Đã đi qua 70 mùa thu nhưng tinh thần quật khởi của cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân ở phủ Hà Đông xưa, nay là TP.Tam Kỳ, vẫn còn nguyên trong ký ức mọi người.
Theo kế hoạch của Ủy ban bạo động của tỉnh Quảng Nam, từ đêm 21 rạng sáng ngày 22.8.1945, các phủ, huyện trong tỉnh sẽ đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Nhưng sau đó, do một số yếu tố, Tỉnh ủy và Thường trực Ban bạo động quyết định thay đổi kế hoạch, chiều 18.8 cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở một số xã phía nam phủ Tam Kỳ. Đội tuyên truyền xung phong và lực lượng tự vệ các xã Vân Trai, Thọ Khương chia nhau đi lùng bắt lý hương, cường hào và những tên mật thám, chỉ điểm. Tiếp theo, các xã thuộc tổng An Hòa và tổng Đức Hòa cũng tiến hành nổi dậy huy động nhân dân kéo về giành chính quyền tại phủ lỵ Tam Kỳ. Lực lượng khởi nghĩa tại phủ lỵ chủ yếu là quần chúng cách mạng từ Dưỡng Sơn, Mỹ Thạch, Đoan Trai, Khương Mỹ, Trường Xuân, Xuân Trung, Ngọc Thọ, Quảng Phú, An Hà, Ngọc Mỹ và một số xã khác trong phủ tham gia với số lượng hơn 2.000 người. Từ chiều 18.8, lực lượng khởi nghĩa đã bí mật tập trung tại các địa điểm theo quy định. Tất cả đều đã được trang bị giáo mác, mã tấu, dao, gậy, dây dừa, đuốc và băng cờ, được biên chế thành trung đội, tiểu đội. Khoảng hơn 1 giờ sáng 19.8.1945, quần chúng và tự vệ có vũ trang, băng cờ, hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chính quyền bù nhìn!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!” rầm rập tiến vào phủ đường. Tri phủ Trần Kim Lý đầu hàng và giao chính quyền cho cách mạng. Ông Khưu Thúc Cự thay mặt Ban bạo động và nhân dân toàn phủ trực tiếp nhận ấn triện từ tay Tri phủ Trần Kim Lý và toàn bộ hồ sơ tài liệu.
Bia chứng tích tại phường An Mỹ, nơi cách đây 70 năm đã diễn ra cuộc đấu tranh giành chính quyền của nhân dân Tam Kỳ. Ảnh: Đ.NGỌC |
Sáng 20.8.1945, tại sân phủ đường Tam Kỳ, hơn 3.000 người đại diện cho 15 vạn nhân dân ở khắp nơi trong phủ đã về dự cuộc mít tinh trọng thể chào mừng thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa và dự lễ ra mắt của Ủy ban cách mạng lâm thời. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng được công khai kéo lên trên cột cờ trước sân phủ đường. Ông Lê Thuyết thay mặt Ủy ban cách mạng lâm thời Tam Kỳ, tuyên thệ trước toàn thể nhân dân trong phủ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ chính quyền vững mạnh, xây dựng cuộc sống mới, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, đồng thời kêu gọi đồng bào kiên quyết đấu tranh chống bọn phản động, bảo vệ chính quyền vừa giành được và ủng hộ chính quyền cách mạng làm tròn trách nhiệm của nhân dân giao phó. Kết thúc mít tinh, từng đoàn người xuống đường biểu dương sức mạnh cách mạng.
Ông Trần Thanh Hà - cán bộ lão thành cách mạng, hiện ở tại phường An Mỹ nhớ lại: “Trước ngày khởi nghĩa, chúng tôi họp chi bộ, phân công đảng viên huy động nhân dân, chia làm 2 cánh quân, trong đó cánh quân của các xã Phú Quý, Phú Ngọc, Quý Thượng xuất phát từ ngã ba Cồn Sụp, tiến lên phối hợp với các đội quân đánh chiếm đồn Thương Chánh; đội quân còn lại xuất phát từ khu rừng Tam Thăng kéo băng qua đồng ruộng tiến về phủ đường Tam Kỳ, cùng nhân dân và đội tự vệ tiến công vào phủ đường bắt Tri phủ Trần Kim Lý giao ấn triện và hồ sơ tài liệu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi tỏa ra các ngả đường, cùng hô vang “Chiến thắng! Chiến thắng! Chiến thắng!”. Đặc biệt, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công, chúng tôi nhanh chóng thành lập chính quyền lâm thời để lãnh đạo nhân dân bảo vệ và xây dựng quê hương vừa giành được”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đó là mốc son lịch sử, là bước ngoặt vĩ đại của quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam nói chung, nhân dân Tam Kỳ nói riêng. Hào khí đó luôn thôi thúc Đảng bộ và nhân dân Tam Kỳ tiến bước trên con đường dựng xây quê hương ngày càng lớn mạnh, xứng tầm một thành phố trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC