Vài ngày nắng xen dăm ba ngày mưa, tết trôi đi và kết thúc đâu đó phía hối hả dòng người du xuân muộn, phía những cuộc mưu sinh vừa tái khởi động sau kỳ nghỉ dài. Mẹ nhắn hỏi: “Các con đi làm lại chưa? Sắp nhỏ đi học lại chưa?...”. Có lẽ, mẹ hỏi vì trong nhà vừa lộ ra một khoảng trống vắng sau mấy ngày tết sum vầy, lúc nào cũng có cháu con tíu tít chung quanh.
Ngày xưa, khi còn bé, đứa trẻ con ham chơi là tôi luôn thấy tết đi rất nhanh, luôn thấy tết quá ngắn, vừa kịp ngó tới nhìn lui là đã phải đi học trở lại, là đã phải dắt trâu ra đồng. Khi bắt đầu nhận biết sẻ chia những toan lo cùng người lớn, có lúc tôi lại thấy tết trôi đi chậm quá.
Nhà nghèo thiếu trước hụt sau, nên tết còn là một nỗi ám ảnh. Không có được quần áo mới như bạn bè, bánh mứt, thịt thà dành cho tết cũng đều rất... tượng trưng, nên cứ mong tết trôi qua thật nhanh, để quên đi nỗi tủi thân túng thiếu...
Còn bây giờ, khi đã thấm lắng và có thể nhận chân được ít nhiều những buồn vui được mất ở đời, tôi nhủ mình cứ hòa xuân vào tết, hòa tết vào xuân. Mùa vẫn trôi theo nhịp điệu của mùa, tết cứ trôi theo nhịp riêng của tết, đến và đi tuần tự.
Tết, mùa xuân dài hay ngắn là chuyện của thời gian, buồn hay vui là ở cách mình nhìn ngắm, cảm nhận sắc màu của cỏ hoa muôn hồng nghìn tía, ở cách đón nhận và sẻ chia cùng nhịp sống quanh mình.
Như trong ngày đầu tiên đi làm sau tết, khi mẹ nhắn hỏi “đã đi làm lại chưa?”, chợt thấy tết dường vẫn còn quẩn quanh đâu đó, để rồi ước gì tết dài thêm, rộng hơn, bên mẹ, cùng với mẹ, với gia đình, trong hơi ấm máu mủ tình thâm không thể cắt nghĩa được!
Như khi lau dọn bàn ghế, xếp lại những bày biện nghinh xuân đón tết, trả mọi thứ trở lại “trạng thái bình thường”... cũ, nhìn ra đường, thấy nhiều người vẫn quần là áo lượt du xuân, ríu rít nói cười, thốt nhiên tay như chùng lại.
Nhìn ra hiên, mấy chậu dạ yến thảo đang nở một đợt hoa mới. Chậu quất trong góc nhà, những chùm trái lúc lỉu đã chín thêm, đang chuyển sang màu vàng sậm và tự lúc nào chẳng rõ, điểm thêm mấy nụ hoa trắng tinh trong khi ở vài nách lá đã nhú lên mấy cánh lộc non mướt mát...
Một buổi sáng thức giấc trong cái lạnh se sắt cứ như mùa đông vừa quay trở lại, ấy vậy mà người chợt tỉnh ra khi từ gian bếp bay lên mùi dầu phụng vừa chín tới. Không, chính xác hơn là mùi bánh tét, bánh tổ chiên, thơm ngọt, béo ngậy, thân thương, quen thuộc...
Bánh tét, bánh tổ một khi được đem ra chiên để ăn trừ bữa hoặc để ăn chơi, ăn vặt cũng có nghĩa là tết đã cạn ngày, tết đã đi qua, nhưng dư vị của tết vẫn còn trong hơi xuân bịn rịn. Cầm điện thoại lên gọi về cho mẹ: “Mẹ ơi, nhà mình đã chiên bánh tét chưa?!...”.