Mưa trái mùa

NY AN 10/04/2022 07:33

Mưa gió của trời đôi khi chẳng theo quy luật nào. Mới hết giêng hai, nắng ấm lên được vài bữa, vừa xếp cất tấm mền dày vào bọc ny lon, thì trời làm mưa không báo trước.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

Cứ ngỡ là mưa rào thoáng qua hay cơn dông bất chợt, mang nước tưới tắm cho cây cối xanh tươi sau mấy tháng đông rét buốt, để chuẩn bị cho những ngày hè nắng cháy sắp tới. Ngờ đâu mưa dai nhách, hệt như cái cách Lu cố trụ lại vùng đất này bao năm qua.

Mưa dầm cả ngày, mới đó mà vạt đất bên hông và khoảng sân trước nhà xâm xấp nước. Kiểu này chỉ cần mưa thêm vài bữa nữa là phải dọn lụt rồi. Đất vườn nhà Lu thuộc vùng trũng của xã, luôn chìm trong nước trước những vùng xung quanh.

Mấy chục mùa bão lũ, chỗ người ta mới ngập ngang mắt cá chân thì ở nhà Lu nước đã tới ngang ngực. Ruộng ngập, mưa thấm ướt nhão nhoẹt ruột gan. Má Lu thở thườn thượt, mớ hoa màu nát tươm rồi.

Đám lúa đang trổ gặp mưa gió ngã đổ, nằm rạp xuống, đậu phụng ngâm mình trong đồng nước. Mấy người xóm trên ra đồng vớt dưa từ sớm. Những trái dưa hấu lềnh bềnh trên mặt nước đục ngầu. Nhiều chỗ phải bơi bì bõm để kéo dưa lên.

Lu vừa dựng chân chống xe, quệt mưa trên mặt, liền xắn ống quần, mặc áo mưa đội nón cời theo má ra đồng. Phải nhổ đậu gấp chớ ngâm nước lâu sẽ nảy mầm hoặc hư thối hết.

Luống đậu còn chừng hai tuần nữa mới đúng dịp thu hoạch, nhưng mưa lớn thế này đành phải nhổ. Có đoạn ngập sâu, chỉ có thể vớt xác đậu lên, ráng thu được chừng nào hay chừng đó.

Chân Lu vừa ngâm trong nước ruộng thì đã bắt đầu rần rần ngứa rát. Cái móng bị thối do lội lụt năm ngoái mới trị khỏi chưa lâu, nay gặp nước ngứa chắc sẽ lở loét lại. Nghĩ tới cảnh ngón chân mưng mủ mà Lu rùng mình. Bùn non dính lên tận áo, khuôn mặt Lu nhợt nhạt dần. Đôi tay Lu vẫn thoăn thoắt rẽ nước nhổ đậu.

*
*         *

Chuyến giao lưu với học sinh trường khác diễn ra chớp nhoáng nhưng vui vô cùng. Chị bạn nhiệt tình rủ Linh vào thành phố ở. Chị có sẵn căn nhà rộng rãi, thoáng mát.

Từ ngày về bên chồng ở, căn nhà bỏ hoang không ai coi ngó. Linh chỉ cần dọn đến, không phải lo chuyện tiền nong. Chị em với nhau, có khó khăn thì cứ nhờ đỡ, đừng tính toán làm gì.

Cứ coi như là Linh giữ nhà dọn nhà giùm chị. Linh cảm ơn, hứa hẹn sẽ suy nghĩ, nhưng rốt cục gạt phắt chẳng cân nhắc. Bài vở giáo án cuốn Linh đi. Tới bữa quên cả ăn cơm, thời giờ đâu mà đắn đo mấy việc không tưởng.

Sau tết tới giờ, hầu như Linh chưa rảnh ngày nào, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Vừa thi tuyên truyền cho trường xong thì thiết kế bài giảng để lên truyền hình, song song với đó còn bồi dưỡng đội tuyển, dạy chính trên lớp. Chưa kịp nghỉ ngơi thì lại chuẩn bị cho kỳ thi Olympic sắp tới. Năm đầu tiên làm chủ nhiệm, có vô vàn thứ mà Linh cần giải quyết, phải học hỏi cách xử lý chu toàn.

Việc nhiều không kịp thở, nhưng Linh luôn thấy năng lượng chảy tràn huyết quản. Đi dạy vui lắm, dù đang đối mặt với bất kỳ khó khăn nào, chỉ cần bước chân vào lớp, nhìn thấy những gương mặt tươi sáng của học trò là Linh lên “dây cót” tinh thần ngay.

Tụi trẻ con dường như cũng rất yêu quý Linh, tiết học nào cũng say sưa nghe giảng. Thỉnh thoảng Linh bày trò hát hò cho sôi động hơn. Thật may vì Linh có chất giọng ngọt ngào nên đứa nào cũng nài nỉ được nghe cô Linh hát.

Cách nhau vài ba tuổi, Linh cũng dễ tâm sự với học sinh hơn. Có bạn nhỏ vào ngày chia tay cứ bịn rịn mà ôm khóc mãi. Nhận được tình cảm yêu thương của học trò, là động lực lớn lao nhất của Linh. Linh bận túi bụi quanh năm suốt tháng với công việc. Kể cả hai tháng hè cũng vẫn chẳng thư thả nổi.

*
*         *

“Chị đi làm nuôi gia đình, còn ảnh nuôi chị” - Lu đã từng tuyên bố tự hào như thế trước đồng nghiệp trong một chiều thênh thang gió. Đường về trĩu nặng.

Thật ra Lu cũng muốn được như đám bạn đồng trang lứa, tự do bay nhảy đi chơi hẹn hò không vướng bận gì. Nhưng rốt cục, từ khi tốt nghiệp đại học, Lu còn chưa có nổi một chuyến du lịch đúng nghĩa.

Quanh năm suốt tháng Lu chỉ đi làm rồi quanh quẩn ở nhà. Ngay cả khi cưới chồng, thay vì Lu ra Bắc làm dâu, thì chồng vào nhà Lu ở rể. Lu vẫn sợ lắm, khi nhớ tới khoảng thời gian mới đi làm, lương mỗi tháng chỉ chừng một triệu rưỡi.

Lúc đó đã chật vật biết bao nhiêu. Thiếu trước hụt sau, tới tiền đổ xăng còn vay mượn khắp nơi. May nhờ có chồng, anh đã đỡ đần cho Lu rất nhiều, từ tiền ăn tới công chuyện đồng áng.

Lu đi làm bận tối mặt mày, mà về nhà nào có được nghỉ. Cấy mạ, gặt lúa, gieo đậu, nhổ đậu, Lu đều xông xáo góp tay phụ giúp ba má. Hồi trước, khi nhà chưa có máy, phải gặt lúa bằng liềm. Giữa đồng nắng oi rát, Lu lọt thỏm giữa những bó lúa chín vàng. Lá lúa có gai tơ, cứa vào da xon xót. Có khi ngứa mấy ngày liền.

Ba Lu chất lúa đầy lên xe bò, ì ạch kéo về, Lu ở đằng sau đẩy tới. Tụm lại tuốt lúa tới khuya lơ. Sau khi tuốt xong hạt là phơi lúa. Lúa trải vàng đầy sân, khắp đường làng ngõ xóm. Muốn lúa nhanh khô, không ẩm mốc thì phải tranh thủ phơi lúc nắng mạnh.

Mùa hè lại hay mưa dông. Nhiều hồi đang nắng chang, đột nhiên trời mù, mây đen vần vũ, sấm sét chớp nhoáng rồi mưa đổ cái ầm. Chạy tán loạn. Hốt lúa không kịp. Mỗi sân lúa phơi mấy chục bao, vừa xót vừa nặng, tay cào nhanh mấy cũng chẳng kịp mưa. Thành thử cứ thấp thỏm nhìn trời canh mưa.

Sợ nhất là mấy bữa nay, đang đợi tới ngày gặt thì mưa trái mùa, hoặc bão lụt, bao nhiêu lúa đậu là bấy nhiêu tiền trôi theo nước. Mưa vẫn không dứt, lúc nặng hạt táp thẳng vào mặt Lu đau điếng, khi nhẹ bay bay lạnh thấu xương.

Hai má con Lu lội nước sáng đêm để gặt lúa sớm. Cũng may năm nay nhà Lu sạ sớm, nên lúa cũng chín được vài chỗ. Mớ lúa trổ đòng đòng, Lu cũng cắt tuốt. Nghe nói ở ngoài quê chồng, người ta chuộng đòng ngâm rượu, vừa bổ lại ngon. Vớt vát được một chút thôi cũng cứ ráng thu nhặt, không thể bỏ hết được.

Một đêm dầm mưa khiến Lu lên cơn sốt. Bệnh cũ tái phát, mũi nghẹt cứng, cổ họng rát ngứa. Khàn giọng tắt tiếng. Vật vã mấy ngày liền.

*
*           *

Lúc nhỏ, từng có khoảng thời gian Linh học rất kém. Mấy đứa trạc tuổi trong xóm hay chọc bảo “Linh đù”. Bị cười cợt, Linh ức quá, nên ráng học giỏi cho bằng được. Rốt cục, ở xóm này, Linh là đứa học cao nhất. Linh còn làm giáo viên - cái nghề mà thiên hạ đều cho là nhàn nhã, cao quý và ổn định.

Linh dạy ở trường chuyên trong thành phố, không chỉ danh giá mà tiền lương cũng cao so với thu nhập ở cái tỉnh nghèo này. Vậy nhưng bao lần bạn bè bảo Linh rời nhà vào phố sống, Linh cũng không chịu. Ai cũng khuyên lơi, Linh lấy chồng rồi, nên gác hết mọi gánh lo chung để vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Đu bám chi cái xứ đất trũng sâu, mãi chẳng rời.

Người ta làm sao biết được, ba Linh vừa tai biến hồi năm ngoái. Nằm viện mấy tháng trời, thuốc men cơm cháo một tay Linh lo liệu. Họ cũng đâu nhìn thấy cảnh má Linh chồm hổm cong lưng rửa cả chục thau chén mỗi ngày để kiếm đồng tiền công còi cọc. Thằng út vừa vào đại học, trăm thứ tiền phải lo.

Linh ngại mỗi khi bạn bè hay học trò muốn ghé thăm nhà. Nhiều lúc còn thấy bất lực vì một cô giáo mà tay chân lấm lem bùn đất. Cái gót chân nứt nẻ tứa máu, mang đôi giày cao gót phải che trước giấu sau. Bữa nhà lụt làm ẩm mốc bộ áo dài thích nhất, Linh đã ngồi bệt trên nền nước òa khóc. Những rấm rứt ấy họa may có mỗi chồng Linh thấu cảm.

Nhưng đành vậy, Linh vẫn ở lại để san sẻ đỡ đần bớt phần nào. Mặc kệ người ngoài nói đông nói tây, chỉ có Linh mới hiểu được sức nặng thật sự của lựa chọn này. Dù có thế nào đi nữa, thì ba má cũng là duy nhất.

Còn chăm sóc lắng lo được ngày nào thì hay ngày ấy. Cuộc đời vô chừng lắm. Ai lường trước được người ở đó sẽ theo mây khói về trời lúc nào. Cứ như cơn mưa trái mùa kia, đến rất bất ngờ. Lúc đấy, có khóc bao nhiêu cũng không lại được dòng nước đang dâng cao.

*
*         *

Trong bữa ăn, má bảo sẽ cho vợ chồng Lu miếng đất bên hông nhà. Ba má chẳng có tiền bạc gì, chỉ còn mấy vạt đất để dành cho con cháu. Đất ở xóm này rẻ bèo, chắc là không bán được. Đâu ai tìm vào sâu trong vùng trũng ngập lụt quanh năm để mua. Hai đứa coi dành dụm, đổ cát nâng nền cao lên rồi xây cái nhà khang trang, sau này có chỗ để con cái ở.

Ngớt mưa. Lu bước ra ngoài hiên nhà, trời gieo hạt nắng trên vai. Lu giũ mớ quần áo vừa mới giặt rồi treo lên dây, đứng một lúc lâu để phơi mình cho ngấm nắng. Đợi chồng nấu xong nồi bồ kết với vỏ bưởi, Lu sẽ gội đầu cho thật thơm tho. Sấy khô tóc, tô son môi, Lu thay bộ đồ làm ruộng cũ mốc ra, khoác lên mình bộ áo dài vàng sáng, lại làm cô giáo Linh dịu dàng tới trường.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mưa trái mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO