Cuối thu, đầu đông, khi rừng bắt đầu chuyển màu lá cũng là lúc người Xê Đăng ở huyện vùng cao Nam Trà My lên ngàn hái măng, hái táo mèo đem về bán kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị những thứ thiết yếu cho mùa đông tới.
Gùi đựng măng rừng. |
1. Trời vừa mờ sáng, chị Hồ Thị Hoàng - người Xê Đăng, ở nóc Tắk Nâng, thôn 3, xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) gọi chúng tôi dậy để kịp chuẩn bị cho chuyến vượt rừng hái măng. Nhìn đồng hồ, lúc đó chỉ mới hơn 4 giờ sáng. Thoáng chốc, các chị đã nấu xong nồi cơm với loại gạo “đặc sản” của người Xê Đăng, nhanh tay gói cơm lại bằng lá chuối rồi bỏ vào gùi. Bữa trưa cho chuyến đi rừng đã chuẩn bị xong. Trong sương mờ, những hàng cây cổ thụ đứng im lìm đón đợi ánh nắng trời. Dưới cái gió nhẹ của núi rừng, từ nóc Tắk Nâng, các chị lại men ngược đường rừng lên Tắk Pang. Nói là đường, nhưng thật ra toàn những dốc đứng lởm chớm đá tai mèo, các chị vừa phát cây vừa tìm lối đi vào những bụi tre, bụi nứa để hái măng. “Muốn hái được măng rừng thì mình chỉ có thể tự phát đường mà đi thôi. Vừa phát vừa tìm lối vào những bụi tre có măng gần nhất cho tiện” - chị Hoàng nói. Đi được một đoạn đường dốc, chân các chị tứa máu vì vắt rừng cắn. Mang dép khó đi, các chị bỏ dép vào gùi, đi chân trần vào những bụi tre, bụi nứa. Thấy tôi ngại các chị giẫm gai, có người cười: “Đã quá quen rồi, không sao đâu”. Cứ như thế, các chị lùng sục khắp núi rừng bằng đôi chân trần để hái măng.
Trái táo mèo ở vùng núi huyện Nam Trà My. Ảnh: THANH THẮNG |
Khi trời vừa đứng bóng, chiếc gùi sau lưng của chị Hoàng cùng các chị em khác cũng đã nặng. Ghé vào cây đa đầu làng Tắk Pang để ngồi nghỉ, mệt nhưng mà vui vì măng đã đầy gùi. Trong lúc ngồi nghỉ, các chị lấy cơm gói bằng lá chuối mang theo lúc sáng đem ra ăn với muối vừng. Xong bữa trưa, các chị bứt dây để bó măng thành từng bó, để dưới gốc đa rồi tiếp tục đi hái măng. Từ Tắk Pang, các chị lên Kíp Cang, nơi rất ít tre nứa nhưng chỉ cần bắt gặp một bụi là bẻ cả gùi vẫn chưa hết măng. Ở vùng núi Kíp Cang, mỗi bụi tre, nứa đều có rất nhiều măng. Lấy măng xong, cũng là lúc trời đã xế chiều. Các chị bỏ măng vào gùi, rồi mang xuống núi. Trời đổ mưa… Những cơn mưa chiều ở vùng cao xã Trà Cang như trút nước, khiến đường đi đã khó khăn, vất vả, lại càng gập ghềnh, trơn trượt hơn… Về nhà, các chị rửa măng thật sạch rồi bắc nước sôi luộc măng. Ngồi canh lửa cho đến khi măng chín, vớt măng ra để nguội, sau đó lại dùng dao tước nhỏ đem phơi khô, bán với giá 100 nghìn đồng/kg. Chị Hoàng tâm sự: “Năm nay, măng rừng nhiều nên thu nhập cũng không đến nỗi nào. Từ đầu năm tới nay, tôi đã bán được hơn 5 triệu tiền măng. Có tiền mua thêm áo quần cho mấy đứa con trong mùa đông này”.
2. Quả táo mèo, người Xê Đăng gọi là quả sơn tra, quả ha, những tưởng chỉ có ở vùng núi phía Tây Bắc, nào ngờ loại thảo dược này cũng có nhiều ở vùng cao Trà Linh, Trà Cang... Nó giúp bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập. Trời vừa hửng nắng sau những cơn mưa chiều, chúng tôi theo chân anh Hồ Văn Liễu ở thôn 3, xã Trà Cang, vào khu rừng Tắk Long tìm hái quả táo mèo. Anh Liễu cho biết, trước đây cứ đến mùa (từ tháng 9 đến hết tháng 10) táo mèo rụng vàng gốc vì không ai biết được giá trị của nó. Hai năm nay, một số chủ quán tạp hóa ở Trà Cang bắt đầu thu mua táo mèo nên thanh niên trong vùng mới tìm hái bán. Có ngày, một người hái bán được vài trăm nghìn đồng. Dẫn chúng tôi đến cây táo mèo cổ thụ ở cuối làng Tắk Long đang sai quả, anh Liễu trèo lên cây hái những quả còn xanh. Chưa đầy hai tiếng, anh Liễu đã hái xong một bao táo mèo hơn 20kg. “Hái táo mèo rất dễ. Công việc này chỉ dành cho nam giới biết leo trèo, còn nữ ít hái được lắm” - anh Liễu cho biết. Hiện nay, các thương lái thu mua trái táo mèo với giá 10.000 đồng/kg, mỗi ngày một người đi hái cũng được 10 - 30kg, kiếm vài ba trăm ngàn đồng.
Chúng tôi có mặt tại quầy tạp hóa của anh Thân Văn Nam ở thôn 3, xã Trà Cang, vào cuối giờ chiều. Nhiều người dân địa phương đi rừng về mang táo mèo ra bán. Anh Hồ Văn Sỹ ở thôn 3 mang 10kg táo mèo vừa hái ra bán. Anh Sỹ cho hay, trong lúc đi làm rẫy về, anh ghé vào cây táo mèo cổ thụ bên rừng hái một ít về bán kiếm thêm thu nhập. “Năm nay, táo mèo ít quả hơn các năm trước nên mỗi cây chỉ hái được 20 - 30kg là nhiều” - Anh Sỹ nói. Theo anh Thân Văn Nam - người thu mua táo mèo ở Trà Cang, cây táo mèo ở huyện miền núi này khác với cây táo mèo ở vùng núi Tây Bắc. Cây táo mèo ở ngoài ấy thấp, quả nhỏ khi chín có màu đỏ. Còn táo mèo ở huyện Nam Trà My quả rất to, khi chín có màu vàng, có cây cổ thụ hàng trăm năm, thân gỗ, tán rộng, mọc trong rừng nơi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. “Quả táo mèo có thể ăn sống, có vị chua, chát rất khó ăn. Táo mèo có rất nhiều công dụng, vừa là vị thuốc quý, hạt và ruột có tác dụng giảm béo, hạ huyết áp… Hiện nay, một số người dân địa phương còn dùng táo mèo cắt lát rồi phơi khô sau đó pha nước uống thay trà” - anh Nam chia sẻ.
THANH THẮNG - ĐÔNG DƯƠNG