Mùa xuân từ tay mẹ

THÁI THỊ LIỄU CHI 08/02/2015 07:49

Xưa, cứ độ lo xong đám chạp, chừng non nửa tháng đến tết, thì mẹ tôi bắt tay vào soạn sửa, dọn dẹp nhà cửa. Mẹ đem giặt giũ, phơi phóng cho sạch thơm tất cả chăn gối, mùng mền, rèm màn. Việc này phải đợi những hôm nắng thật rộm màu. Nhìn những tấm rèm dịu nhẹ bay tung trong gió xuân và nắng ngọt, bao giờ tôi cũng nhớ.

Rồi mẹ tiếp tục việc “dặm” lại nền và tường nhà. Nhà của ba mẹ đã có nhiều mảng vá đắp lắm rồi, kể từ khi tôi biết nhớ. Hồi còn nhỏ, tôi thường được nghe ba kể chuyện, thưở ba mẹ cất lên cái nhà xây bây giờ, cả nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến trường kỳ gian khổ nên hàng hóa khan kiệt, xi măng thì đặc biệt hiếm. Vậy nên vữa trộn hồ còn được độn cả nhựa dẻo từ thân cây lưỡi long để gia thêm độ kết dính, giống như cơm gạo trắng phải ghế thêm sắn, khoai cho no bụng cả nhà. Hồi ấy, nhiều người xây nhà dựng cửa phải lặn lội đến những cồn cát trắng xóa chang chang nắng của biển Cẩm An, Cửa Đại (bây chừ) để tìm hái cây lưỡi long. Cây đem về được giã nhuyễn trong cối đá, chắt lấy một thứ nhựa dẻo quánh, vẩn chút mùi nồng nồng hăng hắc rồi trộn vào vữa hồ, bù cho lượng xi măng ít ỏi. Vì xây theo kiểu đó nên chỉ chừng mấy năm, sau vài trận lụt ngập đến tận bậu cửa sổ thì căn nhà của ba mẹ tôi bung “lở loét” khắp nơi. Mỗi năm, thêm vài chỗ bong tróc ra trên nền nhà và tường, mẹ lại hòa chút xi măng cùng cát, cần mẫn dặm đắp lại cho thật khéo, bằng hết những lỗ nhỏ tí tẹo. Những vệt xi măng đủ sắc độ đậm nhạt, nhám có, láng mịn có của nhiều nhãn hiệu khác nhau lần lượt hiện diện trong tổ ấm yêu thương của chúng tôi, tạo nên nhiều hình thù kỳ cục. Đôi khi hứng chí, ba rủ tôi cùng chơi trò đoán hình tả dạng của chúng. Này nhé, chỉ cần nheo mắt lại để vừa ngắm nghía vừa thả hồn bay bổng một tí, rồi ba quệt thêm vài đường bút chì lên mảng tường đã sẵn tạc một con vật hay một dáng người, thế là bức họa hiển hiện rõ ràng trước đôi mắt ngây ngô con trẻ của tôi...

Chừng hai lăm tháng Chạp thì mẹ tôi bắt tay vào chuẩn bị dần món ngon cho mấy ngày Tết. Món gia truyền được ưu tiên nhất là thịt nấu đông. Đây là món ghiền của người Bắc mỗi độ tiết hàn lạnh được mẹ mang theo về với phố Hội, miền Trung quê ba. Làm món này nhất thiết phải có da heo hầm nhừ để tạo chất keo kết dính cho những lát thịt gà nhỏ nhắn vừa bằng hộp diêm và mấy tai nấm hương thơm lừng lựng, giòn sần sật. Năm nào mẹ cũng dành cho tôi phần việc nhổ sạch lông của những miếng da heo đã luộc chín, đem thái thành từng lát nhỏ, vì con gái của mẹ cần học tính kiên trì và tỉ mỉ. Mẹ chỉ tôi cách nêm nếm cho vị thật mềm, nếu nêm mặn thịt hầm sẽ khó đông, còn nhạt tay muối thì rất dễ gây ngán. Nồi thịt hầm nghi ngút khói của mẹ làm tôi cứ phải hít hà mãi không biết chán. Mùi hương vào sâu miền ký ức, nhẹ tênh như một làn khói. Lần đầu tiên được mẹ cho làm cùng, nóng lòng nóng ruột muốn biết nồi thịt đã đông một cách ngoạn mục như thế nào quá, nên tôi cứ thậm thụt ngó nghiêng, lại còn khẽ tay lắc nhẹ coi sao. Đến sáng hôm sau, mẹ tôi phát hiện ngay. Hóa ra, khi nhắc nồi khỏi bếp, mẹ dặn chớ có động vào là để tảng thịt đông lại sẽ không bị “long chân”, vậy mà tôi cứ tưởng… mẹ cấm mình ăn vụng.

Tuổi thơ nồng ấm đã lùi sâu vào miền nhớ, mà đến bây giờ tôi vẫn thật sự tin mẹ của tôi có đôi bàn tay kỳ diệu nhất trên đời, từ đôi bàn tay ấy, mùa xuân theo về…

THÁI THỊ LIỄU CHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa xuân từ tay mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO