Mùa sim trên núi Dương Chèo Bẻo

MAI QUANG 22/08/2018 09:22

(QNO) - Tháng 8, cả đồi núi Dương Chèo Bẻo (thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong, Đại Lộc) nhuộm một màu tím ngắt. Màu tím của thân sim, hoa sim và trái sim. Món quà từ thiên nhiên này mang đến thêm thu nhập cho người dân Đại Phong và các xã lân cận.

Trung bình những nguời hái sim kiếm được từ 150.000 – 200.000 mỗi ngày. Ảnh: MAI QUANG
Trung bình những nguời hái sim kiếm được 150 - 200 nghìn đồng mỗi ngày. Ảnh: MAI QUANG

Năm giờ sáng, khi mặt trời vừa ló dạng, người già, người trẻ trong làng đã í ới gọi nhau đi hái sim. Giỏ nhựa, rổ, bao ni lông, nước uống được mọi người chuẩn bị sẵn sàng. Tiếng cười nói, hỏi thăm nhau đông vui cả ngọn đồi.

Theo chân ông Dương Thanh Việt (50 tuổi, thôn Minh Tân, xã Đại Phong) lên núi hái sim, chúng tôi bắt gặp những cành sim chín trĩu cây. Là một người chuyên hái sim nên ông Việt nắm rất rõ địa hình của ngọn núi này. Cắp chiếc giỏ nhựa trên tay, ông bước thật nhanh về phía giữa ngọn đồi. Từ ngày sim vào mùa, hôm nào ông cũng dậy từ sớm hái sim về bán. Mỗi ngày ông kiếm được gần 200 nghìn đồng từ việc hái sim.

Ông Việt cho biết, từ tháng 8 đến giữa tháng 10 là khoảng thời gian sim chín nhiều nhất. Sim rừng tự sinh sôi, phát triển từ bìa đồi đến tận đỉnh đồi. “Hồi trước dân mình không biết nên cứ lên đây chặt cây lấy củi làm sim ít đi. Những năm gần đây nhờ nhận thấy nguồn lợi từ cây sim nên không ai lên chặt cây lấy củi nữa, nhờ vậy mà sim sinh sôi, phát triển tốt hơn, trái sim chín cũng ngày nhiều hơn” - ông Việt chia sẻ.

Những em nhỏ cũng tranh thủ dịp nghỉ hè hái sim kiếm thêm tiền may quần áo mới. Ảnh: MAI QUANG
Trẻ em cũng tranh thủ dịp hè hái sim kiếm thêm tiền may quần áo mới. Ảnh: MAI QUANG

Không chỉ có người lớn mà lũ trẻ con đang nghỉ hè cũng đội mũ, mang bao theo chân ba mẹ, anh chị đi hái sim. Đưa đôi tay nhỏ thoăn thoắt qua từng cành sim, em Dương Văn Vũ (9 tuổi, thôn Thuận Mỹ) tươi cười nói: “Nhà em gần đây nên ngày nào em cũng rủ các bạn lên hái sim, đến trưa về mang ra chợ bán. Số tiền bán sim bỏ hết vào heo đất để mai mốt may quần áo mới đi học”. Không chỉ Vũ mà rất nhiều em nhỏ khác lên núi hái sim đều muốn dành dụm tiền để phụ mẹ sắm sửa cho năm học mới.

Cây sim trên đồi Dương Chèo Bẻo cao tầm 2-3m, trái sim to gần bằng đốt tay trỏ người lớn, chín màu tím căng mọng. Càng vào sâu trong đồi, sim càng nhiều và càng to hơn. Sau vài tiếng chọn hái thì giỏ ai cũng đầy. Chúng tôi lại theo chân họ xuống đồi. Có người mang sim ra chợ bán lẻ. Có người thì mang đến bán sỉ lại cho thương lái. Chị Mai Thị Long (40 tuổi, thôn Tân Mỹ, xã Đại Phong) - người chuyên thu mua sim cho biết, mỗi ký sim chị mua với giá 25 nghìn đồng. Mỗi ngày người dân hái được 6 - 8kg sim đem bán.

Quả sim dễ ăn, chứa nhiều chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa thích. Ảnh: MAI QUANG
Trái sim dùng để ăn hoặc có thể dầm rượu. Ảnh: MAI QUANG

Chị Long cho biết thêm, trái sim dễ ăn, lại có thể dầm rượu cho ra rượu sim rất bổ. Đặc biệt, khách hàng ở Hội An và Đà Nẵng rất thích sim: “Họ nói quả sim có vị rất đặc biệt, vừa ngọt, vừa chát, ăn rất vui miệng, lại bổ dưỡng. Vậy nên những năm trở lại đây nhu cầu mua sim nhiều hơn, nhờ thế mà giá mua cũng tăng theo” - chị Long chia sẻ.

MAI QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa sim trên núi Dương Chèo Bẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO