(VHQN) - Tôi thường gọi khoảng thời gian tầm một tháng trước tết là mùa ngọt lịm. Ngọt từ con nắng ngoài vườn, ngọt vào chén trà thơm ngoại pha mỗi sáng. Chiếc sân mẹ đang phơi lên đủ thứ mền mùng cũng thoảng ngọt hương hoa, mẻ mứt vỏ cam vừa sên xong nơi liếp cửa lại càng óng lên mùi ngọt khiến sớm mai ra mấy chú ong cứ vỗ cánh rù rì…
Sau những ngày mưa dầm, trời bắt đầu hửng nắng. Những con nắng phủ từ trên cao xuống thấp như buông bức màn màu vàng nhạt. Mọi người, mọi vật như bừng tỉnh. Có lẽ đến giữa trưa hoặc qua đầu giờ chiều, khi hơi ẩm rút hết, không gian sẽ hoàn toàn tạnh ráo, trong veo.
Mẹ sẽ tất bật lục tìm trong nhà cửa. Những đồ đạc gì không còn dùng được, hoặc ít dùng, mẹ sẽ xếp gọn ra nhà kho phía đầu hè. Bà lúc này cũng phụ một tay để giặt giũ, cọ rửa, gom mấy chiếc bình gốm, lọ thủy tinh, bộ ấm chén ra xếp thành tầng lớp trên sân phơi.
Khoảng sân ngày thường rộng rinh bây giờ bỗng trở nên bộn bề và rực rỡ. Nào chai lọ, áo quần trẻ con người già, nào chăn mền, giày dép, rồi ở góc sân được nắng nhất, mẹ còn ghé vào rổ cà rốt, su hào, củ kiệu. Cũng chẳng mấy chốc nữa là đến Tết, những bữa cơm tết chuẩn vị nhất là khi trên bàn bày thêm chén dưa món giòn rụm để nhâm nhi.
Độ này cũng đã xong mùa làm đất gieo hạt, khắp khu vườn được chia bàn cờ bừng lên màu lộc biếc. Ô lớn trồng hoa, rau khoai, rau dền, tần ô, xà lách, ô nhỏ trồng lần lượt các loài rau mùi như ngò rí, tía tô, bạc hà, nén…
Đều là những loài dễ trồng, hợp thời vụ cuối đông đầu xuân nên chỉ cần thêm chút nắng chút gió, sắc xanh trên từng búp non sẽ càng đẫy đà, mướt mát. Đến nỗi, không cần trực tiếp đứng bếp, chủ nhân khu vườn cũng đã hình dung ra đủ món ngon ngọt được chế biến.
Là món canh tần ô nấu với tép sông. Bắc nồi lên bếp, đợi nước sôi mẹ thả tép, rau vào. Từng con tép sông mình mẩy trong veo, chìa ra sợi râu tơ mỏng mảnh dần chuyển sang màu hồng nhạt rồi nhanh chóng hòa lẫn, bồng bềnh trôi vào đám rau biếc xanh. Khi nước sôi nhào trở lại, mẹ tắt bếp, nêm thêm chút muối, cắt thêm tí lá nén, cả gian bếp thoảng lên mùi thơm gọi mời.
Mùa này, mớ rau sống ăn sẽ mát, ngọt miệng nhất. Vì ngọt nước, ngậm sương đêm lâu thật lâu nên vị hăng hắc, đăng đắng, cay cay của các loại rau mùi cũng đã giảm đi rất nhiều. Cuộn tròn những xanh non vào đầu đũa, chấm nhẹ vào bát nước mắm tỏi ớt cay cay, tôi cứ hít hà, ăn hoài ăn mãi món rau sống thập cẩm mà bỏ qua những dĩa thịt cá đang bày ê hề trên bàn.
Mùa ngọt lịm nhờ màu của lộc non, của nắng biếc, của những mùi thơm tỏa ra từ gian bếp ngày hai buổi tỏa khói bồng bềnh. Và, cũng lí lắc như những sợi hương, sợi khói ấy, bóng dáng phụ nữ trong những ngày này cứ tất bật, hồ hởi, lượn ra lượn vào như đang trôi đi.
Hết ra sân thì vào bếp, hết vào bếp lại xắm xởi ra vườn, mẹ tôi, bà tôi chẳng lúc nào ngơi tay. Trước đó, mẹ đã nấu sẵn nồi nước mắm ngon, chia thành từng lọ đặt lên kệ.
Sớm nay, mớ củ kiệu, hành tím, đu đủ, cà rốt vừa được hong giòn, mẹ cho vào, đậy nắp, chần thêm một lớp bì bóng thật kỹ. Từ sân nhìn vào, trong không gian màu xám xanh vương mùi bồ hóng, từng hũ thủy tinh bật lên tông màu tím nâu, đỏ ấm, như muốn gọi Tết về.
Mùa ngọt lịm là những ngày thiên nhiên hữu ý, phát đi thật nhiều tín hiệu. Lòng người cần gạt bỏ muộn phiền, trở nên tĩnh tại để nhận ra tín hiệu ấy mà cộng hưởng, nương theo nhiều hơn. Như bà, như mẹ tôi, khi nắng mai lên, khi chiều về thơm hương khói, họ như thoi không dừng lại những chắt chiu, nồng ấm, dâng thêm thơm ngọt níu gần lại những sum vầy.