Trên dòng chảy miệt mài của thời gian, con người có những phút lắng lòng đắm chìm vào miền xa thẳm, nơi bờ bến mù khơi. Ở đấy, thấp thoáng trong màn sương ký ức là vô vàn hình ảnh đậm màu hiện lên sống động. Màu xanh mượt mà trôi theo sóng mắt. Tôi tìm thấy tôi.
Quang cảnh mới của Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ). Ảnh: ĐÌNH QUÂN |
Mới hôm nào của ba mươi mấy năm về trước. Khép lại bốn năm học tập ở giảng đường đại học, tôi vào đời. Thương ngôi trường như trang sách mở với hàng trăm ô mắt cửa hướng ra dòng sông thơ mộng. Thương khoảng hành lang hút gió thi thoảng đứng tựa người nhìn mông lung. Tôi vẫn quyết định rời Huế. Bỏ lại phía sau những con đường dịu mát bóng cây, có đôi khi lung linh nắng và lắm ngày ướt sũng sương mưa. Phía ấy quê nhà, tôi trở về chốn cũ. Cầm tờ quyết định phân công nhiệm sở, buồn vui bao nỗi. Buồn vì từ đây xa rồi khoảng trời hoa mộng. Còn vui vì được sống gần gia đình cùng sẻ chia những lo toan của một thời khốn khó. Cái ngày bước chân vào cổng trường của tôi - cô giáo, vẫn bồi hồi như cách đây gần mười năm là nữ sinh trung học áo trắng đến trường. Cảnh không mấy đổi thay chỉ có lòng tôi bỗng khác. Ra đi rồi lại trở về... Quãng đời đã qua trở thành miền ký ức đậm màu - có sắc xanh của lá bàng, có sắc đỏ của hoa phượng, có sắc vàng của nắng choán ngợp hồn tôi mỗi lúc nhớ về. Ngôi trường đã in bóng “riêng một góc trời” trong tôi.
...Ở góc trời đó, tôi đã có những người thầy, anh chị, bè bạn đáng mến tròn đầy tình thân từ ngày đầu ngơ ngác đến suốt dặm dài năm tháng dạy học. Đồng nghiệp thân thiết có cả các em mới ngày nào áo trắng hồn nhiên.
...Ở góc trời đó, tôi đã có những đứa học trò đáng yêu. Có ham chơi, nghịch ngợm làm tôi đau đầu; có chăm chỉ, hiền lành cho tôi niềm vui. Và tất cả đã là những bông hoa đủ màu trên triền cỏ xanh lòng tôi. Cứ mỗi năm, tập album ký ức đầy dần lên. Nơi đó lưu giữ bao gương mặt hồn nhiên, trong sáng. Tôi thấy thấp thoáng bóng dáng mình ngày nào ở đây. Học trò đã là một phần trong cuộc sống của tôi. Ngày nào là tình yêu và bây giờ là nỗi nhớ. Vào đời có các em đứng bên cạnh, tôi tìm được khoảnh khắc bình yên. Tôi đón nhận và sẻ chia bao nỗi niềm từ phía ấy. Gần gũi - xa lạ, yêu mến - lãng quên là lẽ thường qua phép thử của thời gian. Một hôm nào, đứng trước mặt là người học trò cũ mà không nhận ra mình nhưng cũng có lúc chưa kịp định thần là ai giữa đám đông xa lạ thì đã nghe tiếng reo vui cùng cái ôm vội vàng “Cô ơi, em là... đây!”. Hạnh phúc giản đơn, dung dị thế thôi!
Ngôi trường thân thương. Không gian này là của nhiều thế hệ học trò đi qua nhưng kỷ niệm là của riêng tôi, của riêng em, của riêng mỗi người. Tôi biết, các em cũng có miền ký ức của riêng mình. Miền ký ức ấy không phải khi nào cũng hiển hiện, có điều chắc chắn, vẫn đằm sâu trong tâm hồn, sẽ thức dậy vỗ về an ủi lúc buồn, reo ca lúc vui. Như thế mới cảm nhận hết nỗi u buồn, thảng thốt của học trò cũ khi mái trường xưa không còn nữa. Đâu rồi hình bóng thân thuộc thuở nào? Đâu rồi những dãy phòng học cũ kỹ mà ấm áp đã ấp iu bao lứa học trò? Ban công ấy các cô cậu học trò tựa người nhìn gần trông xa “góc sân, khoảng trời” của mình. Gốc phượng này sần sùi vết nứt thời gian, chìa tay gọi mời học trò trốn nắng, lắng nghe bao câu chuyện râm ran mỗi ngày. Ghế đá kia ngồi lại thầm thì niềm riêng. Ai đánh rơi nỗi nhớ bên bức tường rêu? Ai thả niềm mơ theo cánh gió lưng trời?... Mỗi lối đi, chỗ đứng đều đọng lại biết mấy yêu thương của vô vàn bước chân. Vậy mà, tất cả sẽ bị xóa dấu lạnh lùng. Sáng mai hôm ấy, tôi cùng vài đồng nghiệp đến đấy, lặng nhìn người ta chuyển bàn ghế đi nơi khác, bảng tên trường hạ xuống. Thẫn thờ, ánh mắt nhòa sương. Tình thơ của tôi, của em rủ nhau đi mất rồi! Tôi hiểu lòng em - những cô cậu học trò đã từng ngồi ở đây - như hiểu chính mình, về khoảng trống mênh mông khi bất chợt một hôm nào đó muốn quay về sống lại thời áo trắng tinh khôi. Các em với ba năm trú ngụ chốn này, còn tôi ba mươi mấy năm trầm tích thời gian. Con nước đã trôi xuôi. “Tìm đâu những ngày thơ ấu qua? Tìm đâu những ngày xinh như mộng? Tìm đâu những ngày thơ? Tìm đâu những chiều mơ? Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?...” mơ hồ lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy khẽ vang dìu dặt. Thôi, cứ tin rằng vẫn còn đó trong ta yêu dấu ngọt mềm cất giữ trong tên gọi Trần Cao Vân. Ngôi trường ấy đã từng là niềm mơ và niềm tự hào của tuổi ngọc ngà. Dẫu có chuyển dời thì ta hãy cứ “gìn vàng giữ ngọc”, lẽ nào mình quay lưng với phần đời tuyệt đẹp; tình yêu thơ dại cũng mất đi cùng hình hài phù du? Có ai đó đã nói có thể đẩy một người ra khỏi quê hương nhưng không thể nào đẩy quê hương ra khỏi lòng người. Ngôi trường đã là quê hương tuổi thơ của ta. Và như thế, dẫu có đến nơi nào ta cũng có quê hương - “Thôi đành ru lòng mình vậy!”.
Hơn ba mươi năm đứng trên bục giảng. Bao nhiêu viên phấn mòn đi hoài thai cho bài giảng hiện hình. Tôi đã làm sân ga đón tiễn bao hành khách đến rồi đi. Đó là những hành khách đặc biệt - có cùng hành trình, cùng thời hạn dừng chân, túi xách mang theo không chỉ sách vở, tri thức thu nhận được mà còn vô số kỷ niệm góp nhặt từng ngày. Cứ mỗi lần đoàn tàu rậm rịch đi qua, sân ga trống vắng, buồn lặng. Gặp gỡ, thân thiết rồi lại chia xa, tôi đã tập làm quen với những lần tiễn đưa như thế. Rồi lại đến lúc, tôi phải làm quen với việc chia tay chính mình một thời bục giảng. Đã chuẩn bị tâm thế vậy mà vẫn chẳng hề dễ dàng đón nhận nó. Như là thói quen được lập trình, không phải trong trí mà trong tâm, gạt bỏ thật khó. Chiếc cặp vẫn còn mới, những chiếc áo dài quen thuộc, mấy tập sách giáo khoa lật qua giở lại in chồng lớp lớp dấu vân tay. Chúng còn đấy thao thức chờ người. Gió heo may về rồi chăng, có hôm lục tìm ngăn kéo bắt gặp mấy tấm hình cũ, mấy cuốn sổ gọi tên, những cái tên thầm thì nhắc nhở một ánh mắt, một nụ cười, một tính cách, một cảnh đời. Tôi bắt gặp tôi ngược chiều gió thốc, nhìn thời gian trên dáng phượng già. Trơ cành, xanh lá, nở huy hoàng rồi nhẹ nhàng rơi. Một năm học với vòng quay đều đặn. Bây giờ, con đường chạy trước nhà là tin báo vô ngôn. Quạnh quẽ những tháng hè, rộn ràng tíu tít nói cười ngày khai giảng. Đã đi trọn tuổi nghề, mấy thu về lòng nương theo nắng sớm, tôi thấy mình đứng giữa sân trường rập rờn áo trắng, bồi hồi nghe nhịp trống vang lên. Bao nhiêu lần mà vẫn vẹn nguyên cảm xúc ban đầu.
Giấc mơ tôi, hoài niệm tôi, một góc tròn đầy cho ngôi trường đã dệt mến thương từ thuở vụng dại. Tôi yêu nghề dạy học dung dị bởi tôi yêu cái thời ấy - cùng bạn bè, sách vở, bàn học đắm mình trong thế giới yên bình. Nếu quay trở lại ngày xưa, tôi vẫn chọn con đường này dẫu có lúc chênh chao...
Tuổi học trò của tôi, của em rồi cũng lặn theo vạt nắng cuối trời cho bình minh thắp lên ngày mới. Chạy trên cánh đồng mơ ước đôi khi thầm nhớ thời áo trắng dấu yêu. Ở đó, thời gian như ngưng đọng, bắt gặp mùa xanh ngày cũ. Năm tháng cứ dần trôi, tôi neo lòng vào bến ấy bình tâm.
HỒ THỊ NGUYỆT THANH