Mùa ốc chân nơm

Hoàng Tân - Lê Quân 29/01/2013 08:26

Giữa mênh mông sông nước, bóng dáng nhỏ bé liêu xiêu của những người phụ nữ dọc sông Trường Giang như những bóng cò ngụp lặn. Họ lọ mọ bên những gốc bần, ghềnh đá bắt ốc với mong ước có thêm thu nhập để sắm bánh mứt chuẩn bị đón tết.

Mưu sinh ở cồn bãi

Nước rút để lại những khoảnh đất nứt nẻ. Những con ốc thân dài, đuôi nhọn nối nhau ngoi lên bờ làm cả một bãi sông rộng ở khu vực xã Tam Giang (Núi Thành) đông nghịt người đến bắt. Mùa này, thu nhập từ nghề bắt ốc trở thành thu nhập chính của nhiều gia đình không làm nghề mực khơi.

Thu nhập ổn định của nhiều gia đình ở biển từ nghề bấm đuôi ốc. Ảnh: H.T
Thu nhập ổn định của nhiều gia đình ở biển từ nghề bấm đuôi ốc. Ảnh: H.T

Dậy từ 4 giờ sáng, chị Phạm Thị My (thôn 3, xã Tam Giang) lội dọc mép sông ở cảng cá Tam Giang. Cả buổi sáng, chị “thu hoạch” được hơn 5 ký ốc, mỗi ký bán 7 nghìn đồng. “Mùa này chỉ có thu nhập từ ốc mới có tiền mua cho con bộ đồ mới, sắm thêm đôi chiếu, ký hạt dưa cho cái tết thêm rộn rã...  Nghề bắt ốc không khó, nhưng cũng nhiều nhọc nhằn. Phải đi theo con nước lên xuống, có lúc đi từ đêm, có khi trời trưa trắng...” - chị My chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Thoa, người cùng thôn với chị My cũng lọ mọ xách giỏ ốc vào bờ. Hơn 30 năm bám sông với nhiều nghề từ bắt ốc đến đào trùn, lượm rau câu, bà xem con sông này như cánh đồng màu mỡ phải bu bám quanh năm làm kế sinh nhai. Bà nói: “Lòng sông đã cho bác chén cơm từ việc mò cua bắt ốc. Nhất là mùa ni, con ốc cho thêm thu nhập để có tiền sắm sửa cái tết được chu đáo, đón con cháu về sum họp”. Ở đây, khoảng hơn 30 hộ bám sông với nhiều nghề để sống. Riêng bà Thoa, nhờ bám sông mà bà có điều kiện cho hai con ở giảng đường đại học.

Những lần nước rút bày lên các cồn bãi là lúc nhiều phụ nữ ở xã Tam Hải (Núi Thành) lại đổ về sông để bắt ốc. Ở Tam Hải không có ruộng nên sông thay ruộng nuôi sống nhiều gia đình. Ốc ở đây nhiều vô kể, nhất là ở bến bồi, ốc chân nơm nằm la liệt trên bãi đất. Ai siêng năng với nghề cũng có thể đắp đổi qua ngày. Cái nghề bắt ốc không mấy khó khăn nhưng đòi hỏi phải cần cù, siêng năng. Hơn 20 năm làm nghề bắt ốc để nuôi sống gia đình, chị Lê Thị Lan (thôn 4, Tam Hải) tâm sự, nghề bắt ốc không khó mấy, chỉ vất vả là khi phải đi theo con nước. Có tháng con nước rút vào ban đêm, phải chong đèn đi tìm. Ở đây đàn ông đi biển, đàn bà không làm nghề này thì biết làm gì để kiếm thêm tiền. “Mỗi tháng, nghề ốc chỉ làm được 15 ngày. Người bắt ốc mắt lúc nào cũng liếc ngang, liếc dọc. Hai chân thì tím tái vì phải dầm bùn đen. Cả người cứ khụp xuống như con tôm càng... Mà nghề ốc cũng sướng, chẳng nghĩ ngợi. Không lo vốn liếng. Ốc là lộc trời. Ai siêng năng thì bắt được nhiều. Ngày vài chục ngàn là đủ chi tiêu ăn uống cho gia đình ở quê...” - chị Lan cho biết.

Ốc “xuất ngoại”

Mấy năm trở lại đây, phụ nữ ở thôn Đông Xuân (xã Tam Giang) liên kết với công ty ở TP. Hồ Chí Minh mở cơ sở thu mua ốc. Cơ sở ra đời không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông nhàn ở địa phương mà người bắt ốc cũng có đầu mối thu mua ổn định. Cơ sở chỉ hoạt động vào những ngày nước cạn hằng tháng. Nhà xưởng và bến bãi dù chỉ rộng hơn 500m2 nhưng mỗi ngày cơ sở thu mua từ 15 - 20 tấn ốc chân nơm. Sau đó, ốc được nấu, bấm bỏ phần đuôi, rửa sạch, bỏ đông rồi đóng gói vận chuyển vào Sài Gòn, sau đó xuất khẩu sang Hàn Quốc. Chị Huỳnh Thị Thanh Tùng, chủ cơ sở thu mua ốc cho biết: “Hàng ngày cơ sở thu hút khoảng 100 lao động tại địa phương. Trong đó, có khoảng 20 lao động chính được trả lương theo giờ. Tùy vào công việc cụ thể, với mức thu nhập từ 8 - 14 nghìn đồng/giờ. Số lao động còn lại, họ nhận ốc về nhà để bấm bỏ phần đuôi ốc, mỗi ký được trả 18 nghìn đồng. Trung bình khoảng 4 tiếng đồng hồ, mỗi lao động bấm được khoảng 50 nghìn đồng tiền công. Đây là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân lao động nông nhàn ở vùng biển”.

Từ khi cơ sở đi vào hoạt động, tình trạng phụ nữ rời quê đi làm ăn xa giảm đáng kể. Chị Tùng chia sẻ, ban đầu ít người mặn mà với việc bấm đuôi ốc vì cho rằng thu nhập ít. Nhưng dần dà, số lao động nhận việc làm quen tay, thu nhập ổn định và việc làm khá nhẹ nhàng nên nhiều phụ nữ, có cả người lớn tuổi cũng đến nhận ốc về nhà làm. Bây giờ không chỉ có công nhân đang làm việc cho cơ sở mà còn có nhiều lao động đi bắt ốc chân nơm về bán cho cơ sở, có thêm thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình.

Hiện nay, đầu ra của ốc khá ổn định, nguồn cung luôn thấp hơn cầu. Theo chị Tùng, cơ sở sẽ tiếp tục thu mua với số lượng nhiều hơn nữa nhằm mong muốn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở vùng nông thôn. Chị Nguyễn Thị Nương (thôn Đông Xuân) cho biết: “Ngoài công việc đồng áng và bán rau ở chợ, tranh thủ những lúc rảnh tôi đi nhận ốc về nhà làm, trung bình mỗi ngày cũng kiếm thêm được 50 nghìn đồng. Công việc thì dễ dàng, nam nữ, già trẻ gì cũng làm được”.

Ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, từ khi có cơ sở thu mua ốc người dân địa phương có thêm điều kiện để tăng thu nhập. Công việc bắt ốc khá nhẹ nhàng, phù hợp với người dân nông thôn. Chị em phụ nữ và các thành viên khác trong gia đình có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để bắt ốc hoặc đi nhận ốc về nhà làm. Hiện trên địa bàn xã còn có một số cơ sở khác như cơ sở mây tre đan, thu hút khoảng gần 30 lao động đến làm việc... Các cơ sở đã tạo thêm việc làm cho bà con nông dân. Hằng năm, UBND xã thường đến động viên, khuyến khích các cơ sở mở rộng diện tích, tăng việc làm cho người dân nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Hoàng Tân - Lê Quân

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa ốc chân nơm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO