Đất trôi theo sông. Mùa này cười ròn rã bao nhiêu thì chuyện mùa sau làm gì đã giăng đầy âu lo…
Đất trôi theo sông. |
Thắc thỏm lo âu với tháng ngày dài rộng, họ - những người nông dân sống bằng sức mua của thị trường vốn bấp bênh, dẫu gương mặt rung lên nét cười thì cũng thảng hoặc những ánh nhìn xa xôi. Kiểu lo, kiểu khổ ấy là mẫu số chung của nông dân Việt Nam, khi đầu ra cho sản phẩm chưa bao giờ có sự ổn định bền vững. Vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vẫn âm ỉ câu chuyện hoa màu làm ra mang đốt làm phân hoặc để cho bò. Vẫn ray rứt chuyện nằm mấy ngày ở cửa khẩu rồi kêu nhau đi về, bỏ hết. Nhưng vẫn làm, vẫn tất bật ngày này tháng nọ, xoay đủ thứ trên cuộc đất ven sông. Bởi ngưng tay thì phải tha hương… Mà đất ấy, có ở yên cho mình làm. Đi chưa kịp mỏi chân thì chạm phải vực. Nước ăn sâu vào đất tới mức nhìn thấy bằng mắt thường. Người phía này sông đứng nhìn đất lở thì người phía kia đã vội kiếm thêm giống về gieo cho mớ đất được bồi. Nhưng cũng như bổi của trời, được đó, mất đó. Người tưởng được lại đau hơn người mất. Bởi đất bồi đất lở không thể nào đoán định được bằng ngày giờ, mùa vụ…
* *
*
Ông Dương Hiển Công - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong (Điện Bàn) nói rằng đất lở ở gò này thì bồi ở gò khác. Trên 30 gò ở Điện Phong nếu san đi sớt lại thì diện tích đất sản xuất vẫn còn nguyên như cũ. Và cái khổ nhất của nông dân vùng này không phải chuyện đất lở sông bồi. “Bao nhiêu năm nay, khó khăn lớn nhất của nhà nông là chuyện đầu ra. Tự phát, không ai có khả năng định hướng cho nhà nông mùa này trồng gì” - ông Công nói.
Dân vùng Gò Nổi nói chung và riêng ở Điện Phong cũng vậy, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy bán. Đất đai thổ nhưỡng ở đây không giống các vùng khác. Phù sa sông Thu đắp bồi màu mỡ, nên cây hoa màu nào cũng có thể tốt tươi ở đây. Vì như thế nên mới đâm ra nhiều nỗi, khi nhà nông tất bật tận dụng từng khoảnh đất thì nhà quản lý dù đã cố nhưng chưa thể tìm cho họ được một đầu mối tiêu thụ ổn định với từng loại sản phẩm. Nhà nông bất đắc dĩ phải tự bơi với cuộc chơi đã chọn. Không đủ đất và cũng không đủ các phương pháp khoa học để trở thành những vùng chuyên canh như các nơi khác, nông dân Điện Phong “đánh cược” với thị trường để tồn tại. Và họ, đã tự tìm cách để vun cho đầy niềm tin với đất và làm lành những “thương tổn” đều diễn ra ở mỗi bận thu hoạch mùa màng. Có người tự mình làm một cuộc đi đường dài, mang sản phẩm đến những chợ đầu mối của Điện Bàn, Đà Nẵng, hay ngược đò đến vùng thượng nguồn để mong cải thiện giá cả. Có nhà nông chấp nhận giao cược với thương lái, vì như thế sẽ đỡ phần chuyện tàu xe… Mỗi người nông dân một cách, để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, để sống, để nuôi lớn con cái.
Những mô hình canh tác như thế này hiện nông dân Điện Phong rất cần. |
Nhưng vùng nổi tiếng nghề rau màu như Điện Phong, nông dân giờ đã trở nên già cỗi. Chỉ còn những người ở độ tuổi xấp xỉ 60, sáng chiều ra đồng và quần quật với con đất tự bao đời. Ông Nguyễn Phi Dư, một người gắn bó với gò Mồ Côi và ruộng đồng tự thuở nhỏ, nên dường như đã vượt qua được nỗi cơ cực, nhưng cũng thấm thía với sự phụ thuộc của nhà nông. Ông nói: “Làm sao mà bỏ đất, bỏ nghề nông? Mà gắn với nghề thì mình phải chạy, chạy theo sự bồi lở của cuộc đất, của đời sông; chạy theo nắng mưa thất thường của ông trời; chạy theo thị trường… và cứ ráng chạy theo những thứ mơ hồ, ngoài tầm kiểm soát như vậy nên mới đứt hơi, mới thấy mùa màng giờ đây sao quá thăm thẳm…”. Bất cứ ai thử một lần nói chuyện với nông dân Điện Phong, cũng sẽ chùng lòng. Tôi tin vậy. Bởi người nông dân của khúc cuối nguồn, lớn lên bằng bãi bồi dòng sông, với những đồng bãi xanh um, sẽ đủ trải nghiệm để kể người nghe những câu chuyện buồn vui nhà nông bằng cảm xúc thật nhất. Ông Dư kể vợ mình nhiều năm mang bệnh trầm cảm cũng bởi bao bận mang mè mang đậu đi xay làm thức ăn cho gia súc. Nhưng sau đó thì phải đứng lên, bởi đất sờ sờ ra đó mà không trồng trọt gì thì chịu sao nổi.
* *
*
“Làm sao mà bỏ đất, bỏ nghề nông? Mà gắn với nghề thì mình phải chạy, chạy theo sự bồi lở của cuộc đất, của đời sông; chạy theo nắng mưa thất thường của ông trời; chạy theo thị trường… và cứ ráng chạy theo những thứ mơ hồ, ngoài tầm kiểm soát như vậy nên mới đứt hơi, mới thấy mùa màng giờ đây sao quá thăm thẳm…”. |
Có những người quyết cả đời gắn bó với đất đai hoa màu như ông Dư, dù bao bận dở khóc dở cười bởi chuyện cung cầu, thì cũng có những người dứt khoát “ly nông”. Không chịu được những vất vả, những bấp bênh, những lúc giáp hạt, những khi nhiều tới mức đem rau, đem màu đi cho cũng ngại…, nhiều người ra đi. Nguyễn Văn Thủy, người làm nông có tiếng ở đất này, bằng sức lực vạm vỡ của mình, cũng không chịu thấu. Không phải khổ cực theo kiểu lao động chân tay nặng nhọc, lao đao và phải toan tính từng ngày từng giờ, tới bữa ăn giấc ngủ cũng phải tính toán, đã quật ngã người đàn ông này. “Rời quê quán làm phụ hồ, ngày mấy đồng, tối ngủ thẳng giấc, mà đỡ lo hơn” - anh Thủy nói. Đất ở quê thì cho hàng xóm thuê lại, tháng chừng mấy trăm ngàn, coi như đồng ra đồng vào cho mẹ già ở quê. Và ở Điện Phong, nhiều người chọn con đường như Thủy. Làm công nhân cho các nhà máy, cụm công nghiệp ở Điện Bàn… hiện là lựa chọn được xem như ưu tiên số 1.
Thị trường tiêu thụ nhiều nhất nông sản ở Điện Phong là Trung Quốc. Thương lái vẫn hàng ngày tìm đến nhà nông, nhưng với mức giá như thế nào thì họ là người đưa ra. Không nắm bắt được thị trường, và làm nông theo số đông, trách sao được chuyện phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của “nước đông dân”. Ông Dương Hiển Công nói, gần 2 năm trở lại đây, chính quyền mới huy động và liên kết được với Viện Khoa học - kỹ thuật duyên hải Nam Trung Bộ và Công ty TNHH rau quả Việt Thắng tổ chức hai cánh đồng mẫu khoảng hơn 100ha, trong tổng số diện tích gieo trồng hơn 1.200ha của xã. Dù ít, nhưng là bước đi vững chãi để dựng thêm một chỗ dựa cho nông dân xứ này. Và cũng chính những người làm công tác quản lý nông nghiệp ở địa phương này nói, họ nhiều lần đặt vấn đề với những cấp cao hơn, từ thị xã đến tỉnh, với mong muốn nông dân của họ sẽ có định hướng gieo trồng, bằng những nghiên cứu thị trường chắc chắn, nhưng đã nhiều lần, yêu cầu này rơi vào im lặng.
Không biết đã có bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học cấp này cấp nọ, về đủ loại giống gieo trồng, về định hình thương hiệu, về chuyện thương mãi xứ mình, về hướng đi cho sản phẩm nông nghiệp… Nhưng nông dân đất Quảng vẫn còn phải tự lặn lội… Mà mùa màng thì thăm thẳm trôi.
Ký sự của LÊ QUÂN