Sau các đợt mưa dông cuối thu, ở núi thường mọc rất nhiều măng nứa. Vào mùa thu hoạch, trên khắp các bản làng, đồng bào vùng cao tranh thủ ngày nghỉ vào rừng bẻ măng, kiếm thêm nguồn thu nhập thời vụ, trang trải cuộc sống.
Gác lại công việc gia đình, hơn một tháng nay, gần như ngày nào bà Hiên Thị Xuân (dân tộc Ve, ở thôn 58, xã Đắc Pre, Nam Giang) cũng ngược núi để kiếm măng nứa.
Loại măng mà bà Xuân kiếm có tên là zôl (theo tiếng Ve), thuộc “hàng hiếm”, chỉ có ở vùng đất giáp biên giới Lào. Khác với nhiều loại cây nứa mọc ở Trường Sơn Đông, cây zôl có thân hình nhỏ, thường được đồng bào vùng cao dùng làm ống nướng cơm lam trong các dịp lễ hội.
Măng zôl chỉ mọc trong thời điểm cuối thu, sau những trận mưa kéo dài. Quá trình thu hoạch măng cũng đầy gian nan, vất vả bởi cây zôl thường mọc ở những vùng núi cao, trên đầu nguồn suối. Vì thế, cả ngày công có khi chỉ kiếm được 10 - 15kg măng non, đảm bảo chất lượng.
“Măng zôl sau khi kiếm về được gọt sạch vỏ ngoài, sau đó luộc chín, rồi để ráo nước. Mỗi ký măng sau khi luộc chín được bán tại chỗ với giá 25 nghìn đồng. Ngoài luộc, măng zôl còn được bán tươi hoặc phơi khô dự trữ cho mùa đông, lúc măng trên núi hết mùa” - bà Xuân chia sẻ.