Ông Thành vừa đi vừa nhìn đường, nhìn đồng, nhìn rừng… Không đúng như ông từng than với những người bạn cao tuổi, “trí nhớ bây giờ tệ quá”. Lạ, sao bỗng dưng ông lại nhớ rất rõ từng chi tiết ngỡ như đã bị xóa sạch trong ký ức.
Cũng con đường làng bê tông này đây, xưa vòng vèo cỏ nhiều hơn cát. Cũng cánh đồng này đây, dường như mới hôm qua ông còn thả lờ, tát cá. Cũng ngọn đồi thoai thoải kia, ông đã từng thả bò hái sim. Cũng hàng rào này đây, xưa không phải cọc sắt, lưới sắt mà là hàng gai xương rồng chỗ dày, chỗ sưa.
Trời tháng Chạp, se lạnh luồn trong hanh nắng, hoa xương rồng trổ vàng bên những mũi gai nhọn hoắt. Rồi màu vàng sậm dần, tàn dần để hy sinh nuôi trái. Đó là lúc vụ lúa đông xuân đã được bón phân lần đầu, dân làng chuyển dần từ đồng lên rừng. Và câu ca quen thuộc được nhắc đến: “Xương rồng ra hoa người ta cày cấy, xương rồng ra trái người ta chạp mả, xương rồng rà rã người ta ăn tết…”.
Ông Thành dừng lại, hỏi cậu bé đang chờ bạn cùng đi học:
- Cháu ơi, cháu có biết ở đây nơi nào còn cây xương rồng không cháu?
Cậu bé nhíu mày suy nghĩ, rồi nhìn sang bạn cầu cứu. Thằng bạn lắc đầu “dạ con không biết” và cả hai vừa đạp xe đến trường vừa cười nói vui vẻ.
Bước vào một quán cà phê ở “ngã ba Sung Sướng”, chưa kịp ngồi vào bàn, chưa kịp nhớ lại cách giải thích tên gọi kỳ khôi này, ông Thành đã nghe quen quen tiếng ai đó:
- A…, anh Thành hả, về hồi mô đây?
Thì ra là Tuân, người bạn thua ông hai tuổi, từng một thời cười đùa tắm sông, thả diều. Hai vòng tay khô gầy, nổi nhiều chấm đồi mồi ôm nhau, hai mái đầu điểm bạc ép sát vào nhau, lặng im trong giây lát.
- Mấy năm rồi anh mới về lại quê để lo mồ mả ông bà đây?
Ông Thành nhớ lại những năm gần đây con cứ đòi về quê một mình vào các dịp giỗ chạp, ngày tết, mặc dầu ông tỏ ý muốn theo. Nó nói nghe cũng có lý, dịch COVID-19, rồi sức khỏe của cha ngày càng xuống dốc, lo dưỡng bịnh trước đã, khi nào hồi phục về luôn một tháng chơi cho đã.
- Anh vừa mới xuống xe hôm qua, mai mới đến ngày chạp mả tộc nên rảnh được một bữa để dạo ngắm quê, thăm bà con, bạn bè… Thực ra Sài Gòn - miền Trung bây giờ đi về quá dễ dàng, không như xưa. Chỉ là con cháu không rảnh việc mà một mình thân già về chơi cũng ngại.
Sức khỏe một phần, phần vì giờ có tuổi rồi, thương con cháu thì đừng để chúng phải lo lắng mà ảnh hưởng việc riêng… Năm nay anh về lo chạp mả xong ở chơi đến tết luôn. Chơi bù, chứ biết đâu những năm sau lại lực bất tòng tâm…
Sau chào hỏi, chuyện giữa hai bạn già bắt đầu từ cậu bé quê mù tịt về cây xương rồng, loại cây gai nhọn, mủ độc nhưng hoa đẹp, gắn với nhiều trò nghịch ngợm của tuổi thơ. Ông Tuân ngồi nghe, cười cười như đang trải nghiệm những chuyện thường ngày ở xóm:
- Lạ chi lớp trẻ bây giờ anh ơi. Thời nào có con người của thời đó, trẻ quê chừ khác chi ở phố. Cũng điện thoại, tivi, học thêm, du lịch… đến không còn thời gian để ra đồng tát cá, lên đồi hái sim, vào rừng tắm suối như mình hồi xưa. Xóm làng cũng thay đổi từng ngày, cái còn lại không ít nhưng cái mất đi cũng khá nhiều.
Anh nhìn kìa - ông Thành chỉ tay vòng theo hướng Tây Bắc - bạt ngàn rừng keo lá tràm nối nhau, đến nỗi không còn phân biệt được ranh giới đâu là rừng ông Phi, đâu là bãi Đá Bàng. Khó mà còn chỗ cho những dủ dẻ, sim, trâm, duối, bứa… mọc đầy trong tuổi thơ mình.
Đồng lúa vừa được bón phân tiếp sức như cố ưỡn mình vươn lá để được xanh thêm. Ngoài đường, người xe rộn ràng, trong quán cà phê mỗi lúc một đông khách. Họ chào nhau như đến hẹn lại về, không có gì quá lớn: “Tưởng ai lạ, hóa ra cũng con cháu trong làng về chạp mả”. Theo ngón tay chỉ của bạn Tuân, ông Thành vừa nhìn quanh vừa nghe giới thiệu từng người lạ lạ quen quen:
- Đó, đứa vừa dựng cuốc ngoài sân bước vào quán là cháu nội xã Lý vừa từ Tây Nguyên đưa mẹ về chạp mả. Anh còn nhớ xã Lý không, hay la bọn mình hái trộm xoài đó? Còn đứa trẻ trẻ ngồi trong góc kia là cháu ngoại ổng, nghe đâu đang học đại học ngoài Huế.
Quán hôm nay cũng được thêm một người phục vụ, đó là mụ Quýt ra giữ cháu ngoài phố vừa về… Nói chung, dù còn ở lại với làng hay theo con cháu, đi làm công nhân, công chức… đến dịp tu tảo phần mộ ông bà đều quy tụ đầy đủ. Xóm làng ngày thường trống vắng bao nhiêu thì bắt đầu từ chạp mả đến tết đông chật bấy nhiêu.
Ông Thành đi từng bàn để chào từng người như thấy mình có lỗi. Rồi ông dừng lại lâu hơn chỗ mụ Quýt đang rửa ly tách:
- Bà còn nhớ tui không? Bà Quýt chưa kịp nhận ra người khách lạ thì ông Thành đã đọc bài ca thuộc lòng từ hồi trai trẻ: “Ngó lên núi Chúa chon von/ Ngó về Xóm Thị sáu con chưa chồng…”. Bà là cô gái thứ năm tôi nhớ suốt đời: “Con Quýt cái dáng cao cao/ Hai mắt chớp chớp như sao trên trời…”.
Hai người bạn như đang sống lại thời trẻ. Chỉ khác là tuổi già trai gái nhìn nhau cười nói tự nhiên hơn, những cánh tay cũng tỏ ra dạn dĩ hơn. Khách nhìn họ ôm nhau như anh em ruột cũng chỉ biết cười.
Ông Tuân cố tỏ ra mình là lão làng cố cựu: “Cặp ni hồi nhỏ mến nhau lắm nè, trái cây hái trộm cũng đem cho nhau, thả trâu bò ăn cỏ cũng phải chung đồng chung rừng mới chịu, đêm trăng nghe chị Hân kể chuyện cổ tích cũng chen ngồi gần nhau cho được”.
Quán đông nhanh và cũng tan nhanh. Dường như ai cũng bận việc đang chờ. Trước khi chia tay ông Thành để kịp đi giẫy mả cùng anh em, bạn Tuân đứng dậy bắt tay ông, nói như MC vừa là trọng tài:
- Anh Thành thấy đúng nghĩa là “ngã ba Sung Sướng’’ chưa? Buổi chiều ngồi ở đây làm vài ly với nhau càng thấy sướng từ tâm hồn an yên đến môi trường xanh sạch. Xưa làm gì được như thế này. Mà đó chỉ mới là những bước khởi động để về đích tết. Hứa hẹn sẽ còn nhiều điều thú vị lắm.
Anh vẫn ở lại đây cả tháng trời nữa mà, tha hồ rồi biết những còn mất của xóm làng theo quy luật tự nhiên. Chỉ mong cái gì cần giữ phải được giữ lại. Cây xương rồng không còn ra hoa kết trái để báo dịp chạp mả, ngày tết thì vẫn còn đó những gặp gỡ tình nghĩa như sáng nay. Mình tạm biệt và hẹn gặp lại nhau vào chiều nay, ngày mai, ngày mốt… anh Thành nhé.
Không khí khởi động về đích tết dường đang bắt đầu từ tâm hồn ông Thành, từ “ngã ba Sung Sướng” lan ra cánh đồng, rừng đồi và rải khắp các ngả đường rộn ràng người xe.
Đây đó sân vườn điểm nét đang cố tranh thủ chút nắng cuối năm để phơi quần áo, mền chiếu mới cũ, đôi dép quen, đôi giày lạ. Từng đoàn người rựa cầm tay, cuốc vác vai, thêm chiếc máy cắt cỏ gọn nhẹ… đang tỏa về các khu nghĩa trang.
Ông Thành ngược sang hướng mộ cha mẹ, từng ngón tay chạm phiến đá và cỏ dại như chạm vào dòng thời gian đời người. Nén nhang quyện tỏa hương thơm giữa đất trời thoảng gió như đang kết nối cội nguồn khiến ông cứ nhập nhằng khái niệm về thời gian.
Vẳng đâu đây lời mẹ kể chuyện về cây xương rồng với lời kết như bài ca mãi ấn xoáy vào tuổi: “Xương rồng ra hoa người ta cày cấy, xương rồng ra trái người ta chạp mả…’’.