Nhiều năm qua, người dân xã Quế Lâm (Nông Sơn) có thêm nguồn thu từ việc khai thác cây song mây. Công việc này vất vả, phải xuyên rừng nhiều ngày nhưng đây là sinh kế của người dân sống dựa vào rừng.
Chiều về, trên bến sông Thu Bồn qua địa phận huyện Nông Sơn, dễ bắt gặp những chiếc phà chở đầy song mây cập bến, kết quả sau những chuyến xuyên rừng săn lùng song mây của người dân bản địa.
Trở về sau chuyến bứt mây nước xuyên rừng kéo dài 4 ngày, ông Nguyễn Văn Bảy (xã Quế Lâm) chia sẻ, nhóm bứt mây của ông gồm 5 người, vào rừng có sẵn lán trại, cứ đi bứt mây ròng rã rồi gom lại, vác ra sông để phà tới chở. Sau đó xe tải đến điểm tập kết mây đưa về các thôn Phước Hội, Tứ Trung, xã Quế Lâm để nhập cho tiểu thương. Giá mây nước được thương lái thu mua khoảng 4.000 đồng/kg, mỗi ngày cả nhóm bứt được chừng 100 sợi. Mây nước có nhiều gai sắc nhọn, đòi hỏi người khai thác phải có nghề. Không chỉ mây nước mọc từ rừng, nhiều người còn bứt mây nếp từ rẫy canh tác trong rừng sâu.
“Rẫy sản xuất của chúng tôi do nhà nước cấp đất hiện trồng keo nhưng phát hiện có nhiều mây nước mọc ven suối, những khe nước, nhiều người không phá bỏ mà giữ lại, chăm sóc để khai thác kiếm thêm thu nhập. Mây khai thác được, bà con đưa về, ngâm nước khoảng 4 ngày mới bán cho thương lái. Tính tới thời điểm này, mỗi héc ta nếu có cây mây nước phân bố nhiều có thể cho thu nhập gấp 3 - 4 so với trồng cây keo” - ông Nguyễn Văn Bảy nói.
Chu kỳ mỗi cây song mây cứ 2 năm cho khai thác một lần. Người dân vùng trung du, miền núi Quảng Nam chủ yếu khai thác song mây tự nhiên hơn là song mây trồng. Song mây mọc dưới tán rừng tự nhiên, phân bố mạnh ở những cánh rừng sản xuất nằm sâu trong rừng, khu vực ven suối, khe, nơi có độ che phủ rừng lớn…
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trồng mây nước cho hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu trồng dưới tán rừng có đầu tư phân bón, chăm sóc tốt thì chỉ sau 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch lứa đầu, ước tính đạt 30 - 40 triệu đồng/ha, những năm tiếp theo cho giá trị tăng gấp hai, ba lần. Người nông dân đầu tư trồng rừng năm đầu, các năm sau chỉ bỏ công chăm sóc và khai thác mây đúng quy trình kỹ thuật là rừng trồng cho thu hoạch liên tục từ 18 - 20 năm.
Trồng rừng thâm canh sản lượng thu hoạch năm đầu đạt 30 - 35 tấn/ha, những năm sau cho thu hoạch 2 đợt/năm, ước tính sản lượng đạt từ 60 - 70 tấn/ha. Bình quân mỗi héc ta song mây cho thu nhập cả trăm triệu đồng, cao gấp đôi, gấp ba so với trồng keo. Trồng song mây cũng góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên rừng, đảm bảo hệ sinh thái rừng bền vững.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đầu tư xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh cây mây nước giống địa phương dưới tán rừng tại các xã trung du và miền núi của tỉnh, quy mô 20ha với 4 điểm triển khai. Tuy nhiên, do người dân miền núi vẫn nặng tư tưởng khai thác song mây tự nhiên nên việc trồng song mây dưới tán rừng vẫn chưa đem lại hiệu quả cao như mong đợi.