Mùa xuân phương Nam

BÙI CAO BẰNG 31/01/2016 09:12

Sau khi mở cõi về phương Nam đến núi Thạch Bi (Phú Yên), tháng 6.1471 vua Lê Thánh Tông cho lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam trên vùng đất vừa chiếm giữ từ phủ Thăng Hoa đến phủ Hoài Nhơn (bờ Nam sông Thu Bồn tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Bình Định ngày nay). Tướng quân bộ binh Nguyễn Đức Trung được vua phong tước Thái Bảo quận công và giao trấn thủ đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Tướng quân phụ trách đạo hải thuyền là Lê Tấn Trung được vua phong tước Bình Chiêm Triệu Quốc Công và giao cho trấn thủ phủ Thăng Hoa, thuộc đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Vua xuống chiếu kêu gọi nhân dân từ các miền ngoài di cư vào vùng đất mới Quảng Nam dựng làng lập ấp xây dựng đời sống mới.

Tuân theo chỉ dụ, hai tướng quân Nguyễn Đức Trung và Lê Tấn Trung đã chiêu dân từ các miền Thanh - Nghệ vào đây cùng với số quân binh ở lại lập nên nhiều làng mới trên đất Quảng Nam trong đó có các làng như Chiên Đàn, Ngọc Thọ, Trường Xuân, Phú Hưng… của huyện Hà Đông, Quảng Nam. 

Ánh nắng chiều của ngày cuối năm nhè nhẹ nghiêng bóng về phía hiên nhà. Ông Mộc ngồi một mình đếm từng đốt lóng tay, mắt nhìn về xa xa: Tết đến rồi, thời gian trôi qua nhanh quá. Ông lại nhớ quê.

Ngày ông chú họ được mộ lính rồi theo quân vua đi đánh giặc, ba năm sau ông về nói với gia đình là vô trong miền Chiêm mà làm ăn dễ dàng hơn ở ngoài này, rừng nhiều chim thú, sông nhiều cá tôm, đất làm lúa bạt ngàn. Mùa đông năm ấy gia đình ông và hai gia đình người bà con khác theo chân ông chú họ làm cuộc hành trình vào phương Nam để tìm cuộc sống mới tốt hơn.

Tiết trời mùa đông ở miền Bắc mưa, lạnh. Đoàn ông Mộc không đi bằng thuyền mà đi theo đường bộ, băng rừng lội suối mấy mươi ngày liền mới đến nơi, may mà trên đường đi gặp nhiều bà con vào định cư trước đây nên xin nghỉ nhờ và tiếp lương thực.

Khi đoàn qua khỏi núi Hải Vân, khí trời nắng ấm khác với cái lạnh ở quê. Ông chú họ nói: không dừng ở đây mà đi tiếp vô chỗ huyện Hà Đông, trong đó đã có bà con quê ta. Đi thêm hơn mười ngày nữa thì đến gần con sông Chà Va của huyện Hà Đông. Hai nhà kia được bố trí ở tạm trong ngôi đình làng. Ngôi đình vừa mới được bà con vào trước xây dựng để có chỗ sinh hoạt cho đỡ nhớ quê. Gia đình ông Mộc được ông chú xin cho ở nhờ nhà người quen.

Ổn định đâu được mười ngày thì ông Mộc và mấy người trong làng rủ nhau làm một chuyến khám phá vào vùng đất phía Nam gần với dãy núi lớn Mộ Nộ. Từ con sông Chà Va đi bộ vô đến vùng núi Mộ Nộ cũng phải mất gần nửa ngày đường, đi qua hai làng người Chiêm. Ở đây vẫn còn rải rác một số gia đình Chiêm làm nông nghiệp. Lúa Chiêm năm nay thuận mùa, cấy sớm nên nhiều cánh đồng lúa xanh non tơ mơn mởn. Ông Mộc và mấy người đi mãi gần trưa thì đến bên con sông Cà Dy gần với núi Mộ Nộ, nơi đây vẫn còn dấu tích một ngôi làng người Chiêm sinh sống - họ mới bỏ đi cách đây mấy năm khi vua Chiêm thất trận. Hai bên sông hoa mai vàng nở rực xen lẫn trong những cây rừng ngả bóng xuống dòng sông, tiết trời ấm áp nên mùa xuân đến sớm trên vùng đất này. Con sông Cà Dy đổ ra cửa biển Tân Áp thật nên thơ, người Chiêm chọn nơi này dựng làng quả là tuyệt đẹp.

- Đẹp quá! Ông Mộc thốt lên với mọi người trong đoàn, ông không khỏi kìm nén được cảm xúc trước đất trời nơi đây.

- Chỗ ni đẹp quá, có núi, có sông, đất đai cũng nhiều, hay ta tính chuyển gia đình vô đây sống được không bác Mộc?

Ông Mộc không trả lời nhưng giục mọi người đi tiếp. Sau một hồi loanh quanh, mọi người nghỉ chân dưới tán rừng ven sông. Bên kia cánh rừng tiếng chim cu gáy vang phá tan một góc trời ban trưa. Ngồi nghỉ nhưng mỗi người lại miên man cho số phận, cho cuộc sống gia đình tương lai.

Ông Mộc cùng cả đoàn tiếp tục cắt rừng đi dọc con sông Cà Dy một hồi nữa, đến trước một khoảnh đất trống đã được người Chăm khai phá, phía sau là rừng, trước là con sông Cà Dy uốn lượn, bên kia sông là cánh đồng cỏ mướt rộng lớn, đã có vài thửa ruộng lúa của người Chăm bỏ hoang.

– Các chú thấy sao, chỗ này ta dựng nhà định cư được chứ? Ông Mộc hỏi. Là người lớn tuổi, ông đã nhận ra thế địa linh, khí thiêng trên vùng đất này.

Mọi người đồng tình. Ông Mộc và đoàn người quyết định chọn nơi này làm nơi định cư cho tương lai.
Ăn tết xong, vào cuối tháng giêng năm Ất Mùi 1475, gia đình ông Mộc cùng với sáu gia đình khác từ các làng bên tả ngạn sông Chà Va huyện Hà Đông cùng đưa nhau vào vùng đất bên dòng sông Cà Dy, cách núi Mộ Nộ 3 dặm về phía Nam, cách biển Tân Áp chừng 10 dặm về phía đông để dựng ngôi làng mới định cư…

Cơn gió cuối đông mang theo hơi ấm của cái nắng xuân đang chuyển mùa. Giờ đây, ông Mộc ngồi nhớ lại những ngày gia đình ông cùng bà con rời quê hương ngoài Bắc để theo ông chú họ hành phương Nam lập nghiệp, mới đó mà đã mười bảy năm xa quê. Ông Mộc chưa một lần về thăm quê, ông nhớ quê vô cùng. Hồi gia đình ông vô đây chưa có cô út Mai, chỉ có hai vợ chồng và hai đứa con lớn sinh từ ngoài Bắc nhưng chỉ một năm sau, khi dựng cái làng này thì con bé út ra đời, giờ đã là 16 tuổi rồi. Nhìn con bé ngày càng xinh, hồn nhiên vui tươi, ông lại miên man suy nghĩ: Có lẽ đây chính là quê hương của con bé và các thế hệ cháu con sau này…

- Bố ơi! Bố làm gì mà ngồi một mình đăm chiêu thế? Bố xem cá con bắt được này.

Tiếng nói của con bé từ bến sông làm ông Mộc giật mình với dòng suy nghĩ.

- Cá đâu vậy con?

- Hồi nãy lội dọc sông con thấy mấy con cá tràu to nằm trên bờ cho kiến bám vào làm mồi cho cá con ăn, con chỉ bắt một con đem về chiều nay nướng ăn bố nhé. Sẵn con hái luôn nhánh lan rừng đem về treo trong nhà cho đẹp, sắp đến tết rồi mà bố.

- Ừ thôi con vào lo cơm cho cả nhà ăn, để còn gói bánh tết.

Bên kia nhà ai đã khói lam chiều bên nồi bánh chưng, tiếng nghé ọ của đàn trâu về sau buổi hoàng hôn, dưới bến sông đàn cá quẫy đuôi đem mồi về cho con. Hương lúa non của cánh đồng Chiêm trước nhà cũng đã bắt đầu phảng phất, những cánh hoa mai nở vàng thắm sân vườn, một mùa xuân phương Nam nữa lại về trên ngôi làng mới bên dòng Cà Dy này.

Xóm núi đã trở thành quê hương mới của cha con ông Mộc và bà con từ miền Thanh – Nghệ vào định cư sinh sống trên vùng đất này đã bắt đầu từ thời đó...

BÙI CAO BẰNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa xuân phương Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO