Ngược thời gian mấy chục năm về trước, mỗi khi vào dịp năm mới tết đến, đội hát múa sắc bùa ở làng Lệ Bắc, xã Duy Châu, Duy Xuyên lại đến gõ cửa từng nhà chúc cho gia chủ một năm mới mạnh khỏe, ấm no, sum vầy, phát đạt. Trải bao thăng trầm, đội hát sắc bùa làng Lệ Bắc đến nay còn lưu giữ được là nhờ những con người biết trân trọng vốn quý của làng quê mình…
Vốn quý văn hóa
Ông Nguyễn Xuân Phú năm nay đã ngoài tuổi 70, sức khỏe không được tốt, nhưng khi nghe nhắc đến hát sắc bùa là ông lại sôi nổi hẳn lên. Ông bảo, hát múa sắc bùa ở Lệ Bắc có từ rất sớm, khi ông cha mới dựng đất, lập làng. Theo thời gian, sắc bùa Lệ Bắc cũng trải qua nhiều thăng trầm. Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, cùng với nhiều đội sắc bùa của Duy Xuyên, sắc bùa Lệ Bắc thường xuyên biểu diễn và được người dân đón nhận với nhiều tình cảm trân quý. Sau đó, đội vẫn hoạt động nhưng mang tính cầm chừng rồi tự giải tán. Mãi đến năm 1979, cùng với chủ trương khôi phục văn hóa dân gian, đội sắc bùa Lệ Bắc tái lập. Lúc này, mặc dù đã đứng tuổi nhưng hai nghệ nhân của làng là ông Trương Tích và ông Nguyễn Xuân Phú vẫn đôn đáo sưu tầm những câu hát chúc xuân, chúc tết với đề tài ca ngợi quê hương, đất nước, xóm làng và chúc một năm gặp nhiều an vui, may mắn, làm ăn phát lộc, phát tài…
Làng Lệ Bắc như một ốc đảo nằm bên dòng Thu Bồn. Đây là vùng đất trù phú và khá thơ mộng. Lòng người dân Lệ Bắc cũng vì thế mà từ bao đời nay luôn đắm đuối với những truyền thống đẹp, quý báu mà cha ông để lại. Mỗi khi tết đến, xuân về, mai vàng nở rộ, đội sắc bùa làng Lệ Bắc lại cất tiếng hát, giữa tiếng trống vỗ, hòa cùng âm điệu rộn ràng từ các bộ sinh tiền, phách tre... đem lại không khí sôi nổi, đông vui. Trẻ em thì cứ bu quanh, kéo thành rồng, thành rắn, lố nhố giữa đêm xuân đèn đuốc sáng trưng khắp mọi nẻo đường. Chính vì thế, hát sắc bùa trong dịp tết là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân ngôi làng như ốc đảo này. Người dân chuyên nghề lúa nước và trồng dâu nuôi tằm bên dòng Thu Bồn này vẫn quan niệm được đội sắc bùa xông đất đầu năm là một tín hiệu tốt lành, may mắn cho cả năm. Hiện nay, ở xã Duy Châu, nghệ nhân hát sắc bùa không còn nhiều. Bài bản của sắc bùa cổ cũng vì thế mà mai một.
Gìn giữ nét đẹp
Ông Trương Văn Tám - con trai của nghệ nhân Trương Tích - năm nào cũng vậy, sau gieo trồng vụ đông lại cùng anh em trong đội hát sắc bùa tất bật chuẩn bị cho nội dung hát chúc tết, chúc xuân. Thứ tự các tiết mục biểu diễn hát sắc bùa ở làng Lệ Bắc đầu tiên là bài “Mở ngõ” rồi “Mở cửa”, kế tiếp là bài “Chúc xuân”, bài “Dâng hương” và những bài hát chúc gia chủ trước khi cả đội nghỉ ngơi, dùng chút trà rượu ngày tết, nhận ít tiền thưởng. Sau đó cả đội hát bài “Dán bùa” và cuối cùng là bài “Đi ra”. Khi đi sắc, cả hội đội khăn đóng, mặc áo dài đen, quần trắng, chân đi guốc mộc. Có một người xách chiếc lồng đèn đi trước. Lồng đèn này bằng giấy, hình tam giác, thắp bằng dầu phụng, dưới gắn bốn tua đủ màu sắc cho đẹp. Bây giờ, thế hệ nghệ nhân lớn tuổi trong làng dần nghỉ ngơi hay đã về với tổ tiên, ông Trương Văn Tám cùng những người trẻ trong làng lại tiếp tục gìn giữ nét đẹp truyền thống quê hương và tích cực truyền dạy lại cho thế hệ các con của mình. Ông Tám cho hay, ông khá mừng vì con trai ông năm nay ngoài 20 tuổi nhưng đã cảm nhận được ý nghĩa của công việc ông cha mình làm nên đang từng ngày theo học sắc bùa để dần trở thành người thay thế trong tương lai…
Trong hát sắc bùa, phần hát chúc gia chủ phát đạt với nghề đang theo là nội dung không thể thiếu. Người làm nông thì được mùa, nhà cửa lúc nào cũng đầy ắp lúa khoai; thợ dệt vải, vải đắt hàng, tiền vào rủng rẻng trong túi; dân chài đánh cá ngày nào cũng được nhiều... Ngoài ra, theo yêu cầu của gia chủ, đội có thể hát thêm một số bài góp vui như bài đá gà, bài dạy con... Đến nhà nào đội cũng được tiếp đón tử tế, niềm nở, còn được mời trà rượu đầu xuân kèm theo thủ tục biếu ít tiền mừng tết gọi là trả chút công sức.
Tín hiệu vui
Chính vì hát sắc bùa được xem là nét đẹp không thể thiếu của người dân làng Lệ Bắc trong những ngày tết đến xuân về, nên nhiều năm nay, mặc dù gặp khó khăn trong việc mua sắm trang phục, đạo cụ, nhạc cụ và sự lấn át của các loại hình giải trí khác nhưng đội hát sắc bùa làng Lệ Bắc vẫn được duy trì và ngày càng có những người trẻ tham gia. Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Sở V-TT&DL và UBND xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên mở “Lớp truyền dạy bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát sắc bùa qua mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
Tại lớp học này, các nghệ nhân của làng Lệ Bắc như Nguyễn Xuân Phú, Trương Văn Tám, Võ Văn Sáu, Nguyễn Đồng tham gia truyền dạy cách sử dụng một số nhạc cụ biểu diễn khi hát sắc bùa như sinh tiền, phách tre, trống. Đồng thời truyền dạy một số điệu cơ bản, bài hát như Mở ngõ, Quê hương ăn tết, Tưởng nhớ công ơn liệt sĩ, Dâng hương, Từ tạ… Đây là tín hiệu vui để sắc bùa được gìn giữ và tồn tại trong đời sống tinh thần của người dân vùng quê Duy Xuyên nói riêng, xứ Quảng nói chung mỗi dịp tết đến xuân về…