Mùa ngóng đợi…

PHÙNG TẤN ĐÔNG 21/01/2018 12:34

Người dân quê xứ vừa đi qua một mùa đông dài dặc với lê thê những cơn mưa. Đã tháng Chạp rồi mà trời chưa mưng nắng. Thảng hoặc vài cơn nắng ươn, trời lừ đừ như tắc kè say thuốc. Mưa đến núi lở non mòn. Mưa đến hắt hiu những phận đời. Người bị đất vùi, người mất cửa mất nhà rồi ra cơ nhỡ. Sự thể có gì như câu ca xưa “ở đời trời hại mới hư…”. Nhân quả nhãn tiền. Biến đổi khí hậu là bởi con người không thuận thảo với thiên nhiên. Rừng phòng hộ đầu nguồn ngày càng bị chặt phá mỗi lúc một bạo tàn. Mặt đất bị cày xới nham nhở còn hơn những trận bom bởi nạn đào vàng. Những dòng sông bị ngăn làm hồ chứa thủy điện nên con nước khát phù sa, đói cát làm xói lở đôi bờ. Nỗi lo thủy điện xả lũ cũng “bất thường” như thời tiết… Bao nhiêu nghịch lý trong đời sống vì lối sống vị kỷ, vì “lợi ích nhóm” của kẻ có quyền, vì lề thói cũ, vì định kiến cố hữu của con người… Ừ mà như thế mới là cuộc đời, phải thế chăng mà giữa dòng thời gian bất tận con người ngộ ra tính chất phù du của kiếp sống “ta còn để lại gì không/ kìa non đá lở, kìa sông cát bồi” (Vũ Hoàng Chương)…

Lại một tiết xanh của cây lá thường hằng, của con người hữu hạn. Chỉ có màu tóc và khí hậu của làn da báo cho ta biết sự “cũ” đi của thân xác ở đời. Cả nghìn năm trước, Lý Bạch đã từng than trong bài ca mời uống rượu (Tương tiến tửu) rằng bạn ơi hãy nâng ly vì “mái tóc sớm như tơ xanh chiều đã tuyết”. Bạn cũ mấy mươi năm sau gặp lại ôm không chật vòng tay. Bạn đó ư? Chiếc ba lô căng phồng, nồi niêu xoong chảo và bờ vai lực lưỡng của một “anh nuôi” trên những con dốc dựng mà chừ như một đứa bé con. Bạn đó ư, bạn vẫn kín tiếng kiệm lời nói rằng đừng nhắc lại chuyện mình đã cõng thẳng K. đi ba mươi cây số đường núi để đến trạm xá làm chi bởi khi tình cờ gặp ở Sài Gòn hắn không còn nhớ bạn là ai và quen biết tự lúc nào. Ừ còn gặp nhau là mừng. Còn đi gặp nhau là còn biết tử tế. Còn tử tế để gom góp chút tiền gửi cho đứa ốm đau vợ mất con nghèo, đứa mấy chục năm không “mảnh tình rách vắt vai” về già bơ vơ cô độc. Còn đi gặp nhau là để thương một quãng đời mình đói rét có nhau “rét Thái Nguyên rét về Yên Thế” (Tố Hữu)…

Lại một mùa lau trắng bên sông cũng là lúc ngò cải đơm vàng bờ bãi. Mùa mong ngóng cho một sum vầy. Nhớ ngày mới lớn dường ai cũng có một ngóng trông. Ta đọc thầm mấy câu thơ “khi em về trời trong và gió mát/ con đường mòn thơm lá mục quê hương/ vườn cải ngồng dỗ ong bướm về sân/ anh nằm đó buổi trưa và tiếng nắng/ mặt đất mềm bàn chân em chợt nặng…” (Nguyễn Đình Toàn). Mùa tháng Chạp, ký ức những đứa con xa quê chợt chói chang bóng núi, bóng sông có Hòn Kẽm Đá Dừng. Ngóng mây trắng xứ người nhớ căn nhà mẹ cha ta dưới màu mây đó. Nhớ nối nhớ, nhớ những đêm hát bội ngoài đình, vai Lưu Khánh hát nam “mẹ nương cửa nhọc lòng triêu mộ/ con trông mây nghĩ phận thần hôn” trong tuồng hát Ngũ Hổ bình Liêu. Nhớ chuyện đi đò dọc, đò Trung Phước xuôi về Vĩnh Điện, Hội An rộn ràng bao tiếng nói tiếng cười “trồng trầu thả lộn dây tiêu/ con đi đò dọc mẹ liều con hư”… Nhớ một đôi câu thơ của bạn tự miền Tây của đất phương Nam tiễn một đồng hương về quê ăn tết “người về ta đứng trông theo/ vói tay như đứa trẻ nghèo mất quê” (Lê Đình Bích). Câu chữ làm mắt ta nhòe dù ta đang ở “rất lâu quê nhà” (Bùi Giáng). Làm răng mà mất quê cho được khi ta có sông Thu Bồn, có Câu Lâu, Cửa Đại, có hát bội, bài chòi và từng có một nỗi niềm quê xứ dằng dặc ngóng trông
Rồi sẽ bay đi hết những cơn mưa thúi đất, rồi sẽ hết những cơn lụt nhọc nhằn và ngày rồi sẽ nắng lên. Rồi sẽ bình yên bên tiếng hát của niềm hy vọng “dù qua bao đắng cay, vẫn thiết tha yêu cuộc đời này…” (Hồ Xuân Hương - Chở nắng). Tại sao không cảm biết hạnh phúc lúc này, ngay lúc này bởi ta còn ký ức, còn tin yêu vào một tấm tình nhân hậu trong đời để ta thốt lên: lại một mùa ngóng đợi…

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa ngóng đợi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO