Nhiều nông dân huyện Thăng Bình rất bức xúc vì mua phải giống lúa lai TN15 kém chất lượng.
Vụ hè thu năm nay huyện Thăng Bình gieo sạ khoảng 7.200ha lúa, trong đó cơ cấu lúa lai chiếm gần 40% diện tích. Đến thời điểm này, nông dân đã cơ bản gieo sạ xong. Ông Nguyễn Ngọc Nghỉ (tổ 3, xã Bình Nguyên, Thăng Bình) gieo sạ 6 sào lúa, sử dụng giống TN15 nhưng khi ngâm ủ giống tỷ lệ nẩy mầm rất thấp. Ông cho biết: “Nông dân chúng tôi đầu tắt mặt tối, đến mùa vụ lo làm đất, mua giống, phân bón để sản xuất. Các loại giống chúng tôi đều đăng ký qua Ban Nông nghiệp xã để mua. Nhưng vụ hè thu năm nay, lúa giống chất lượng quá kém”. Theo nhiều nông dân, trước khi gieo sạ họ đã thực hiện các bước ngâm ủ giống lúa đúng như chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật và hướng dẫn in trên bao bì nhưng tỷ lệ nẩy mầm rất thấp, dưới 50%. Đối với số lượng giống đã nẩy mầm thì mầm lúa cũng rất yếu nên không thể gieo sạ được. Ông Nghỉ cho biết thêm: “Giống lúa TN15 được bán với giá 62 nghìn đồng/kg mà giống không mọc được, bây giờ chúng tôi lại phải bỏ công làm đất, bỏ tiền mua lại giống nhưng cũng không hy vọng lúa cho năng suất cao bởi thời vụ quá muộn, khi gieo lúa xuống sẽ bị nhiều loại sâu bệnh gây hại. Các ngành, các cấp cần có sự giám sát các loại giống cung ứng trên thị trường để nhân dân yên tâm sản xuất, chứ để tình trạng giống kém chất lượng trôi nổi thế này thì khổ cho nông dân lắm”.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm - Phó ban Nông nghiệp xã Bình Nguyên cho biết, để chủ động nguồn giống gieo sạ vụ hè thu năm nay, UBND xã ký kết hợp đồng với Trạm Khuyến nông huyện Thăng Bình cung ứng gần 7 tấn lúa giống, trong đó có gần 3 tấn lúa lai TN15, còn lại là các giống lúa thuần để cung ứng cho nông dân gieo sạ. Tuy nhiên, đến nay theo điều tra của địa phương đã có hơn 3 tạ lúa giống TN15 bán cho nông dân có tỷ lệ nẩy mầm rất thấp, nông dân phải mua lại các giống lúa khác để gieo sạ cho kịp thời vụ.
Không chỉ ở xã Bình Nguyên mà nhiều địa phương khác ở huyện Thăng Bình như Bình Quý, Bình Chánh, Bình Tú… cũng rơi vào tình trạng mua phải giống kém chất lượng, nhưng do các hộ dân mua đơn lẻ, không ký hợp đồng nên phải tự chịu trách nhiệm. Trước thực trạng này, người dân đang mong chờ các cơ quan chức năng của huyện tổ chức điều tra, nắm tình hình cụ thể, chính xác để có biện pháp xử lý những trường hợp cung ứng giống kém chất lượng. Ông Võ Duy Anh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình cho biết: “Trạm sẽ báo cáo với UBND huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Nam mời đơn vị cung ứng giống lúa làm việc để khắc phục hậu quả do chất lượng giống không tốt, làm ảnh hưởng đến sản xuất và năng suất lúa của bà con”.
MINH TÂN