(QNO) - Tháng Giêng, thời tiết khô hanh, biển hiền hòa là điều kiện thuận lợi để ngư dân xã Duy Hải (Duy Xuyên) bám biển bắt ruốc.
|
Người dân dùng thuyền công suất nhỏ và ghe máy đi bắt ruốc. Ảnh: THANH THẮNG |
Trời vừa sáng, hàng chục ngư dân vội vã mang đồ nghề tiến về phía biển. Cách bờ chừng 300m, ông Nguyễn Văn Dũng (42 tuổi, thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải) bắt đầu thả lưới bắt ruốc. Chưa đầy 2 giờ đồng hồ, ông Dũng bắt được hơn 100kg ruốc rồi gửi cho một ngư dân khác chèo thúng đưa vào bờ.
Theo lời ông Dũng, nghề bắt ruốc bắt đầu từ tháng 9 năm này kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch năm sau. Từ sau tết 2019 đến nay, mỗi ngày ông kiếm được 2 - 3 triệu đồng, ngày ít cũng hơn 500 nghìn đồng.
“Tôi làm nghề đi biển nhiều năm, mấy tháng nay ở nhà đi đánh ruốc. Nghề đánh ruốc tuy phải lênh đênh trên biển cả ngày nhưng được cái gần bờ, tối về nhà cùng gia đình. Hết mùa ruốc tôi lại vươn khơi” - ông Dũng tâm sự.
|
Thúng chai chở ruốc vào bờ. Ảnh: THANH THẮNG |
Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, năm nay ruốc được mùa nhất trong 5 năm trở lại đây. Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ hành nghề đánh ruốc với 30 phương tiện thuyền dưới 90CV và ghe máy đánh ruốc gần bờ.
“Trúng mùa ruốc góp phần giải quyết lao động ở địa phương, giúp bà con có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống” - ông Thống nói.
|
Người dân phấn khởi vì trúng mùa ruốc. Ảnh: THANH THẮNG |
|
Ngư dân tranh thủ đi đánh ruốc đầu năm. Ảnh: THANH THẮNG |
|
Vận chuyển ruốc về nhà. Ảnh: THANH THẮNG |
|
Đầy ắp những khay ruốc. Ảnh: THANH THẮNG |
|
Ruốc được phơi trên tấm lưới để đảm bảo vệ sinh. Ảnh: THANH THẮNG |
|
Dùng rổ để sàng ruốc rơi đều khi phơi. Ảnh: THANH THẮNG |
|
Nếu nắng tốt, chỉ sau 3 giờ đồng hồ ruốc sẽ khô. Trung bình 4kg ruốc tươi khi phơi khô sẽ còn 1kg, thương lái đến tận nơi thu mua với giá 100 nghìn đồng/kg ruốc khô và 20 nghìn đồng/kg ruốc tươi. Ảnh: THANH THẮNG |
THANH THẮNG