Lễ hội múa rối các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang diễn ra sôi nổi tại Thái Lan. Đoàn Việt Nam tham gia với vở rối cạn “Nhịp điệu quê hương”.
Một trong những hình ảnh múa rối của Việt Nam tại lễ hội ở Thái Lan. Ảnh: Nation |
Được tổ chức quy mô (kéo dài từ ngày 20.4 đến cuối tháng 4.2017) với sự tham gia của hơn 400 diễn viên trình diễn múa rối đến từ 8 quốc gia thành viên ASEAN. lễ hội là dịp để người xem tìm hiểu về một trong những nét đẹp nghệ thuật có từ lâu đời của khu vực, là cơ hội giao lưu nghệ thuật giữa các quốc gia thành viên. Bên cạnh các buổi biểu diễn là chương trình triển lãm với chủ đề “Nghệ thuật Thái Lan và múa rối đương đại của ASEAN”, cũng được tổ chức tại Nhà hát quốc gia Thái Lan. Lễ hội múa rối ASEAN được tổ chức hai năm một lần, thể hiện bản sắc văn hóa từng vùng, miền của mỗi nước. Đặc biệt, lễ hội năm nay diễn ra trong lúc ASEAN kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của hiệp hội, trong đó có ngôi nhà chung - Cộng đồng Văn hóa ASEAN đa dạng sắc màu, thu hút khách du lịch trong và ngoài khu vực.
Đoàn chủ nhà Thái Lan trình diễn một tiết mục múa rối rất đặc sắc - múa rối hoàng gia “hun luang”, thường chỉ dùng trong các sự kiện của Hoàng gia Thái. Một điểm nhấn khác là múa rối “hun krabok”, khắc họa câu chuyện trong bộ sách hoàng gia Mahajanakam, dựa theo tác phẩm văn học của nhà vua quá cố Bhumobol. Với loại hình nghệ thuật “hun krabok”, đầu con rối thường được làm bằng gỗ nhẹ, có đường kính khoảng 10 - 15cm. Việc chế tác và sơn cho đầu con rối rất được chú trọng vì đây sẽ là phần khán giả nhìn thấy rõ nhất. Đầu rối sẽ được gắn vào một ống tre rỗng để làm phần thân con rối và chúng sẽ được khoác lên một lớp áo bằng vải thêu tinh xảo.
Đại diện múa rối Việt Nam gây sự chú ý với sự trở lại của vở rối cạn “Nhịp điệu quê hương” của Nhà hát múa rối Việt Nam, từng đoạt giải chương trình đặc sắc nhất tại Liên hoan múa rối quốc tế diễn ra ở Bangkok - Thái Lan vào năm 2014. Chân dung nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam hay chủ đề quê hương được thể hiện sinh động qua các làn điệu dân gian cùng các con rối được làm bằng tre và mây. Quê hương của đạo diễn - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Tiến Dũng gắn liền với những nét mộc mạc, đơn sơ mà gần gũi. Qua bàn tay điêu luyện của các nghệ sĩ múa, những con rối trở nên sinh động, ngộ nghĩnh, đầy sức sống, tạo ra sự khác biệt và làm say mê khán giả ở mọi lứa tuổi.
Đến với lễ hội thú vị này, tác phẩm của đoàn múa rối Lào gửi đi thông điệp về ý thức và hành động bảo vệ môi trường hành tinh thông qua những con rối được làm từ các vật liệu tái chế như các loại hộp bằng thiếc, hay các nguyên liệu mộc mạc có sẵn trong cuộc sống hằng ngày như tre, lá dừa khô. Điểm nhấn của các chú rối Lào là hình ảnh quốc hoa tao nhã của đất nước này - hoa đại (chămpa) được gắn lên rối. Trong khi đó, các tác phẩm múa rối đến từ Philippines tái dựng các câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Còn múa rối Campuchia nổi bật với hình tượng các bức phù điêu tinh tế và sống động bao quanh đền thờ Angkor Wat nổi tiếng. Vở rối xoay quanh câu chuyện dân gian vui nhộn bao gồm những câu chuyện tình. Các màn múa rối truyền thống Myanmar mang đến sắc màu rất riêng kết hợp với giai điệu, âm nhạc, lời thoại, điệu múa cổ truyền và hình ảnh núi rừng Himalaya kỳ vĩ…
NAM VIỆT