Mùa sâm nam xanh lá

TRUNG VIỆT 21/08/2016 10:59

Phía dưới là những đám ruộng bậc thang cong cong. Phía trên là những ngọn đồi  bạt ngàn, nối nhau tít tắp, chập chùng. Đó là những ngọn đồi nằm ở bìa rừng, toàn những lùm cây lúp xúp, hầu hết cao chưa quá đầu người và quanh năm phủ đầy màu xanh. Quê tôi, ở đó, một vùng trung du, hàng năm, khi những đám ruộng bậc thang đã gặt xong, chỉ còn trơ lại gốc rạ khô lưa thưa, khi những cơn mưa đầu mùa hạ mát rượi đổ xuống, ấy là lúc những ngọn đồi chập chùng bất chợt xanh hơn và trông đẹp lạ lùng. Trong vô số những loài cây cỏ ấy, những dây sâm nam cũng đâm nhánh, vươn ngọn tỏa lá.

Người lớn tuổi ở quê tôi ai nấy đều nói rằng, sâm nam là cây sâm mọc ở phương Nam. Một cách giải thích rất đơn giản, và khi chúng tôi lớn lên, chưa đứa nào biết được loài dây leo ấy có giá trị ngang với các loại sâm khác không, có điều nó đã trở thành một món ăn mang đầy hương đồng cỏ nội.

Tôi còn nhớ, vào những ngày cho trâu ăn trên các ngọn đồi, hễ gặp những đám sâm nam tươi tốt, chúng tôi liền rủ nhau dùng tay bứt, rồi cột lại thành bó, sau đó cuối buổi để trên lưng trâu chở về.

Những ai chưa hề sống ở những làng quê  ven rừng của miền Trung khó mà hình dung được rằng, những sợi dây khẳng khiu và những chiếc lá  mỏng manh, lớn chưa bằng bàn tay đứa bé lên năm ấy lại có thể tạo thành một món ăn độc đáo. Đúng thế, sâm nam là một món ăn mà mới nhìn khó ai tưởng tượng đó là thức được tạo ra từ một loại dây leo mọc trên những ngọn đồi ven rừng.

Thường thì ở quê tôi,  sau khi hái sâm nam về, người ta lựa những lá non rửa sạch, để ráo rồi mang ra giã cho nát và giã càng nát, càng nhuyễn càng tốt, sau đó bỏ vào nồi đun sôi. Khi nồi sâm nam đã giã và đun sôi tạo thành thứ nước đặc sánh, người ta liền đổ ra, lọc qua một chiếc rây bằng vải để loại trừ những cặn bã chỉ lấy phần nước. Phần nước lọc xong, đổ vào một chiếc thau và mang để chỗ thoáng mát, và chỉ vài tiếng đồng hồ sau tự nó đông lại thành một khối thạch màu xanh rất đẹp mắt. Ở một số nhà, để cho nước sâm nam đông cứng hơn, khi đun sôi người ta còn cho vào đó một ít bột nang mực. Món thạch làm từ dây sâm nam ở quê tôi được gọi là xu xoa rừng để phân biệt với xu xoa biển làm từ rong câu.

Xu xoa làm từ sâm nam khi đã đông lại, tưới lên một ít nước đường nấu sẵn với gừng đã  trở thành món ăn tuyệt vời, sẽ  làm cho người ăn khỏe ra, nhất là những lúc trời đang nóng nực hoặc khi đi làm đồng mệt nhọc  vừa trở về nhà. Với chúng tôi, sâm nam còn là loại cây cỏ gắn với nhiều kỷ niệm của tuổi thơ với những buổi chiều cho trâu ăn, sau đó tụm năm, tụm bảy trên đồi… rồi rủ nhau đi hái. Những lùm dây sâm nam với vô số những chiếc lá hình trái tim đầy lông tơ mịn màng đã trở thành thứ quyến rũ đối với chúng tôi mỗi khi có đứa nào đó phát hiện và reo lên. Dù rằng, chỉ là món ăn mộc mạc, đơn sơ, nhưng chúng tôi lớn lên, đi đâu, thấy người ta bán xu xoa làm bằng sâm nam lại thấy nhớ quê nhà, nhớ những vùng đồi hoang vu với những lùm sâm nam đang mùa xanh lá; nhớ hình dáng mẹ ngồi giã  rồi lọc sâm nam khi đã nấu xong. Nhớ và nhớ rất nhiều, nhớ cả câu ca dao chiều chiều ai hát ru con sau lũy tre:

Lên đồi hái lá sâm nam
Hái cho đầy giỏ để làm xu xoa
Anh về thưa với mẹ cha
Thương em cậy mối qua nhà  cho xong
Thương em thì thương thật lòng
Đừng để em như con cá giữa dòng bơ vơ…

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa sâm nam xanh lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO