(QNO) - Chiều nay 29.4, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan đến việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động với kinh phí 7,23 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thông tin, đây là cuộc họp bình thường của UBND tỉnh. Tuy nhiên xét thấy dư luận đang rất quan tâm về việc mua sắm máy xét nghiệm, trên tinh thần thẳng thắn, minh bạch, UBND tỉnh đã mời nhiều cơ quan báo chí dự để thông tin.
Do số lượng phóng viên đăng ký làm việc quá đông, điều kiện phòng họp chật nên đã bố trí hội trường số 2 để báo chí có thể theo dõi trực tiếp qua màn hình, quan sát và nắm mọi thông tin cuộc họp.
“Đây là phiên họp đầu tiên UBND tỉnh nghe báo cáo về vụ việc này, có sự theo dõi của cơ quan thông tấn báo chí trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn, tạo điều kiện để báo chí tiếp cận thông tin nhanh, trực tiếp và kịp thời. Sở Y tế và Sở Tài chính sẽ có báo cáo chính thức về vụ việc. Cuộc họp có đầy đủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư và các cơ quan liên quan.
Việc chia ra hai phòng họp là do số lượng phóng viên báo chí muốn dự thông tin quá đông, UBND tỉnh đã dành phòng họp rộng nhất, theo dõi qua hệ thống trực tuyến toàn bộ nội dung cuộc họp. Dư luận đang quan tâm nhiều nhất là việc mua máy có tiêu cực không, mức giá đưa ra để ký hợp đồng (7,23 tỷ đồng) có cao so với mức giá các địa phương? UBND tỉnh cũng mời đơn vị cung cấp máy để tham dự, với trách nhiệm là đơn vị cung cấp máy, đề nghị trả lời về giá công ty bán cho Sở Y tế cao hơn một số địa phương khác, có tiêu cực, cấu kết để nâng giá hay không?” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đặt vấn đề.
Chưa nghiệm thu, thanh lý
Báo cáo về việc mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế thông tin, theo tình hình diễn biến dịch, UBND tỉnh có chỉ đạo cụ thể, trong đó có hệ thống xét nghiệm để kịp thời xét nghiệm phục vụ chống dịch.
Theo ông Hai, kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 thứ 17, cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng bước vào giai đoạn 2 phòng chống Covid-19 nhiều khó khăn với lượng lớn khách du lịch, phương tiện giao thông đi lại. Năng lực chẩn đoán của địa phương hạn chế, phải chuyển mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm, thời gian 2,5 đến 3 ngày.
“Thời gian vàng” trong phát hiện và quản lý các ca nguy cơ kéo dài gây ra nhiều khó khăn. Nguy cơ dịch xảy ra khá cao, liên quan đến những trường hợp bệnh nhân số 17, 22, 23, 30. Khi phát hiện trường hợp dương tính, toàn tỉnh đặt vào tình huống khẩn trương xét nghiệm sớm, khoanh vùng dịch. Suốt thời gian đó, phải liên tục ra vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm.
Tình hình càng nguy cấp, nguy cơ khủng hoảng khi số lượng mẫu xét nghiệm cao, các địa phương khác cũng tương tự gây nên tình trạng quá tải, yêu cầu xét nghiệm ngay được UBND tỉnh đặt ra. Để tổ chức xét nghiệm tại chỗ, kỹ thuật đúng theo quy định, phải trang bị hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động, phải sắm máy hiện đại, đồng bộ, kết quả chính xác, có thể sử dụng lâu dài, bảo đảm công suất phục vụ nhu cầu cần xét nghiệm.
“Việc mua máy đã tính toán công suất tối đa hóa tự động, giúp giải quyết khó khăn về nhân viên kỹ thuật, tránh những sai sót, giảm công đoạn, khép kín, đảm bảo vô trùng, hạn chế tối đa lây nhiễm cho nhân viên y tế và môi trường. Sở đã tham khảo Viện Pasteur về điều kiện xây dựng phòng máy và được đồng thuận cao, đơn vị này đồng ý đào tạo kịp thời nhân lực…” - ông Hai nói.
Theo ông Hai, với tư cách chịu trách nhiệm về kỹ thuật, chuyên môn, Sở Y tế phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác. Trong một thời gian ngắn, vừa đi tìm, khảo sát giá, cấu hình, sở đã huy động rất nhiều cán bộ vào cuộc. Vấn đề ưu tiên nhất là phải có một thiết bị đáp ứng yêu cầu chống dịch, nếu không mạnh dạn quyết, rất nguy hiểm…
Sở Y tế căn cứ các văn bản chỉ đạo về mặt pháp lý, phân công anh em để làm. Trình tự thủ tục căn cứ nhu cầu cấp thiết phòng chống dịch, văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, các ban chỉ đạo phòng chống dịch, Sở Y tế lập dư toán đề nghị phân bổ kinh phí, trình Sở Tài chính thẩm định. Theo quy định của bộ, ngành và UBND tỉnh, sở đã làm đầy đủ thủ tục. UBND tỉnh phê duyệt kinh phí, công khai lên hệ thống đấu thầu quốc gia theo quy định, đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định, thực hiện ký kết hợp đồng.
“Việc lựa chọn nhà thầu, tôi khẳng định đúng quy định. Nếu theo đấu thầu rộng rãi, chúng ta phải mất tối thiểu 20, 30 ngày, không thể làm sớm hơn. Nên lựa chọn chỉ định thầu rút gọn, theo chúng tôi là hợp lý. Hệ thống được bàn giao chạy thử từ ngày 1.4, hiện nay chưa tiến hành nghiệm thu thanh lý hợp đồng. Tôi là người chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện, nếu có lỗi gì tôi phải chịu trách nhiệm” - ông Hai nói.
Chỉ định thầu là đúng pháp luật
Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, nhận thấy đây là thiết bị chuyên dùng đặc thù, có giá trị lớn với tổng mức đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng, theo quy định về tài sản công, việc quyết định mua sắm về lựa chọn thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Sở Tài chính phân công các phòng chuyên môn thẩm định nguồn kinh phí và xem xét gói thầu.
“Đây là thiết bị chuyên ngành đặc thù, không bán đại trà, khi thẩm định chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn do không có thiết bị tương tự trong thị trường để tham chiếu. Chúng tôi đã cố gắng hết sức vì tính cấp bách, nhận định đây là gói thầu phải chỉ định thầu rút gọn theo quy định do tình hình khẩn cấp. Sở Tài chính đã trao đổi với nhiều đơn vị cung cấp thiết bị về hệ thống có cấu hình giống Sở Y tế đề xuất, tham khảo hợp đồng của Học viện Quân y, qua quá trình tham khảo không có đơn vị nào cung cấp được và không có báo giá nào thấp hơn báo giá mà Sở Y tế đã cung cấp nên Sở Tài chính tham mưu đề xuất lấy theo báo giá thấp nhất trong 3 báo giá Sở Y tế cung cấp là 7,56 tỷ đồng. Hình thức chỉ định thầu rút gọn là đúng pháp luật. Ngoài ra, hiện nay, theo Sở Y tế phản ánh chưa nghiệm thu, thanh lý và thanh toán. Chúng tôi đã kiểm tra và số tiền cấp cho Sở Y tế mục này chưa rút dự toán, nên chưa xảy ra thất thoát (nếu có)” - ông Chín nói.
Nhà cung cấp đề xuất giảm giá
Bà Lê Thị Tuyến - Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt cho biết, thiết bị được công ty bà mua lại từ công ty khác chứ không phải trực tiếp nhập máy về bán. “Chúng tôi không biết và không thể biết được giá nhập khẩu thiết bị. Vì không thể biết được giá đầu vào của nhà cung cấp nên chúng tôi không có căn cứ để xác định được là giá chúng tôi mua là cao hay thấp, không có căn cứ để thương thảo về giá với nhà cung cấp. Tại thời điểm đó, chúng tôi chỉ có thể tham khảo giá cả qua các kênh không chính thức để làm căn cứ thương lượng giá mua đầu vào và làm cơ sở cho giá bán đầu ra. Cộng với nhiều yếu tố khác, chúng tôi thực hiện hợp đồng trọn gói với Sở Y tế về hệ thống máy xét nghiệm giá 7,23 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1,43 tỷ đồng. Phần lợi nhuận này chúng tôi phải nộp cho Nhà nước hơn 382 triệu đồng tiền thuế. Chúng tôi chủ động đề xuất giảm giá hợp đồng xuống còn 4,855 tỷ đồng. Việc này là do đơn vị nhập khẩu thiết bị đồng ý giảm giá bán, chi phí rủi ro thực tế thấp hơn dự kiến, và chúng tôi nhất trí giảm tỷ suất lợi nhuận xuống 0%, như một sự đóng góp nhỏ bé của công ty để cùng chung tay phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi khẳng định không nâng khống giá, Nhà nước không có quy định về biên độ lợi nhuận, doanh nghiệp đóng thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Nhà nước” - bà Tuyến nói.
Sau khi nghe đại diện Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt nói về việc giảm giá bán máy, ông Nguyễn Văn Hai cảm ơn doanh nghiệp; đồng thời cho hay Sở Y tế không tham gia về tư cách giá cả. “Nếu cho tôi đề xuất thì đề nghị công ty lấy lại máy, vì tôi nghĩ công ty đã chịu nhiều rủi ro. Sau cuộc họp, tôi xin phép sẽ không trả lời cơ quan truyền thông về vụ việc. Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể với cơ quan chức năng về các hồ sơ” - ông Hai nói.
Chỉ đạo thanh tra, báo cáo trước ngày 20.5
Sau khi nghe các bên trình bày về vụ việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh hoan nghênh các đơn vị đã thực hiện đúng chỉ đạo, tinh thần trách nhiệm trong việc báo cáo liên quan đến mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR.
“Tất cả thông tin đều công khai, minh bạch, các tài liệu, hồ sơ có liên quan không thuộc tài liệu mật sẽ được cung cấp cho các đơn vị báo chí, trên tinh thần dân chủ, cầu thị và thẳng thắn, tôi mong việc này sớm được làm rõ. Vụ việc này UBND tỉnh giao cho các đơn vị thực hiện thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra các nội dung còn lại, yêu cầu đến ngày 20.5 là phải có báo cáo về vụ việc. UBND tỉnh, dư luận rất mong chờ kết quả này, Thanh tra tỉnh phải thực hiện ngay. Trong quá trình thanh tra, yêu cầu Sở Y tế chưa chuyển tiền cho đơn vị cung cấp đến khi có kết luận, nếu có dấu hiệu sai phạm sẽ chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh, vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh. Đây là trách nhiệm nhưng vừa là đạo đức trước xã hội, nhân dân trong công tác phòng chống dịch. Công tác phòng chống dịch còn dài, còn nhiều khó khăn, cần có những bài học để triển khai các công việc tiếp theo. Đây là cuộc họp đầu tiên, UBND tỉnh yêu cầu Thanh tra tỉnh khẩn trương làm để có kết luận sớm nhất, đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.