Ở vùng trung du Tiên Phước, gần như nhà nào cũng trồng mít lâu năm. Vào mùa mít chín hàng loạt, ăn không hết, giá bán lại rẻ nên họ đem phơi khô để bảo quản ăn dần.
Bà Trần Thị Loan (xã Tiên Hiệp) trồng trong vườn gần 50 cây mít ướt và mít ráo. Mỗi năm cây nhiều cho vài chục quả, cây ít vài quả. Mùa hè, mít chín rộ có vị ngọt thơm, quả nhỏ bán từ 10.000 - 20.000 đồng, quả lớn 40.000 - 50.000 đồng nhưng ít người mua nên bà đem phơi khô.
Mít chín được bà hái xuống, bổ ra lấy múi, bỏ hột. Từng múi mít được bày đều trên nong, nia đưa ra giữa sân phơi khô. Sau ba nắng lớn, mít khô được bà cho vào túi ni lông hoặc bình nhựa, hũ thủy tinh để bảo quản. “Mỗi vụ mít chín, tôi làm được 10kg mít khô và cất giữ để ăn dần. Mít khô là món ăn truyền thống của người dân nơi đây” - bà nói.
Tương tự, bà Võ Thị Liên (xã Tiên Lãnh) trồng hơn 20 cây mít trong vườn, vào mùa mít chín rộ cũng bổ ra phơi khô. Bà cho biết, ở địa phương nhà nào cũng trồng mít trong vườn. Vào mùa quả chín đồng loạt nên ăn không hết, bán thì giá rẻ.
“Từ nhiều đời nay người dân xẻ ra lấy múi phơi khô. Mít khô phơi nắng vẫn giữ được độ mềm, khi cắn vào không khô cứng mà dẻo thơm, có vị ngọt thanh. Mít khô để được quanh năm mà không hư hỏng, làm món ăn rất ngon trong những ngày mưa gió” - bà nói.