Mùa lụt

SONG NGUYÊN 29/11/2015 09:37

Làm ăn thất bại, cùng với những bất đồng trong hôn nhân, An và chồng ly hôn. An được nuôi con gái 2 tuổi. Cả hai vợ chồng không hẹn, đều bỏ Sài Gòn về quê sinh sống. An sống với mẹ ruột. Chồng An theo công trình, khi thì Tam Kỳ, Đà Nẵng, có hôm vào tận Bình Định, Phú Yên, rồi có vợ sau ly hôn chừng 1 năm.

Tháng 10 âm lịch năm ngoái, nhà chồng cũ An có giỗ, An bồng con về dự giỗ. Xong giỗ, cha mẹ chồng bảo An cứ về đằng nhà mẹ ruột, để cháu ở lại với ông bà vài hôm. Chưa một ngày xa con, nay nghe bảo thế, An đắn đo mãi. Nhưng vì thấy cha mẹ thiết tha quá, An nghĩ “ông bà quý cháu như vàng, cháu ở chơi với ông bà vài hôm chắc cũng không sao. Mà con bé dễ chịu, ngủ với ai cũng được, miễn trước khi ngủ phải được ru bằng võng”. Nhìn cái võng được mắc giữa nhà, An yên tâm ra về.

Nhà An cách nhà cha mẹ chồng chừng 20km. Ngày xưa tuyến đường này lầy lội ghê lắm. Mùa mưa có khi mất cả giờ đồng hồ mới đi trọn 20 cây số. Từ ngày nông thôn mới, đường sá khang trang hẳn, chỉ cần 15 phút là đã đến nơi. Lần này không đèo con theo, An được dịp quan sát hai bên đường. Nhà cửa bây giờ san sát, khác ngày An rời quê cách đây 10 năm. Ngày ấy đố đứa con gái nào dám đi một mình khi trời sẫm tối. Cướp bóc thì không, nhưng sợ ma. Nhà cửa thưa thớt, đèn đường chưa có, chung quanh toàn bãi biền rậm rạp, cảm giác đi một mình dễ rợn da gà.

An về gần đến nhà thì trời bắt đầu mưa. Cơn mưa giữa tháng 10 dai dẳng thiệt, kéo lê từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối mới chịu ngơi. An lấy điện thoại gọi hỏi tình hình con gái. Biết con vừa được bà bế từ võng lên giường, An mừng trong dạ.

Nhưng nửa đêm trời đổ mưa to, kèm gió lớn. Tiếng mái tôn chuồng heo giật đánh rầm rầm, tiếng gió rít ngoài trời nghe dữ tợn. An rời khỏi giường, lấy tay vạch tấm màn cửa sổ. Ánh chớp xanh lè hòa trong gió lớn, trong cơn mưa ngày càng nặng hạt, làm cánh cửa sổ muốn bật ra. Lòng An như có lửa. Cô nóng từng khúc ruột vì lo cho con gái. Nhà cha mẹ chồng cô ở vùng trũng. Dù nhà được đắp nền đất khá cao nhưng năm nào cũng đón vài cây lụt. Nhà có 2 con trâu, với đám heo, gà. Không biết ông bà có để mắt tới cháu, hay mải lo dọn lụt, lo bọn heo gà, thì rủi ro cho con gái An biết bao! Càng nghĩ, An càng rối. Cô lấy điện thoại gọi cha mẹ chồng, thì chỉ nghe… ò í e. Chắc lại đứt đường dây! Cô quyết định gọi cho chồng. Cực chẳng đã cô mới gọi chồng, bởi cô giận anh vô tâm. Sau ly hôn, tòa quy định chồng cũ của cô phải chu cấp hàng tháng cho con gái. Nhưng thực hiện chừng 3, 4 tháng đầu, rồi thì bặt luôn. An chẳng thiết tha gọi đòi. An nghĩ, đó là việc thể hiện tấm lòng, chứ chẳng phải nợ nần đâu mà đòi. An hiếm khi liên lạc với chồng cũ kể từ ngày anh ta có vợ mới. Lần này thì không thể. Nhưng An đắng lòng khi nhận câu trả lời “anh cũng không liên lạc được với cha mẹ!”.

An thức trắng đêm cầu mong mưa ngớt. Gần sáng thì mưa cũng ngớt, nhưng lại có tiếng người dắt trâu đi tránh lụt. Lụt thật rồi! An thẫn thờ nghĩ về con.

Mẹ An dọn cơm sáng với muối mè rang. Cứ vào ngày mưa lụt, là ăn cơm với muối mè, vì vườn rau đã ngập, chợ búa cũng không. Nghe nói nước vây khắp ngả. Mấy người kéo vó cũng mang gọng về nhà. Kiểu này thì nhà mẹ chồng An nước đã xâm xấp rồi. Nghĩ thế, An nhấc chén cơm không nổi, dù mùi mè thơm quyện nơi sống mũi, ngào ngạt tỏa hương thơm nức. An được mẹ trấn an “bao đứa trẻ vùng lũ rồi cũng lớn lên với lũ, con đừng quá lo lắng”. Là mẹ nói vậy thôi, chứ làm sao An không lo cho được! Cô trách mình hời hợt, vô lo quá, khi tháng 10 là tháng của đỉnh lũ miền Trung, khi ba mẹ chồng sống vùng rốn lũ, chỉ cần vài cơn mưa lớn là đã no nước. Năm nào cũng vậy, cứ vừa sang trung thu vài hôm là ba mẹ chồng An phải do dọn đồ lên gác, vì biết mùa mưa về thể nào cũng “sống chung với lũ”. Năm đầu tiên về làm dâu, An cũng từng phụ dọn lụt. Cái gì mang lên gác được, là mang hết. Chỉ những vật dụng cần thiết mới để lại. Rồi An trách phải chi ông trời đổ mưa khi mẹ con cô còn ở nhà nội của con, thì biết đâu đã tranh thủ chạy về, hoặc cô sẽ ở lại cùng con. Phải chi mẹ con cô đừng đi ăn giỗ. Phải chi…

Năm nay lụt đã lớn, lại còn bị xả lũ, nên nhà cô nước đóng mái thềm. Đang lăng xăng dọn dẹp phụ mẹ thì chuông điện thoại đổ. Số máy di động lạ hoắc.

“Alo, An nghe đây!”

“Chị An ơi, em là Hiền, con ông Bảy Muộn ở xóm nhà chồng chị đây! Chị ơi! Con bé chị bị rớt nước. Nó… nó không qua rồi chị ơi!”

“Em nói gì, nói gì?”. An hỏi như gào trong điện thoại.

Đầu dây bên kia nhắc lại “Con bé rớt từ trên gác xuống nước…”.

An ngồi thụp xuống đất, chẳng nói chẳng rằng như người bị á khẩu. Mẹ An hốt hoảng chạy tới, nghe An thều thào:

“Con con! Mẹ ơi!”.

Chưa bao giờ bà nghe con mình thảng thốt, lạc giọng một cách đáng thương như thế. An được mẹ đỡ dậy, dìu đến bên giường. Cô vô thức bước đi trong vòng tay mẹ. Khi chạm vào mép giường, An ngồi phịch xuống, mới òa lên nức nở. Dù vậy, cô vẫn cố tỉnh táo để gọi cho chồng cũ. Lần này là lần thứ hai (sau cuộc gọi thứ nhất chừng mấy giờ đồng hồ) kể từ ngày hai người chính thức ra tòa, An gọi cho chồng. Ở đầu dây bên kia, chồng An cũng xác nhận đã nhận tin dữ từ một người hàng xóm tin cậy. Anh cũng đã nói chuyện với cha mình qua máy di động của người hàng xóm. Cũng như An, nước vây tứ bề, cả hai chẳng có cách nào để về ngay tức khắc với con.

Sốt ruột, phần An An gọi, phần chồng chồng gọi, nhưng không liên lạc được nữa. Lũ lụt về, thường bị cúp điện, máy điện thoại lúc này cũng chỉ là cục sắt, mọi thông tin dường như bị cắt đứt. Sốt ruột, An muốn cầu cứu một chiếc ghe, nhưng giữa biển nước mênh mông, chẳng ghe nào dám đùa với tử thần, dù họ có thương tình đến mấy.

An muốn ngã quỵ. Cô nhìn trời, cầu trời đừng đổ mưa, cầu trời nắng lên, và luôn miệng gào “con ơi chờ mẹ. Mẹ sẽ lên liền”. Nghe não cả ruột.

Rồi thì nước cũng rút, dù chậm. An được người thân đưa đi. Cơn mưa nhỏ gọi là “mưa dội bùn” không đủ để dội sạch đám bùn non vương vãi trên đường, với những rác rưởi. Có những đoạn nước còn ngập tới quá đầu gối, nhất là khu vực Giao Thủy. May mà nhờ người dân ven đường trợ giúp, người thì đẩy xe, người chùi bugi xe.

Còn một đoạn đường xấu, chừng vài chục mét nữa là gặp lại con, An xuống xe chạy bộ. Dáng cô liêu xiêu chực ngã. Hai ngày không ăn không ngủ, vật vã thương con và tự trách mình, An chỉ còn cái xác không hồn.

An lao đến bên con. Ngay lúc ấy, con gái trào ra chút máu miệng, như trách rằng con chờ mẹ hai hôm nay! An ôm con, bao dằn vặt, ân hận, khổ đau, cô trút hết. An nhắc nhiều kỷ niệm với con, với đứa con gái lên ba đẹp như thiên thần, cứ gặp mẹ là ngọng nghịu, líu lo đủ chuyện. Chồng cũ của An cũng kịp về. Anh đấm thình thịch vào ngực mình “lỗi tại ba, tại ba”.

Cả hai mải bên con, chẳng để ý đến mấy lời trần tình của ông bà nội. Ông bà cũng héo úa, bất lực trước tấm thân cháu gái còn nhiều hơi ấm mà chẳng làm sao cứu được. Số là chuồng trâu bị ngập nước sâu, ông định ra thử xem sao. Bà cũng theo chân ông để xem tình hình. Trước khi đi, bà lấy gối chèn quanh cháu gái, thảy mấy món đồ chơi mà mẹ cháu mang theo, rồi dặn cháu ngồi nguyên một chỗ, bà sẽ trở lên gác với cháu liền. Chưa tới 10 phút, thì cơ sự xảy ra. Bà bảo, chẳng biết làm sao ăn nói với ba mẹ cháu.

Nhìn ông bà héo úa như tàu lá khô, cũng chẳng ai nỡ trách.

Trời thương nên vừa dứt lụt, gặp ngay ngày tốt. Cháu được chôn cất trong khuôn viên nghĩa trang gia tộc quê nội.

Mới đó đã một năm rồi.

Trời chiều nay lại mưa. Nghe dự báo thời tiết mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa dâng cao, lòng An lại quặn thắt.

SONG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO