(QNO) - Những ngày đầu tháng Giêng cũng là lúc mùa ốc gạo bắt đầu và sẽ kéo dài đến khoảng đầu tháng tư âm lịch. Các chợ, các gánh hàng ven đường đã thấy xuất hiện những hàng ốc gạo thơm phức, chỉ nhìn thôi đã thấy mặn cay nơi đầu lưỡi.
Nếu ai không đủ kiên nhẫn ngồi hàng giờ với con ốc bé xinh, không thể thả hồn cùng những câu chuyện gia đình, làng xóm quanh thau ốc gạo… thì chắc hẳn sẽ không thể thưởng thức món ngon này một cách trọn vẹn. Có lẽ cũng vì thế, mà ốc gạo là món ăn thường thấy ở một số tỉnh ven biển miền Trung, nơi con người đã bao đời kham khổ, chịu thương, chịu khó, nhẫn nại với nắng gió và chất phát, hồn hậu.
Theo kinh nghiệm nấu ốc của các mẹ, để có món ốc gạo thật thơm ngon thì phải rành chọn ốc và chế biến. Sau khi ngư dân cào ốc về, ốc sẽ được rửa đi rửa lại nhiều lần và ngâm trong nước biển, nếu đầu mùa ốc sẽ được ngâm 4 tiếng đồng hồ, cứ 2 tiếng thay nước 1 lần; nếu vào vụ thì ngâm 6 tiếng, cứ 3 tiếng thay nước 1 lần cho ốc nhả sạch đất cát. Ngâm xong thì nấu sôi nước rồi cho ốc vào luộc tầm 5 phút đem lể thử, nếu ốc lể ra cả phần cuối ruột màu đen thì ốc đã chín.
Việc chế biến ốc gạo không đơn giản, từ khâu ngâm ốc, luộc ốc đều phải có thời gian rõ ràng, nếu không ốc sẽ bị chết trước khi luộc hoặc ốc sẽ không còn vị ngọt đúng chất của nó. Và chỉ cần một vài gia vị như muối ớt bột, mì chính, mắm gừng, sả… là đã có một món ốc gạo thơm lừng cánh mũi. Nhưng để thưởng thức cho đúng “chất” thì phải dùng gai bưởi, gai chanh để lể từng con ốc, đặt từng con vào đầu lưỡi, tận hưởng cái hương vị đặc trưng của biển gồm ốc, muối, mắm, rồi nuốt chửng con ốc vào đáy lưỡi để cái hương đậm bùi, cay nồng tan đều trong miệng.
Lể ốc phải... có bạn, vừa lể, vừa trò chuyện và không bận tâm đến thời gian… để cuộc sống trôi qua xung quanh mới đúng vị của người ăn ốc gạo. Con ốc nhỏ là thế, nhưng có người thuần thục có thể lể thoăn thoắt trên tay. Và không có cách thưởng thức nào khác là phải lể từng con một, nên ốc gạo còn có nơi gọi là ốc lể hay ốc ruốc.
Có hai nguồn ốc lể, là từ các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và ốc gạo của Quảng Nam - được khai thác chủ yếu ở biển Cửa Đại, Hội An. Nhưng ốc gạo Hội An thường to hơn, vị béo và ngon hơn, nên giá mua thường cao hơn so với các loại ốc gạo khác. Một số tỉnh khác cũng có một loại ốc được gọi là “ốc gạo” nhưng nó hoàn toàn không phải là loại ốc gạo của miền Trung hiện nay.
Có gia đình gần như ngày nào cũng ăn ốc lể, với 4 - 5 người, một ngày có thể ăn từ 4 - 5 lon ốc. Càng ăn thì càng bị cuốn hút một cách mê mẩn, để rồi không thể bỏ sót một con ốc nào. Người bán lẻ ở chợ có thể bán mỗi ngày 30 đến 50kg ốc, mỗi tháng 1,5 tấn ốc, lãi cũng gần cả chục triệu đồng.
Ốc gạo mỗi năm chỉ có một mùa trong vòng chừng 3 tháng, nên những người bán ốc gạo cũng phải có những công việc khác để lao động. Thế nhưng cứ đến mùa ốc gạo họ lại vẫn theo nghề, không đơn thuần chỉ vì thu nhập khá, mà chính những người chế biến và bán ốc lể cũng thấy vui với cái đặc sản của quê hương. Người ăn ốc lể không chỉ là những người già, người có thời gian nhàn rỗi, mà ngay cả người bận rộn, thanh niên, trẻ con… đời này qua đời khác cũng không sao kìm lòng được trước mỗi mùa ốc gạo về. Người đi xa thì nhớ, mỗi một người con xứ Quảng xa quê, khi về lại quê nhà, được ngồi lể ốc, càng thấy được cái mùi hương xứ sở như níu giữ hồn người.