|
Kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội gần đây cho thấy vấn đề bình đẳng giới chưa thật sự đem lại kết quả khả quan. Ví như 3 khóa Quốc hội gần đây nhất là XI - XII - XIII; tổng số đại biểu tương ứng 498 - 493 - 500; trong đó, đại biểu nữ tương ứng 136 - 127 - 122, tỷ lệ tương ứng 27,31% - 25,76% - 24,40%. Các con số trên cho chúng ta thấy đại biểu Quốc hội là phụ nữ ngày càng giảm cả số lượng và tỷ lệ. Hay như nhiệm kỳ 2011 - 2016, nữ đại biểu HĐND ba cấp cả nước có tỷ lệ: cấp tỉnh 25,17%; cấp huyện 24,52%, cấp xã 21,71%. Mới đây nhất là Đại hội Đảng các cấp, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 là: cấp tỉnh 13,44%; cấp huyện 17,21%; cấp xã 21,48% (cấp Trung ương 10%). Đối với tỉnh Quảng Nam, nhiệm kỳ 2011 - 2016, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 12,50%; nữ đại biểu HĐND tỉnh 20,69%; nữ đại biểu HĐND huyện 20,17%; nữ đại biểu HĐND xã 17,92%. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 cụ thể như sau: cấp tỉnh 7,14%; cấp huyện 14,30%; cấp xã 21,60%.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 (Chính phủ ban hành ngày 24.12.2010) đưa ra chỉ tiêu: Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên 35%. |
Mặc dù tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở 3 cấp và nữ ủy viên Trung ương Đảng khóa XII đều tăng so với nhiệm kỳ trước, nhưng so với chỉ tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 thì tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng, Quốc hội và HĐND các cấp của cả nước cũng như của Quảng Nam còn khoảng cách khá xa, đạt quá thấp so với chỉ tiêu.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cần đảm bảo ít nhất 35% nữ trong danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là một yêu cầu trong các chủ trương chỉ đạo công tác bầu cử nhiệm kỳ mới. Để đảm bảo được yêu cầu này, việc phát hiện, đề xuất, khuyến khích và tạo điều kiện cho những phụ nữ đủ điều kiện tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là một việc quan trọng và cần thiết. Đảm bảo ít nhất 35% nữ trong danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cũng chính là mục tiêu phấn đấu của bình đẳng giới thực chất. Trong quá trình hiệp thương giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cần quan tâm đến chất lượng nữ ứng cử viên đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Đây sẽ là tiền đề đảm bảo cho phụ nữ có cơ hội và điều kiện tham gia Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ đến.
HUỲNH THỊ TUYẾT - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy