“Ruốc về rồi… bà con ơi!”. Ai đó vừa ì ạch gánh hai rổ ruốc vun có ngọn từ bãi vào vừa la lên như thế. Cả làng biển chợt rộn rạo cả lên. Người làng biển chợt như bừng thức dậy cười nói xôn xao đón nhận mùa lộc biển về sớm hơn các năm.
Kẻ khiêng lưới người gánh bưng thúng mủng rổ rá, già trẻ lớn bé đều ùa ra bãi biển. Những vạt, quầng ruốc sáng lấp lánh bồng bềnh trôi bên ngoài những con sóng bạc đầu đang mời gọi, hấp dẫn. Có người để nguyên cả quần áo vội vàng vịn vào tay lưới lội băng xuống nước. Có vợ chồng chị hàng xóm mang cả cái mùng cước đang mắc ngủ ra, rồi chồng một bên, vợ một bên, dang tay, ưỡn ngực mà kéo, cũng la hét, cũng mặt mày rạng rỡ như những ngư phủ làm nghề thực thụ. Có đám trẻ con tung tăng, xăng xái chạy hết đụn ruốc này đến đống ruốc kia xin mót những con cá còn giãy đành đạch lẫn lộn trong ruốc; chúng bắt được cá như bắt được vàng, tí tửng nhảy cẫng lên vui mừng.
Những tấm bạt trải ra trên bãi cát nhanh chóng đầy vun những “núi” ruốc đỏ au, tươi rói. Những đụn ruột lưới căng ứ ruốc cứ tuôn ra làm cho ngọn núi ấy càng lúc càng cao ngất. Dăm ba bếp lửa lác đác đã nhóm lên, rồi chẳng mấy chốc cả bãi biển dài hàng cây số đã lan tỏa, rộ đều, đóm đóm nhảy múa, đóm đóm hồng vàng ấm áp. Người ta bắc lên ba ông táo tạm bợ đó những xoong nước to. Làng biển mấy trăm hộ mà dấu chân nhanh chóng ngược xuôi chồng đống lên nhau của người gánh ruốc đã tẹt cát lún sâu tạo nên hàng chục, hàng mấy chục vệt mòn sậm đen nối làng với bãi giữa mênh mông cát mờ mờ nhập nhoạng. Và cả tiếng cười nói vui vẻ, tiếng í ới gọi nhau cũng tạo thành một vệt âm thanh râm ran, dòng âm thanh trúng mùa, âm thanh no ấm, hạnh phúc của dân dã, rộ vang, liên tục, ngân ngân từ bãi vào đến tận những mái nhà lúp xúp, những rặng dừa đong đưa.
“Lu khạp óc nhóc hết rồi! Ruốc đầy cửa đầy nhà rồi!”. Ai đó chụm tay trên miệng, gân cổ mà gào to hân hoan như thế. Vài người dừng tay kéo, nghiêng nghiêng đầu lắng nghe, rồi, thu vén lưới, khệ nệ khiêng cái đụn ruốc ròng ròng nước đang kéo dở dang vào bỏ đánh ạch xuống tấm bạt. Mấy thân người ướt nhèm cứ nguyên vậy mà bật ngửa ra trên cát, ngực phập phồng thở dốc mà miệng cứ gắn mãi nụ cười mãn nguyện. Vợ chồng anh chị lưới mùng cũng được một ụn ruốc lớn, thay nhau vốc vốc, ngắm ngắm, hít hít, cả hai đều giống nhau cái kiểu cười tít mắt, chẳng còn thấy trời mây non nước…
Trong khi chờ vợi ruốc vào làng, người ta bắt đầu tụ lại quây quanh những bếp lửa đang bùng bùng trước gió biển, những nồi nước to đã sôi ùng ục. Mấy chị, mấy má trụng nhanh ruốc vào xoong nước rồi trải lớp lớp ra lá chuối. Những cuốn bánh tráng ắp ứ thứ ruốc tươi thơm nức, mặn mòi không cần nước chấm ấy làm cho câu chuyện về lộc biển cứ râm ran suốt đêm. Ngán ruốc thì tới cá. Cá bạc má bằng bắp tay moi từ “núi” ruốc lần lượt được bỏ vào xoong nước sôi thơm lừng mùi biển, con nào con nấy đều chứa hai lưng nạc ngọt lừ, béo nhẫy. Lột nhanh lớp vảy ngoài, bóc hai lưng nạc ấy đặt nhanh vào bánh tráng, thêm ít cọng rau, bẻ hai đầu bánh cho gọn, cuộn phăng một đường trên tay, vậy là ta có ngay một món ăn trứ danh miệt biển. Một ngư phủ ngực đá tảng, một chị gánh cá dáng người luôn nhủ̃i về trước ấy có thể “đánh” liền hơi cả chục con cá tươi như thế mà không cần tới ngụm “rượu đưa”…
Và đêm sau, ruốc lại về, cả làng lại nhoài người ra kéo, gánh, lại ăn uống, nói cười râm ran. Ruốc ủ, giã, quện thành mắm ruốc, loại mắm hảo hạng, chỉ cần trong nhà ai đó đang dọn ăn, người đi ngoài đường đã nghe mùi, đã nuốt nước miếng. Ruốc phơi, xáo đến nhẹ bông dưới cái nắng bãi biển là thứ ruốc khô đúng nghĩa “lộc biển”, chỉ cần một nhúm tay thôi thì cả nồi canh bầu, canh bí đã ngọt lừ mà không cần nêm nếm gì thêm.
Mùa ruốc. Lu khạp ứ ruốc xếp đầy cửa sau cổng trước. Mùa ruốc. Mùi thơm biển cả dậy lên khắp làng trên xóm dưới. Mùa ruốc. Tiếng cười nói râm ran. Tiếng bước chân rộn ràng. Mùa ruốc thực sự là mùa hội của dân làng biển, mà ai đó khi đã xa quê, mỗi khi nghe con gió bấc trở ngọn, lòng không khỏi nhớ đến cồn cào nơi chôn nhau cắt rốn, nơi lưu giữ tuổi ấu thơ, nơi con ruốc con tôm cũng tạo được niềm vui bất tận.
NGUYỄN HIỆP