Đông Bình - Hà Mỹ sẽ trôi sông. (TUYẾT MAI - PHI THÀNH)
(QNO) - Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, từ ngày 5-8.12, nhiều nơi tại Quảng Nam có khả năng xuất hiện mưa to trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số nơi trên 200mm. Trong đó, mưa lớn sẽ tập trung vào các ngày 5, 7, 8.12. Dự kiến, từ 5.12, lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ khả năng lên trở lại, dao động ở mức báo động II tới báo động III, có nơi trên báo động III. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp độ 2. Các cơ quan chức năng cảnh báo, đối với những vùng núi, vùng ngập úng, vùng trũng thấp, cần đề phòng xảy ra lũ quét và sạt lở đất. (HOÀNG LIÊN) |
* Nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông tam Kỳ lao đao
Sáng nay 5.12, mực nước lũ ở các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh xuống thấp. Tuy nhiên, người nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ hết sức lo lắng vì các loại cá nuôi, trong đó nhiều nhất là cá điêu hồng bị sốc, giảm sức đề kháng do bị ngâm trong nước lũ quá nhiều ngày. Bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận ra nhiều loại cá nằm chết, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. “Môi trường nước bị biến động quá nhiều. Tôi lấy mẫu nước xét nghiệm thử thì thấy các yếu tố kiềm, độ mặn thay đổi chóng mặt, vượt ngưỡng cho phép quá nhiều lần. Nguyên nhân là so lượng mùn, bã, phù sa quá nhiều đã làm thay đổi hẳn môi trường nước nuôi cá trên sông” - ông Trần Tấn Pho, hộ nuôi cá điêu hồng đoạn sát ngay chân cầu Tam Kỳ (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) nói.
Thu hoạch cá chạy lũ. Ảnh: QUANG VIỆT |
Các hộ dân nuôi cá khác ở khu vực phường An Sơn cho biết, cũng đang nỗ lực đối phó tình huống khẩn cấp là cá bị sốc môi trường. Cái khó là mực nước trên sông vẫn quá cao, không thể gom tụ vào 1 điểm để xử lý triệt để. “Môi trường nước sông vẫn đục ngầu, đủ loại các chất tạp, mùn, bã hữu cơ và hằng trăm chất độc hại khác trôi trong dòng chảy. Chỉ có… chờ nước cạn mới có thể tìm hiểu kỹ càng, xử lý bài bản được. Nhưng chúng tôi e rằng đã… quá muộn. Bao nhiều ngày cá bị ngâm trong điều kiện quá bất lợi rồi”, - một hộ nuôi cá nói.
Trước đó, vào sáng sớm nay hồ thủy lợi Phú Ninh đã tiến hành xả lũ khiến mực nước sông Tam Kỳ dâng cao. Đơn vị quản lý hồ Phú Ninh cho biết đã gửi thông báo trước khi xả lũ đến các xã Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành), xã Tam Ngọc, Tam Thăng, phường Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh, An Phú, An Sơn (TP Tam Kỳ). Chi nhánh Thủy lợi Phú Ninh (trực thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam) đã đề nghị các địa phương này chỉ đạo các hộ dân chủ động ứng phó với tình hình trước mỗi đợt xả lũ. “Quá trình xả lũ từ ngày 20.11 đến nay với lưu lượng xả tăng dần đều từ 62m3/s đến120m3/s, tăng lên 180m3/s và dừng lại ở mức 500m3/s. Do không có tính đột ngột nên việc thu dọn lồng bè nuôi cá cũng như dùng các biện pháp bảo vệ nuôi cá của người dân không bị ảnh hưởng. Trừ trường hợp người dân chủ quan, không thực hiện các biện pháp theo như đã được cảnh báo tại các thông báo trước đây thì mới có hệ lụy đáng tiếc xảy ra” - ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết. (QUANG VIỆT)
* Núi Thành: Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản và hoa màu bị ngập úng; một người mất tích chưa tìm thấy
Theo thông tin Báo Quảng Nam online mới cập nhật chiều nay 5.12, mưa lớn đã gây bị ngập úng khoảng 60ha lúa, cây ăn trái, hoa màu và 72ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Mưa lớn cũng khiến gần 7.000m chiều dài đường giao thông nông thôn bị bong tróc, sạt lở và các công trình giao thông nội đồng bị sạt lở gần 3.000m3. Các công trình đê, kênh mương đất bị sạt lở gần 6.000m3. Hiện nay, 7/7 hồ chứa nước trên địa bàn huyện Núi Thành đã qua tràn và riêng đập Bà Quận (xã Tam Nghĩa) bị sụt lún với chiều dài 50m. Lượng mưa trên địa bàn huyện ngày 3.12 là 171mm (số liệu Trạm quan trắc Vinarain tại khu vực xã Tam Trà đo được).
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành, xã Tam Anh Bắc hiện đang có thiệt hại nặng nề nhất. Diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập hơn 30ha, trên 20ha lúa nước trời bị ngập úng, tuyến đê ngăn mặn có chiều dài khoảng 5km bị sạt lở 5.000 m3. Các tuyến đường chính liên thôn bị sạt lở, bong tróc với chiều dài gần 6.000m. Ngoài ra, 1 đập thời vụ cũng bị hư hỏng hoàn toàn.
* Ngày 5.12, ông Nguyễn Ngọc Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, đến chiều ngày 5.12, chính quyền và gia đình chưa tìm ông Đinh Kim Hùng (SN 1960, thôn Tịch Tây, xã Tam Nghĩa) mất tích tại khu vực thôn Thạnh Mỹ (xã Tam Mỹ Tây). Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, người thân của ông Hùng chỉ báo cáo vụ việc cách đây 3 ngày mặc dù ông Hùng đã mất tích từ ngày 30.11. Phía xã và gia đình đã tìm kiếm nhưng chỉ tìm thấy túi xách, xe máy vào ngày 4.12. Được biết vào thời điểm ông Hùng mất tích, khu vực này đã bắt đầu có mưa.(ĐOÀN ĐẠO)
* Phú Ninh: Hàng chục héc ta rau màu bị thiệt hại do mưa lũ
Do ảnh hưởng không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới, trong các ngày từ ngày 30.11 đến ngày 5.12.2016 trên địa bàn huyện Phú Ninh có mưa to gây ngập lụt ở một số vùng trũng thấp, các sông, suối trên địa bàn nước dâng cao và chảy xiết, gây thiệt hại lớn về người và của.
Ông Võ Thanh Anh - Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Phú Ninh cho biết, tính đến 17 giờ, ngày 5.12.2016, mưa lũ làm 1 người chết, 3 nhà bị sập, 3 nhà bị tốc mái, 1 nhà bị ngập hư hại tài sản. Hơn 13ha hoa màu và 8ha lúa (không chủ động nước) bị mất trắng. Ngoài ra, có 4 hộ ở hạ lưu cống tiêu Km 53+460 cao tốc (ở Tam Thành) bị nước mưa và bùn đất tràn vào nhà làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại không nhỏ về cầu cống, giao thông, thủy lợi: 3 cầu giao thông nông thôn trên địa bàn xã Tam Dân bị xói lở; 356m đường giao thông bị cuốn trôi; 7km kênh mương thủy lợi bị bồi lấp. Trong tình hình cấp bách, Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã đưa 2 hộ dân trú tại thôn Phước Lợi (xã Tam Lãnh) di dời đến nơi ở an toàn. (PHAN VINH)
* Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên vào chiều ngày 5.12, ngoài 1 người chết thì trong những ngày qua mưa lũ cũng đã làm 207 nhà dân trên địa bàn bị ngập nước với độ sâu gần 1m. Bên cạnh đó, 27ha lúa gieo cấy kỳ của hàng trăm hộ dân thuộc các xã vùng đông và gần 280ha hoa màu, rau quả tại nhiều địa phương bị ngập úng, hư hại nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều hộ dân ở 3 xã Duy Vinh, Duy Thành, Duy Nghĩa thả nuôi khoảng 38ha tôm thẻ chân trắng trước lịch thời vụ bị nước lũ cuốn trôi, gây thiệt hại nặng. Ngoài ra, toàn huyện còn có 2.340m kênh mương thủy lợi và 200m kè chống xói lở bờ sông bị hư hỏng nặng nề... Ước tổng giá trị thiệt hại hơn 9,7 tỷ đồng. (HOÀI NHI)