Mùa xuân và đổi mới

VŨ NGỌC HOÀNG 23/01/2023 07:40

(Xuân Quý Mão) - Ai cũng mong muốn làm mới cuộc sống để tốt đẹp hơn. Mùa xuân luôn gắn với đổi mới và sáng tạo, là mùa vạn vật hồi sinh, đâm chồi nảy lộc, chuẩn bị và bắt đầu cho một tương lai.

Đổi mới, phải bắt đầu từ giáo dục. Ảnh minh họaẢnh: PHƯƠNG THẢO
Đổi mới, phải bắt đầu từ giáo dục. Ảnh minh họa

Vì sự phát triển, để mà phát triển

Vào thế kỷ 19, từ một quốc gia chưa phát triển, nước Đức, rồi nước Nhật, đã có một cuộc cải cách lớn để thành nước công nghiệp cường thịnh như ngày nay. Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước trong khu vực cũng vậy. Và Việt Nam, nếu 30 năm qua không đổi mới thì bây giờ tủi hổ lắm. Tư duy của con người là sức mạnh vô địch để hưng thịnh và tiến lên.

Từ sau Đại hội XII của Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước đã phấn khởi, hoan nghênh công việc chống tham nhũng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đó là một thực tế đáng ghi nhận trong xây dựng hệ thống chính trị.

Tất nhiên cũng mới là kết quả bước đầu, tuy rất quan trọng và đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa đủ, hoàn toàn chưa đủ, mà phải tiếp tục nhiều nữa công việc chống tham nhũng để xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, thật sự hết lòng vì dân, vì nước.

Gần đây cũng có một số ý kiến lo lắng rằng, cuộc chiến chống tham nhũng nếu đẩy mạnh nhiều theo cách làm như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến phát triển. Thậm chí ở nhiều địa phương và ngành có tình trạng cán bộ không tích cực xử lý công việc kịp thời, ngại sơ hở sẽ bị kỷ luật; kể cả đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không ai đứng ra chịu trách nhiệm tháo gỡ. Trong khi đó, các khung pháp lý chưa đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đó là tình trạng rất đáng quan tâm và cần bàn kỹ để sao cho công việc được tốt hơn.

Về cơ bản vẫn phải đẩy mạnh chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” mới có môi trường và điều kiện cho phát triển lành mạnh và bền vững. Chống tham nhũng để phát triển mạnh lên, chứ không phải để cho nhiều việc khác trở nên đình trệ, cán bộ không dám làm, ngồi chờ cho qua đại hội hoặc đến ngày nghỉ hưu.

Gần đây, Bộ Chính trị đã có chủ trương rất đúng về cơ chế bảo vệ và khuyến khích những cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Có chủ trương về cơ chế như vậy là tốt, nhưng tổ chức thực hiện cần phải đồng bộ hơn bằng việc bổ sung kịp thời những quy định vào các luật và văn bản pháp lý khác.

Và đặc biệt là phải quyết tâm thực thi chủ trương đó trên thực tế một cách rõ ràng, cái gì đã sai với tinh thần ấy thì phải sửa, có thế mới tạo được lòng tin chung, còn nếu không thì chủ trương đúng đó cũng chẳng đi vào cuộc sống.       

Điều quan trọng hơn cần nhấn mạnh là phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện về tư duy, cơ chế, thể chế quản lý đất nước, quản trị quốc gia và kinh tế - xã hội. Bắt giam những kẻ tham nhũng là cần, thậm chí trong nhiều trường hợp còn là rất cần, nhưng đó chưa phải là việc chính và chủ yếu.

Đổi mới, cải cách mới là giải pháp chiến lược, tầm nhìn chiến lược. Đổi mới trước tiên là để phát triển, ngăn ngừa từ xa cái nguyên nhân (về cơ chế, thể chế) sinh ra tiêu cực, thoái hóa, chứ không chỉ là đối phó bị động trong xử lý tình thế khi đã để xảy ra rồi.

Tất nhiên ai cũng hiểu khi nhà cháy thì phải lo chữa cháy trước đã, rồi liền sau đó mới nghĩ về cách thiết kế cho lâu dài. Nhưng bây giờ, kể từ Đại hội XII, đã đến lúc phải tập trung cao độ để nghĩ ngay cho việc chống tham nhũng một cách căn cơ, lâu dài bền vững, tất nhiên là cần bước đi phù hợp.

Ai sẽ đổi mới và làm sao đổi mới? 

Phải tập trung cho đổi mới thể chế, để chớp lấy các cơ hội mà phát triển mạnh mẽ đất nước, đồng thời để phòng chống tham nhũng từ các kẽ hở của thể chế, từ nguyên nhân và điều kiện sinh ra tiêu cực.

Đổi mới để phát triển, tăng thêm nội lực, giống như sức khỏe của cơ thể được nâng lên, tự nó có khả năng phòng ngừa bệnh tật. Đổi mới là cách phòng chống tham nhũng cơ bản. Đổi mới cũng là chống tham nhũng từ gốc, từ nguyên nhân và điều kiện sinh ra.

Dù sự trừng trị nghiêm minh bằng pháp luật vẫn là rất cần hiện nay, lâu dài vẫn cần, nhưng rất chưa đủ, mà phải bằng thể chế minh bạch, dân chủ và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng quyền lực. Đó là giải pháp chính yếu và quan trọng nhất.

Mọi người đều có thể tham gia công cuộc đổi mới, nhưng trước nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và chuyên viên đương quyền ở tất cả cấp, ngành. Cán bộ càng cao càng có trách nhiệm lớn hơn trong đổi mới. Nếu thờ ơ với tình trạng trì trệ, để sự giáo điều, bảo thủ kéo dài, không đủ tâm huyết,  không dám chịu trách nhiệm trong đổi mới thì sẽ là khuyết điểm lớn vào lúc này.

Muốn có nhiều người đổi mới thì phải tạo điều kiện và môi trường cho họ sáng tạo trong lĩnh vực quản trị, quản lý. Muốn sáng tạo thì phải có phản biện. Không phản biện thì không tiếp cận được chân lý khách quan. Khả năng phản biện và đổi mới là biểu hiện quan trọng nhất về năng lực của cán bộ. Đất nước đang cần nhiều người như thế.

Để cán bộ có thể phản biện và sáng tạo thì phải có môi trường mở, khuyến khích và trân trọng tư duy độc lập, dám nói thẳng, dám nói ý mới kể cả ý kiến khác với tư duy của lãnh đạo. Rất cần những lãnh đạo biết lắng nghe, nghe một cách cầu thị chứ không phải hình thức. Và rất cần có cơ chế bảo vệ và khuyến khích những người sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám nói thẳng ý kiến và quan điểm của mình.

Đó cũng là dân chủ xã hội vậy.

Dân chủ và sự tiến bộ xã hội luôn song hành, mặt này tác động cho mặt kia, và dân chủ là giá trị cốt lõi quan trọng nhất trong tiến bộ xã hội. Từ nguyên thủy, nô lệ, phong kiến đến tư bản đã như thế, tuy có lúc lên lúc xuống nhưng nói chung là theo xu hướng tiến bộ dần.

Tư tưởng triết học của Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định sự cần thiết và tính tất yếu phải mở rộng dân chủ không ngừng. Đảng cộng sản khi mới ra đời đã tuyên bố mục tiêu dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi lập nước, cũng khẳng định và tuyên ngôn về mục tiêu dân chủ.

Ở Việt Nam, nghị quyết của nhiều lần Đại hội Đảng đã chủ trương phải tiếp tục đẩy mạnh một cách toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới. Thực thi dân chủ rộng rãi trong Đảng và trong xã hội như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là công việc quan trọng nhất của sự nghiệp đổi mới vào lúc này. Làm được như thế chắc chắn sẽ thành công, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước sẽ tròn trách nhiệm với lịch sử và sâu rễ bền gốc trong dân.

Nhân mùa xuân mới, mong và chúc cho đất nước ta yên bình và phát triển cường thịnh!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa xuân và đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO