Mưa xanh ở Bh’lô Bền

TRUNG VIỆT 12/03/2022 07:52

Bảy giờ tối, bữa nhậu bắt đầu. Tưởng là 4, hóa ra là 8 tửu đồ. Chỉ tôi là khách. Ngó cái can rượu đựng tràn nhốc 5 lít và cái hũ rượu 5 lít nữa, tôi ớn liền.

Giữa cuộc sống có phần hiện đại, nhưng đồng bào Cơ Tu ở Bh’lô Bền vẫn giữ những nét truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Giữa cuộc sống có phần hiện đại, nhưng đồng bào Cơ Tu ở Bh’lô Bền vẫn giữ những nét truyền thống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

1. Uống thôi. Nhà sàn vách nứa gió lùa. Tôi ngó điện thoại, nhiệt độ chỉ con số 15. Bảy gương mặt chưa ai tới 40 tuổi. Cậu trẻ nhất là Alăng Vừa, 23 tuổi, mới xuất ngũ, đi nhậu mà mặc áo trấn thủ. Đêm núi thật yên, hình như chỉ có giọng của đám nhậu, lúc rì rầm lúc rộ lên.

Alăng Beo - chủ nhà nói: “Anh may đó, đêm qua gió kinh lắm, lạnh từ xương lạnh ra”. Không gió mà đã thấy cầm cập. Khoảng hơn 2h sáng thức dậy, ngó thấy nhiệt độ là 14. Lạnh khiếp. Mở cửa ra sân, nhà sàn kêu ken két, chó sủa tứ tung, như lạnh hơn. Lúc đánh răng, nước đá thấm kẽ răng. Kinh.

Beo nói: “Em mở quán tạp hóa ni, bán cũng được chút đỉnh. Lạ lắm anh, tạp hóa miền núi, toàn người Kinh bán, làm giàu, đông đúc, chứ người Cơ Tu hiếm ai làm ăn thắng lợi. Anh biết sao không? Họ nói nó bán hàng là giàu rồi, đừng mua của nó, nên đi mua chỗ người Kinh”.

“Hay tại mày ăn ở không ra chi?”. “Mô có anh, em sống với bà con trong thôn vui vẻ, hòa đồng, nhưng họ là rứa. Đó, cái thằng ốm, cao lúc nãy chào và mời anh ly rượu rồi xin phép về, nó đi mượn em 300 ngàn đồng đó, nói nhà có khách, nhưng mua hàng thì nó không mua.

Bí thì đến mượn, để lâu mới trả, nhưng mua hàng thì không ghé mình, có đồ suối đồ rừng cũng không bán cho mình. Bà con với nhau mà không giúp nhau làm ăn, thì sao cùng phát triển được?”.

Beo là cán bộ xã tinh giảm biên chế. Lúc còn làm, xã khuyến khích đi học đại học để về phát triển lên, học tốn mớ tiền, về nhận quyết định… nghỉ việc. May mà có bạn giúp vay mượn, mở tạp hóa. Xã bố trí làm cán bộ mặt trận thôn. Ừ thì làm. “Lương bao nhiêu?” “Dạ 1,4 triệu đồng” - Beo cười hehe - “vừa đủ 4 thùng bia”.

Tôi ngó qua Alăng Phân - Trưởng thôn Bh’lô Bền: “Lương của trưởng thôn là mấy”. Phân cười như như mếu: “Cũng như Beo thôi anh”. “Thấp quá”. “Dạ thấp lắm, 1,4 triệu đồng không đủ tiền xăng chạy lo công việc của thôn.

Ở dưới cơ sở, trăm việc đổ đầu trưởng thôn, mà miền núi tiềm lực kinh tế và nhận thức của bà con đâu bằng vùng xuôi, vận động hết hơi, đụng đến quyền lợi của họ là mệt rồi”.

2. Thôn này được chọn làm thôn nông thôn mới kiểu mẫu của xã Sông Kôn huyện Đông Giang. Trưởng thôn Alăng Phân nói tôi biết thôn có 256 hộ nhưng đến 86 hộ nghèo. “Vậy kiểu mẫu là chi?”. Anh lắc đầu cười: “Khó lắm”.

“Nông thôn mới có tạo việc làm cho bà con không?”. “Dạ, lấy mô ra anh. Thanh niên đi làm công ty, xí nghiệp hết, ở nhà là đói, sinh tật…”.

Hôm sau tôi vào nhà Alăng Phú, có hàng xóm ghé chơi, anh kia nói ruộng rẫy ít đất, thủy lợi nước chìm đi mô mất, trăm sự nhờ trời. Một chị xen vô, làm bắp hết 20 ngày công, trời thương có mưa, không nắng cháy, không sâu rầy thì được 1 triệu đồng/mùa. Chẳng làm chi ra tiền.

Ai có sức thì đi đốn keo thuê, ngày hơn 200 ngàn đồng. Công việc cực nhọc, nặng nề, chỉ có thanh niên khỏe mạnh mới làm nổi. Alăng Phú nuôi 6 con bò, năm ngoái lời được 8 triệu đồng. Nhưng đó là có tiền mua bò, chứ nhiều người chẳng có gì. Họ muốn làm thêm, ai cũng nói cần công việc, nuôi bò, heo, gà, nhưng làm ra không biết bán cho ai.

Alăng Beo nói, trên này heo đen 300 ngàn đồng/kg thịt, bà con không ai mua, vì tiền đâu mà mua, may lắm là gần tết cán bộ xã huyện đi lùng mua. Heo con giống đã là 1,5 triệu đồng. Nếu đồng bằng đảm bảo được đầu ra, bà con nuôi liền. Chẳng ai làm việc đó cả.

Hai cô gái là cháu anh Phú, kể làm công ty dưới Điện Ngọc (Điện Bàn), nhưng sợ dịch nên chưa xuống, ở nhà thì không tiền. Tôi nói đi làm lại đi, chích thuốc rồi, đừng sợ, bỏ là hỏng đó.

Vợ anh Phú cũng không nghề ngỗng gì, nói mai công ty ở Hang Gợp kêu lên phỏng vấn để làm việc, không biết có được không. Mạnh dạn lên, hy vọng được, có việc là vui, cơm áo, con cái, nhà cửa, trăm thứ phủ choàng…

Người ta hay nói ở quê đỡ hơn phố, đói ra vườn tìm chi đó ăn. Thưa, xưa rồi, chừ mà đói là đói, cá suối không còn, thú rừng không có, lấy chi mà bỏ miệng. Nên chỉ có cách ra đi kiếm sống hoặc còng lưng làm thuê đâu đó.

Làng ở núi, khác chi đồng bằng.
Làng ở núi, khác chi đồng bằng.

3. Cuộc nhậu còn dài. Vẫn chuyện công ăn việc làm. Tôi chưa nhậu cuộc nào ở miền núi mà thanh niên riết róng chuyện áo cơm như thế, đọc trong mắt họ nỗi khao khát cháy bỏng, có thật, bởi nhìn xuống mâm cơm chỉ có muối, măng, rau chiếm phần lớn quanh năm, ai chịu nổi.

Chẳng ai muốn ngồi một chỗ nốc rượu để đời tàn sớm. Nhưng tìm việc ở đâu ra? Alăng Vừa nói ưng đi học  nghề lái xe, nhưng nghe nói tốn mười mấy triệu, không có tiền.

“Ủa, bộ đội phục viên xuất ngũ được miễn giảm học phí mà?”. “Nhưng em không biết ở đâu?”. Trời ơi, chạy xe vô Tam Kỳ, gõ cửa các cơ sở dạy nghề của nhà nước, quân đội, chứ ngồi đây hỏi ai.

Hôm sau, chàng ta hăng hái đón xe đi. Cha mất sớm, hai anh em ở với mẹ, anh không có việc làm. Không biết có tìm được việc không, học xong, đi làm ở đâu…

Buổi sáng xuân ở núi, có chút nắng lên, ngùn ngụt xanh, xanh đến ngút mắt, tràn trề. Từng mảng, lúc đậm lúc nhạt, chỗ rậm rì, chỗ non tươi, xanh mỡ màng trong mắt, xanh cả áo kẻ đi trong sương sớm.

Mùa xuân lên núi, mới thấy núi thật là núi, tuyệt đối không giả tạo. Chẳng chi thật bằng núi. Xuân xanh. Hạ cháy. Thu nhạt. Đông tàn. Cứ nhìn cây là biết. Núi rõ rệt 4 mùa, chẳng ai thay nổi theo ý mình.

Làng đẹp thiệt. Bốn bề là núi, nhưng ở xa, làng dồn tụ trên bình nguyên, đường sá phong quang, xum thiệm cây lá. Những mảng xanh phủ kín nhà, choàng lên cả lối đi bê tông, không khác chi một làng miền xuôi đã được thiết kế bài bản, có chủ ý.

Bất ngờ mưa nhẹ, nhìn nghiêng, màu nước được nhuộm bởi lá, thành mưa xanh. Thấy như núi rừng được ai đó lấy cái muỗng cực đại vục vô hồ xanh mà tưới không ngừng không nghỉ, dậy lên lòng ngưỡng mộ bao la với đất trời, cây cỏ.

Nhìn xa xa, không thấy những con đường bị bào mòn của xe xúc, cây bị chặt hạ bởi keo đến mùa thu hoạch lộ trơ những mảng trống loang lổ. Xanh kín đất, như thể non tơ đã chờ sẵn trên đất, cây già vừa bị chặt là nó vụt lên, ứ nhựa.

May thay, cảm giác như đeo đá bao lần đi núi, ngang qua những cánh rừng bị đốt đen sậm sì mà buồn quay quắt, giờ bị thay thế trong chốc lát, thấy mềm ra đi kèm nỗi biết ơn. Ở đó, đêm qua có cuộc nhậu, rượu đến khuya khoắt mới tàn, sáng ra, vẫn câu chuyện cũ.

Lúc Alăng Vừa lên xe để đi Tam Kỳ, mọi người xúm lại, họ hy vọng cậu sẽ tìm được chỗ học miễn phí, còn cơm nước, chỗ trọ thì dễ. Tôi cố nhìn vào mắt Vừa, chẳng đọc được chi hết.

Hôm sau tôi hỏi bạn đi cùng giúp Vừa tìm trường, thì biết Vừa đã được nhận. Mừng quá. Một chương mới có thể đã bắt đầu, học đi, rồi tìm việc, còn việc có hay không chưa biết, nhưng cho có cái nghề trong tay, còn không tay trắng. Tương lai chưa biết ra sao, nhưng không thể sống cầu may được.

Hết mưa. Xe chạy bon bon trong thung xanh, lá non cựa mình cũng không thấy được, bởi cơn hoan lạc của trời đất mới bắt đầu.

Bh’lô Bền, theo tiếng Cơ Tu nghĩa là huyền thoại. Chẳng biết có ai giải thiêng được cái từ này ở làng này không, còn tôi chỉ mong, đừng tắt màu xanh hy vọng vừa nhen lên ở những người như Alăng Vừa, bởi đứng trước hiện thực gay gắt, hiện hữu, ký ức hay niềm tự hào chi đó, nhiều khi như trò đùa…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mưa xanh ở Bh’lô Bền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO