Từ Sài Gòn, bạn nhắn, chỉ còn chưa tới tháng nữa là đến Noel, mọi năm thành phố trang trí rộn ràng, không khí Giáng sinh ngập khắp nẻo đường. Nay những con đường ở trung tâm quận 1 cũng đã qua thời hoàng kim, nhiều người trả mặt bằng kinh doanh. Vắng.
Mà có đâu xa, phố thị nơi tôi ở tuy không nhộn nhịp bán buôn như những thành phố lớn, nhưng tuyến đường chính như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, trung tâm thương mại như siêu thị Co.opMart Tam Kỳ... các mặt bằng luôn được lấp đầy.
Thế nhưng thời gian này, nhiều nơi treo bảng cho thuê mặt bằng. Nhiều cửa hàng trong kinh doanh trong siêu thị cũng vắng dần. Câu chuyện vắng kẻ bán người mua cũng lan ra chợ. Tôi hay đi chợ nhỏ sau siêu thị; tiểu thương chủ yếu bán cho khách quen.
Thế nhưng họ vẫn không giấu nổi chút thở dài trong cuộc mưu sinh. Hàng cá của chị Sỹ thường buôn may bán đắt vì cá tươi rói chị chọn từ cảng Kỳ Hà chở ra, ai chậm chân đi chợ trưa coi như về tay không. Vậy mà thời gian gần đây có khi trưa trật nhưng hàng bán không hết. Nhiều chị trong chợ cũng chia sẻ, trước đây buôn bán dễ dàng thì nay bắt đầu thấy khó. Chợ chưa vãn nhưng cũng ít người mua.
Trời đã bắt đầu sang đông, ngồi bên ly cà phê, lại nghe tin chủ một doanh nghiệp thi công điện - vốn là hàng xóm ở quê - có thể bị phá sản vì không có công trình, dẫn đến ách tắc trong việc trả nợ ngân hàng... Nhà chú ấy ở trên một con đường lớn của thành phố, trước nhà có giàn hoa giấy rực rỡ mà ai đi ngang cũng phải ngước nhìn. Khó khăn đã bắt đầu gõ cửa, từ trong ngôi nhà nhỏ đến công ty to, từ những nơi hào nhoáng đến sạp hàng trong chợ...
Tôi chợt nhớ đến cuộc mưu sinh của mẹ từ mấy chục năm trước. Mọi thứ cũng không hề dễ dàng. Muốn đưa rau củ ra chợ phải oằn lưng gồng gánh cả quãng đường mấy cây số. Mà để làm ra được trái bầu, trái bí cực chẳng biết để đâu cho hết. Rồi cũng phải nuôi con ăn học, tận bốn đứa.
Mỗi lần thấy con về quê là mẹ xách nón đi bán lúa. Từ lúa mà chúng tôi lớn lên. Từ lúa mà chúng tôi đến được giảng đường nơi thành phố lạ. Ngẫm, những con đường nơi thành phố có phải là lối duy nhất dẫn đến ước mơ. Hay chính những chông chênh phố thị để bắt đầu định hình, sắp xếp lại cuộc đời, nhất là bộ phận dễ tổn thương trước sự thay đổi bất lợi của đời sống.
Tôi lại nhớ đến giai điệu của Đen Vâu trong “Bài này chill phết”: “Em dạo này ổn không? Còn đi làm ở công ty cũ?/ Còn đi sớm về hôm nhưng mà đồng lương vẫn không khi đủ?... /Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau/ Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau...”. Những mong, nếu ai đó có quê để về nuôi cá và trồng rau, thì ngại chi cho một cuộc về, nếu phố phường quá chật...