Cận tết, các làng biển hối hả không khí bảo dưỡng máy móc, vật liệu tàu thuyền, “hạ thủy” thúng chai nhằm chuẩn bị chu đáo cho một năm vươn khơi bám biển.
Cận tết, các làng biển hối hả không khí bảo dưỡng máy móc, vật liệu tàu thuyền. TRONG ẢNH: Tại một cơ sở sửa chữa tàu thuyền ở Tam Giang. |
Kiểm tra “sức khỏe” tàu thuyền
Sát bến đò Tam Giang (Núi Thành), hàng chục năm nay đã hình thành cơ sở sửa chữa tàu thuyền. Đầu tháng Chạp âm lịch, không khí lao động nơi đây gấp gáp chẳng khác gì một công trường. Gần 10 tàu câu mực khơi nằm thứ tự trên đường ray sắt đang để sửa chữa. Phần lớn phương tiện được sơn mới, thay gian đà, sửa lại ca-bin. Tiếng máy cưa, búa đập vào gian đà phát ra chát chúa. Quét lại nước sơn “mắt tàu” mang số hiệu QNa-0037TS, anh Nguyễn Văn Tuấn (Đông Tuần, xã Tam Giang) cười bảo, việc dọn dẹp, chăm sóc cho tàu không thua gì nhà cửa. Dù tàu nghỉ đông neo đậu bờ vài tháng, nhưng chủ vẫn bố trí người ra trông nom, dọn vệ sinh hàng ngày. “Tài sản con tàu quý giá hơn cả ngôi nhà ngư dân sinh sống nên thường được kiểm tra, gia cố định kỳ sau khi kết thúc mùa khai thác. Ở làng biển, dấu hiệu để biết tết đến xuân về là khắp bến sông rộn rã không khí “làm nước” tàu thuyền” - anh Tuấn vui vẻ nói. Theo chủ tàu Lương Tấn Xị (xã Tam Giang), tàu đánh bắt xa bờ công suất hàng trăm mã lực trở lên, nếu bảo dưỡng tốt, tuổi thọ hoạt động có thể hơn hai chục năm. Chi phí “làm nước” một con tàu tốn 50 - 70 triệu đồng là chuyện thường. Ông Xị còn cho hay, có năm gặp bão, sóng dữ tấn công làm gãy hai chân vịt, gia đình đã phải bỏ ra 100 triệu đồng thay mới hoàn toàn. Tàu đánh bắt đóng bằng vật liệu gỗ thông thường mỗi năm “làm nước” một lần. Chính vì vậy, trên địa bàn xuất hiện nhiều cơ sở buôn bán thiết bị ngư cụ, dụng cụ phục vụ khắc phục tình trạng phương tiện xuống cấp.
Hệ thống triền đà tại cơ sở của ông Lê Văn Lưu (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) những ngày này gần như không còn chỗ trống do tàu thuyền đến sửa chữa. Khác với cơ sở sửa chữa ở Núi Thành, nơi đây phần lớn phục vụ cho phương tiện đánh bắt công suất nhỏ hơn. Chủ cơ sở này cho biết, thợ mộc trả công cao (gần 300 nghìn đồng/ngày) nhưng thiếu trước hụt sau. Thời điểm trước tết, trời nắng đẹp nên ngư dân tranh thủ “làm nước” tàu nhằm chuẩn bị tốt nhất cho vụ cá nam. Đầu năm nay, UBND tỉnh công bố 10 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ tiêu chuẩn đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá. Trong đó, có 7 cơ sở đạt tiêu chuẩn đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ hoặc vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Đó là chưa kể hàng loạt cơ sở sửa chữa tàu thuyền quy mô nhỏ hình thành từ nhiều năm nay, đủ sức “chữa bệnh” cho tàu thuyền.
Sửa lại e-líp của tàu. Ảnh: TRẦN HỮU |
“Hạ thủy” thúng chai
Không chỉ với tài sản lớn là phương tiện tàu thuyền, với ngư dân mỗi chiếc thúng chai dù trị giá trên dưới 10 triệu đồng, nhưng cũng được “làm nước” cẩn trọng, tỉ mẩn. Tuổi thọ hành nghề cao nhất của thúng chai khoảng 5 năm. Không danh chính ngôn thuận là làng nghề nhưng ở các làng Tân Phú, Phú Đông (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), hay các xã Bình Minh, Bình Hải (Thăng Bình), Tam Hải, Tam Giang, Tam Quang (Núi Thành) có nhiều hộ dân chuyên sống bằng nghề sản xuất thúng chai. Nối nghiệp cha, ông Nguyễn Văn Liệu (thôn Tân Phú, xã Tam Phú) lâu nay luôn nhận làm thúng chai câu mực khơi cho ngư dân địa phương. Hơn tháng nay, ít nhất có hơn 4 thúng chai (đường kính 3,5m) ông đã bàn giao cho ngư dân. Theo ông Liệu, nghề làm thúng chai không cho phép cẩu thả. Phải chọn cho được loại tre đặc, già, phơi đủ nắng, tuyệt đối không thấm nước. Công đoạn đan đát không được lỗi kỹ thuật và đặc biệt dùng phân bò trét thật kín kẽ hở và đánh dầu rái đúng quy cách. Vào mùa biển năm nay, làng Tân Phú và Phú Đông, có hơn 20 thúng chai mới đã được “hạ thủy”.
Nhìn chiếc thúng chai vừa làm mới đưa xuống nước, ông Lê Văn Bút (thôn Tân Phú) trầm trồ: “Thúng chuẩn lắm, giữ được thăng bằng. Với ngư dân, thúng chai rất thiêng liêng nên cũng xem ngày tốt tạ lễ rồi mới hạ thủy”. Tại làng Tân Phú, thúng chai ngoài phục vụ cho thanh niên làm nghề đánh bắt xa bờ, còn là phương tiện tham gia thả lưới ở sông và để thi thố lắc thúng trong dịp xuân. Vào thời điểm trước tết, làng chài như thêm không khí rôm rả bởi công đoạn chẻ nẹp, vót tre, nức vành, lận thúng… Theo nhiều bạn câu, ở các làng biển nghèo, gần như trước vụ cá nam đầu năm, chủ tàu đều đến tạm ứng tiền cho ngư dân mua sắm trang trải cho mấy ngày tết, kể cả hỗ trợ tiền làm thúng chai mới. Trong khi đó, chính quyền các địa phương ven biển kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế chính sách cho ngư dân nghèo bám biển như hỗ trợ một phần phương tiện sắm thúng mới bằng gỗ hoặc bằng vỏ composite; khuyến khích làng nghề đan thúng chai. Bởi, phương tiện này bây giờ không chỉ tham gia đánh bắt xa bờ, phát triển du lịch mà thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài.
TRẦN HỮU